Ảnh chụp khu vực phía sau điện Kiến Trung thời Khải Định (thập niên 1920) - Ảnh tư liệu
Tuổi Trẻ vừa nhận được bài viết của một nhóm kiến trúc sư và nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, cho biết ngôi điện Kiến Trung - tòa cung điện có quy mô lớn nhất trong Hoàng thành Huế - đang được phục hồi có nhiều điểm sai lệch, khác hẳn với điện Kiến Trung nguyên gốc. Để bạn đọc rộng đường đánh giá, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết này.
Sau khi phân tích, đối chiếu những hình ảnh và phim tư liệu về điện Kiến Trung với bản vẽ thiết kế và các tài liệu căn bản phục vụ việc phục hồi điện Kiến Trung do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (chủ dự án) và Phân viện khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung (đơn vị thiết kế và thi công) công bố từ năm 2018 đến nay, chúng tôi thấy có một số điểm khác biệt giữa tư liệu (ảnh và phim) với công trình đang phục hồi.
Thông tin về công trình phục hồi điện Kiến Trung công bố tại hiện trường
Công trình phục hồi khác biệt nguyên gốc
Thứ nhất, những tài liệu mà đơn vị thiết kế sử dụng để thiết kế công trình phục hồi đã không phân rõ nguyên trạng điện Kiến Trung giữa hai thời Khải Định và Bảo Đại. Đây là một việc tối cần thiết, vì tòa cung điện này có những biến đổi quan trọng, cả nội thất, ngoại diện và cảnh quan dưới hai triều Khải Định và Bảo Đại.
Nếu đơn vị thiết kế không phân định sự khác biệt nguyên trạng của tòa cung điện giữa hai triều vua này thì không làm rõ được công trình sẽ phục hồi theo nguyên trạng của triều vua nào.
Thứ hai, đối chiếu hình ảnh và phim tư liệu về điện Kiến Trung với hình ảnh 3D và bản vẽ mặt bằng của công trình phục hồi công bố tại hiện trường thì thấy có những điểm khác biệt.
Bức ảnh trong bài này chụp phía sau Tử Cấm Thành thời Khải Định. Ảnh này cho thấy khối lồi trung tâm ở mặt sau công trình có tầng trệt với 7 nhịp cửa (1 lối đi, 6 cửa sổ); tầng lầu với 5 nhịp cửa (5 cửa sổ gióng thẳng hàng với tầng trệt); tường tầng trệt của khối nhà này kéo ra đến hết đài nền điện, tiếp giáp tam cấp ra hậu viên ở cả ba mặt.
Trong khi bản vẽ mặt bằng công trình lại thể hiện sai hoàn toàn khối nhà phía sau này, làm sai nhịp bước kiến trúc.
Phối cảnh điện Kiến Trung sau khi phục hồi
Thứ ba, nghiên cứu các hình ảnh, phim tài liệu về điện Kiến Trung thời Bảo Đại và ảnh chụp phần còn lại của tòa cung điện sau khi sụp đổ năm 1947, thấy phần ban công giữa hai khối tháp ở mặt đứng bên (có từ thời Khải Định) đã được xây bít, lợp mái che và trổ ba cửa sổ, khớp với các tư liệu thành văn mà chúng tôi đã thu thập, rằng sau khi vua Bảo Đại hồi loan (1932), nhà vua đã cùng cả gia đình sinh sống ở đây nên cải tạo mở rộng thêm điện Kiến Trung.
Ngoài ra có thể thấy dãy nhà phụ với chức năng Đông Cung Lâu đã được cơi lên tầng theo lối kiến trúc hiện đại hơn, nhưng vẫn chưa thấy sự xuất hiện của khối nhà liền sau đó.
Bản vẽ mặt bằng khu vực phía sau điện Kiến Trung, có đến 4 khối nhà phụ ở hai bên lầu Kiến Trung. Trong khi trong ảnh 1 nguyên trạng chỉ có 2 khối - Ảnh tư liệu
Ngoại thất thời Bảo Đại, nội thất thời Khải Định
Chúng tôi cũng đã phân tích khoảng 15 bức ảnh khác chụp ngoại diện và cảnh quan xung quanh điện Kiến Trung giữa hai thời Khải Định và Bảo Đại, nhận thấy những kiến trúc phụ ở phía sau tòa lầu chính của điện Kiến Trung, cũng như cảnh quan phía trước điện đã có nhiều thay đổi.
Đem những hình ảnh và phim tài liệu về điện Kiến Trung của cả hai thời kỳ Khải Định và Bảo Đại đối chiếu với hình ảnh 3D, bản vẽ phục hồi và các tài liệu mà đơn vị thiết kế công bố, chúng tôi thấy bên thiết kế đã chọn hiện trạng kiến trúc ngoại thất điện Kiến Trung thời Bảo Đại để phục hồi, nhưng nội điện, trang trí nội thất lại mô phỏng theo hiện trạng thời Khải Định.
Như vậy, tính đồng đại và tính nguyên gốc trong công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đã không được tôn trọng.
Ảnh tư liệu cho thấy mái của vọng gác điện Kiến Trung là loại ngói phẳng (bình ngõa)
Cả tòa cung điện chỉ có một cầu thang?
Ngoài ra, theo bản vẽ mặt bằng tổng thể công trình phục hồi điện Kiến Trung, nội điện chỉ có một cầu thang ở trung tâm. Chúng tôi rất băn khoăn, bởi cả tòa cung điện đồ sộ như vậy mà chỉ có duy nhất cầu thang để sử dụng chung.
Khi nghiên cứu các công thự, dinh thự của người Pháp còn lại tại Việt Nam, chúng tôi thấy tòa nhà nào cũng có nhiều hơn một cầu thang để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, có thang danh dự và thang người hầu riêng biệt, và có thể dùng để thoát hiểm như hiện nay.
Điện Kiến Trung là cung điện dành cho vua, liệu vua có chấp nhận không phân biệt thứ bậc mà dùng chung cầu thang bộ với mọi người, kể cả người hầu hay không?
Dấu tích còn lại trên mái vọng gác điện Kiến Trung cho thấy ngói lợp là loại ngói phẳng, tráng men vàng toàn bộ mặt trên. Ảnh tư liệu do nhóm tác giả bài báo thu thập
Ngói phẳng hay ngói liệt?
Sau cùng, theo phối cảnh điện Kiến Trung sau khi phục hồi, thì mái của điện và hai vọng gác phía trước là ngói liệt tráng men vàng xếp chồng lên nhau. Điều này là không đúng với ảnh tư liệu, cũng như ảnh chụp hiện trạng ngói lợp của phế tích vọng gác đang còn tại hiện trường.
Theo hình ảnh tư liệu và nghiên cứu của chúng tôi, mái điện Kiến Trung cũng như mái của hai vọng gác được lợp ngói phẳng (bình ngõa) tráng men vàng toàn bộ mặt trên, chứ không phải là ngói liệt (chỉ tráng men một nửa mặt trên của viên ngói).
Loại ngói này khi lợp không được xếp chồng vào nhau như ngói liệt mà ốp thẳng lên lớp ngói liệt mộc bên dưới thông qua một lớp vôi vữa.
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng quần thể điện Kiến Trung mới lợp loại ngói này, mà nhiều công trình khác xây dựng dưới triều Khải Định (như cung An Định, lầu Tứ Phương Vô Sự...) và cả những công trình từ các đời trước nhưng được tu sửa dưới triều Khải Định (như các điện: Thái Hòa, Càn Thành, Minh Thành, Ngưng Hy...), cũng được lợp ngói phẳng, theo kỹ thuật như đã trình bày trên đây.
Điện Kiến Trung đã bị sụp đổ hoàn toàn trong chiến tranh. Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi động dự án phục hồi điện Kiến Trung, với sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Huế và sự tham gia của Phân viện khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung.
Ngày 7-9-2018, chủ dự án đã trưng bày công khai ảnh tư liệu, bản vẽ kỹ thuật và những thông tin về dự án trùng tu điện Kiến Trung tại khu vực sân trước nền điện. Ngày 16-2-2019, dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung" được khởi công, với tổng vốn đầu tư 123,78 tỉ đồng. Dự kiến hoàn tất vào tháng 8-2023.
>> Kỳ tiếp theo: Đơn vị thiết kế và chủ dự án nói gì về những "sai lệch" này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận