10/04/2024 12:05 GMT+7

Điện khí gặp khó trong đàm phán hợp đồng

Nhiều dự án điện khí hiện đang gặp vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện do những cam kết sản lượng dài hạn, khiến cho cả chủ đầu tư và bên mua điện rơi vào bế tắc nếu không sớm có tháo gỡ từ các cơ quan chức năng.

Dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 được triển khai và đang đàm phán hợp đồng mua bán điện - Ảnh: PHONG SƠN

Dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 được triển khai và đang đàm phán hợp đồng mua bán điện - Ảnh: PHONG SƠN

Dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 có công suất 1.624MW do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) làm chủ đầu tư đã đạt tiến độ hơn 80% và đang tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Giá điện khí cao, khó cam kết bao tiêu

Dù hai bên đã thống nhất hầu hết các nội dung của PPA theo thông tư 57/2020 quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, song vẫn còn vấn đề liên quan đến giá điện vẫn chưa đạt được đồng thuận.

Những dự án khác như Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2, Bạc Liêu vẫn đang đàm phán với EVN về hợp đồng PPA nhưng chưa thống nhất được các nội dung cơ bản. Theo đại diện EVN, vướng mắc lớn nhất trong đàm phán PPA tại các dự án điện khí đó là yêu cầu cam kết sản lượng điện dài hạn.

Đây là điều kiện được đặt ra với chủ đầu tư dự án điện khí, khi bên cho vay phát triển dự án đề nghị cần thiết phải có cam kết sản lượng điện được phát tối thiểu để có dòng tiền ổn định trả nợ cho vốn đầu tư. Bên cung cấp khí tự nhiên hoặc LNG cũng yêu cầu nhà máy điện phải có cam kết sản lượng tiêu thụ khí tối thiểu hằng năm nhằm đảm bảo quá trình khai thác, sản xuất khí ổn định.

Tuy nhiên, EVN cho rằng các dự án sử dụng khí có giá thành điện cũng như giá biến đổi cao hơn các nguồn điện khác trong hệ thống điện. Trong khi đó, quy định về hệ thống điện và thị trường điện lại yêu cầu, việc xác định nguồn điện huy động dự kiến phải căn cứ vào giá của nhà máy điện và mức độ cạnh tranh, nên các nhà máy điện khí sẽ có thứ tự ưu tiên huy động cuối cùng trong hệ thống.

Đặc biệt, trong điều kiện toàn hệ thống điện dư thừa công suất tại một số thời điểm, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ phải giảm huy động một số nhà máy điện, trong đó các nhà máy điện khí sẽ được giảm huy động trước tiên.

"Với thực tế như vậy, EVN không thể cam kết sản lượng điện dài hạn với chủ đầu tư, nếu cam kết này không được quy định là yếu tố ràng buộc trong lập lịch huy động các nhà máy điện. Bởi việc này có thể mang đến rủi ro lớn khi EVN vẫn phải trả tiền tương ứng sản lượng điện đã cam kết mà không nhận được điện từ các nhà máy này do có giá cao và sản lượng huy động thấp", EVN nêu vấn đề.

Tháo gỡ từ chính sách

Ngoài ra, EVN cũng cho hay các nhà đầu tư còn đưa ra các vấn đề pháp lý khác trong hợp đồng mua bán điện. Đơn cử như áp dụng luật nước thứ ba trong hợp đồng mua bán điện; Chính phủ đảm bảo khả năng chuyển đổi ngoại tệ để thanh toán vốn vay, nhiên liệu; cơ chế bồi thường khi thay đổi luật hoặc cơ chế chấm dứt, thanh toán do yêu cầu được đảm bảo đầu tư, thu hồi vốn đầu tư; đảm bảo quyền của bên cho vay vốn với dự án...

Ông Tô Xuân Bảo, cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho hay để triển khai dự án điện khí theo chu trình hỗn hợp, cần ít nhất 7,5 năm. Theo tiến độ hiện nay, các dự án điện khí có thể đưa vào vận hành trước năm 2030 là dự án điện trong Trung tâm điện lực Ô Môn; Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; Hiệp Phước với tổng công suất 6.634MW.

Với các dự án còn lại, việc đưa vào vận hành đến năm 2030 phụ thuộc vào hoàn thành đàm phán hợp đồng PPA và thu xếp vốn vay trước năm 2027. Ngoài ra, các dự án điện khí thuộc chuỗi khí điện (Lô B, Cá Voi Xanh) còn phụ thuộc tiến độ của dự án thượng nguồn để đảm bảo hiệu quả chung của cả chuỗi dự án.

Để tháo gỡ cho các dự án, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay đã nghiên cứu báo cáo Bộ Công Thương sửa đổi một số liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong hợp đồng PPA. Tuy nhiên, việc sửa quy định còn phụ thuộc việc đánh giá đầy đủ các tác động như giá điện, thị trường điện và các quy định pháp luật khác.

EVN cũng kiến nghị cần sửa đổi các quy định liên quan, coi ràng buộc tiêu thụ khí theo cam kết thương mại là ràng buộc bắt buộc trong tính toán lập kế hoạch và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, quy định rõ tại các thông tư liên quan.

"Sản lượng cam kết tại các nhà máy điện sẽ được tính toán theo các yêu cầu ràng buộc tiêu thụ khí, chủ đầu tư điện khí phải chào giá sàn cho phần sản lượng cam kết, tránh trường hợp chào giá cao; xem xét áp tỉ lệ cam kết sản lượng ở mức phù hợp và phân bổ theo từng tháng...", một lãnh đạo EVN nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh, chuyên gia dầu khí, cho rằng Bộ Công Thương cần làm việc với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, lấy ý kiến để chỉnh sửa các quy định về đàm phán giá. Trong đó, cần yêu cầu EVN xây dựng lại và đàm phán với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và chủ đầu tư, tái xác định lại giá bán điện trong PPA.

"Cần lưu ý là cần phải xác định được việc bao tiêu sản lượng điện, trên cơ sở đó để xác định việc bao tiêu sản lượng khí, làm căn cứ để cam kết với nhà đầu tư. Từ đó nhà đầu tư mới có cơ sở làm việc với các ngân hàng trong việc thu xếp vốn vay. Nếu không thực hiện được việc trên thì khó làm việc được với các ngân hàng liên quan đến thu xếp vốn vay và các dự án điện khí sẽ không thể triển khai được", ông Minh nói.

Bộ Công Thương muốn xin Quốc hội cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơiBộ Công Thương muốn xin Quốc hội cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi

Đó là thông tin được nêu ra tại thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, khi chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp