08/10/2011 03:33 GMT+7

Diễn giọng đâu phải dễ

THIÊN HƯƠNG
THIÊN HƯƠNG

TT - Sân chơi Thử tài lồng tiếng đang diễn ra trên HTV3 Online đã mở ra cơ hội cho những người yêu điện ảnh thử sức với công việc tưởng dễ mà khó này.

2DSQ6uNb.jpgPhóng to
Lý Thanh Thảo đang “thổi hồn” cho nhân vật Vy (Maya thủ vai) trong phim Yêu lần nữa (đang phát sóng trên HTV7) - Ảnh: Thiên Hương

Lồng tiếng không còn là công việc xa lạ. Từ rất lâu, xem phim được lồng tiếng cũng trở nên quen thuộc với khán giả Việt. Các khóa học ngắn hạn tại Nhà văn hóa Điện ảnh Tân Sơn Nhất (TP.HCM), các lớp lồng tiếng của Yến Nhi, Phước Sang... cũng đang thu hút khá đông bạn trẻ theo học.

Tim đập theo cảm xúc

Mắt không ngừng quan sát màn hình để bắt đúng khẩu hình diễn viên rồi lại lướt qua kịch bản để xem thoại. Tai căng ra để nghe âm thanh gốc từ hiện trường. Não hoạt động liên tục để phán đoán, liên tưởng và đôi khi phải tìm từ đệm thêm vào cho thoại hợp lý. Miệng không ngừng hô “thu”, “làm màu” (là khóc, cười, la hét, ho, hắt xì, thở dài...) và tim đập theo nhịp cảm xúc của nhân vật. Đó là Lý Thanh Thảo khi không ở phim trường mà đang ở trong phòng thu tiếng.

Từng tham gia một số phim như Anh và em, Gia đình phép thuật, Tình yêu và tham vọng... nhưng hiếm người biết Lý Thanh Thảo gắn bó với nghề lồng tiếng gần 10 năm nay, bắt đầu từ vai diễn của chính mình trong phim Cỏ dại. Thảo lý giải đơn giản cho tình yêu này của mình: làm diễn viên lồng tiếng không phải di chuyển nhiều cũng không cần trau chuốt ngoại hình lại được thỏa sức khóc cười cùng nhân vật.

Nhưng để khóc cười với nhân vật thì bản thân mình phải cảm được nhân vật đó, phải đặt mình vào tình huống trong phim và xem đó như tình huống thật xảy ra với mình ngoài đời. Và không dễ, như có nhiều câu chuyện sau cánh cửa phòng thu được các nghệ sĩ truyền nhau kiểu: câu thoại “cầm cái giẻ lau bàn” lại nói thành “cầm cái dủi lau bè” hoặc đôi khi nhanh miệng “Thưa chủ soái, doanh troại ở ngoài thành bốc choáy”...

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là làm diễn viên lồng tiếng thì bớt cực hơn so với những diễn viên trên phim trường. Câu nói cửa miệng của nhiều diễn viên lồng tiếng vẫn là: “Diễn giọng đâu phải dễ!”. Một mình đối diện với chiếc micro và màn hình tivi, Thảo luôn căng người ra vì vừa phải lo nhép miệng cho khớp, vừa phải khóc cười sao cho đạt đến độ chín trong cảm xúc nhân vật.

Lúc thì mắt ngân ngấn nước, giọng đặc lại, mũi nghèn nghẹt để... khóc cho ra hồn, lúc lại tươi vui, nhí nhảnh như cô gái mười bảy, mười tám. Có những đoạn diễn viên không “làm màu” trên phim nhưng Thảo vẫn tự thêm vào để vai diễn được sinh động hơn, hay có khi cả nhân viên kỹ thuật lẫn sếp la-tô (Chef de plateau - đạo diễn lồng tiếng) đều gật đầu nhưng chính Thảo đòi làm lại vì... chưa đã.

Nổ đom đóm mắt vì thở theo nhân vật

Đạo diễn lồng tiếng Xuân Tâm cho biết: “Nghề lồng tiếng có tuổi thọ khá dài vì tuổi nào cũng có vai. Quan trọng nhất là giọng nói phải phù hợp với gương mặt nhân vật. Theo kinh nghiệm của tôi, người có gương mặt tròn thì đòi hỏi diễn viên giọng trầm, gương mặt dài thì giọng mỏng, mập mạp thì giọng nhiều hơi, còn ốm yếu thì giọng nhẹ nhàng, lả lướt”.

Dù vậy, với diễn viên lồng tiếng Ngọc Sinh, nghe giọng anh trên phim rồi gặp ngoài đời thì chưng hửng vì gắn với giọng nói trẻ trung, trong trẻo này lại là dáng dấp của một vị doanh nhân phát tướng, tuổi gần 40. Nghề chơi cũng lắm công phu - Ngọc Sinh nói đùa về cái nghiệp đã gắn bó với anh suốt 12 năm qua. Từng mua phim Hong Kong về tập lồng tiếng tại nhà, rồi lại mất gần ba năm chỉ chuyên lồng vai quần chúng với một vài câu thoại, giờ Ngọc Sinh đã có gần trăm vai diễn.

Nhắc về những kỷ niệm của nghề lồng tiếng, Tiến Đạt nhớ nhất những ngày đầu khi nhận lồng tiếng vai Junwoo trong Cô dâu vàng, chỉ riêng khoản “làm màu” thở cho nhân vật khi lên cơn bệnh đã khiến anh ù tai, choáng váng, nổ đom đóm mắt. Lý Thanh Thảo thì nhớ như in lần phải thu tiếng ngay trong bệnh viện khi vừa sinh con được vài ngày do trước đó bỏ sót... hai câu thoại.

Lồng tiếng từ vai đầu tiên là cô bé giúp việc 13 tuổi trong phim Ghen, Minh Châu (MC của Chào ngày mới, Món ngon mỗi ngày - HTV7, Bảy ngày vui sống - VTV1) cũng đã “lì lợm” bám trụ với nghề dù suốt hai năm đầu chỉ được giao vai quần chúng. Cô còn tham gia hỗ trợ các sếp la-tô phân khung hình, chuẩn bị thoại cho diễn viên lồng tiếng khi không có vai diễn.

Ít ai biết Minh Châu là người sở hữu giọng thoại của Thủy Tiên trong Ngôi nhà hạnh phúc, Quỳnh Thư trong Vũ khí sắc đẹp, Nhã Phương với Những thiên thần áo trắng; cũng như giọng Ngọc Sinh chính là giọng của Hoài Ân trong KTX, Nathan Lee trong Nữ vệ sĩ, Lý Hùng trong Về đất Thăng Long, Nguyễn Phi Hùng trong Chiếc giường chia đôi...

Nghề lồng tiếng đâu phải chỉ có đếm nhịp, thổi hồn cho nhân vật mà còn mang đến cho người diễn viên lồng tiếng những niềm hạnh phúc riêng. Với Lý Thanh Thảo, hạnh phúc của cô nằm ở những tin nhắn cảm ơn của Maya, hay khi được Vân Trang, Lê Phương chỉ định lồng tiếng cho vai của mình. Niềm vui của Ngọc Sinh lại là những lúc người quen không nhận ra giọng mình trên phim khi anh lồng tiếng cho 3-4 bộ phim phát sóng cùng lúc...

* Dubbing (lồng tiếng) khá quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ từ những năm 1990 qua phim bộ Hong Kong, Đài Loan, Mexico. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, khán giả truyền hình chỉ quen với cách thức thuyết minh cho các chương trình truyền hình ngoại nhập. Sau năm 2000, khi phim truyền hình Việt Nam xuất hiện thường xuyên, thu hút khán giả nhiều hơn thì lồng tiếng cũng trở thành một phần không thể thiếu. Nhiều phim nước ngoài của Hàn Quốc, phim hoạt hình Nhật Bản cũng được lồng tiếng.

Hậu thuẫn không ít cho những diễn viên lồng tiếng là các “sếp la-tô”. Ở Việt Nam, đa số đạo diễn lồng tiếng đều từng là diễn viên lồng tiếng. Cũng như một đạo diễn trên phim trường, đạo diễn lồng tiếng phải thật sự có khả năng kết nối các diễn viên, hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu của tất cả các diễn viên lồng tiếng mà mình phụ trách, để từ đó giao vai phù hợp. Các sếp la-tô thường hỗ trợ diễn viên trong cách phân tích các tuyến nhân vật, từ đó yêu cầu diễn viên dùng giọng nói để... diễn xuất.

* Cuộc thi lồng tiếng trực tuyến Thử tài lồng tiếng cùng HTV3 khởi động từ giữa tháng 8, thường xuyên thay đổi các chủ đề thử tài. Trong tháng 10, thí sinh muốn tham gia cần tự viết một kịch bản lồng tiếng dựa trên một đoạn phim ngắn. Các thí sinh có khả năng có thể nhận cơ hội theo học khóa Đào tạo kỹ năng lồng tiếng tại Học viện truyền thông TVM - SBS Academy, TP.HCM. Độc giả có thể tìm thêm thông tin chi tiết trên http://htv3.tv/microsite/thutailongtieng

THIÊN HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp