07/04/2024 10:41 GMT+7

Điện gió ngoài khơi chờ chính sách

Theo quy hoạch điện 8, đến năm 2030 sẽ phát triển hơn 6.000 MW điện gió ngoài khơi, là nguồn điện quan trọng đóng góp vào cung cấp điện cho cả nước.

Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cần sửa đổi và hoàn thiện nhiều chính sách

Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cần sửa đổi và hoàn thiện nhiều chính sách

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, các doanh nghiệp mong Nhà nước sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để rót vốn đầu tư.

Điện gió thiếu nhiều cơ chế chính sách

Đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho hay để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi có tới 20 bộ luật liên quan phải hoàn thiện, sửa đổi.

"Để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi đến khi hoàn thành phải mất tám năm trong điều kiện khuôn khổ chính sách pháp luật chặt chẽ, đầy đủ.

Trong khi đây là vấn đề rất mới với Việt Nam, nhiều chính sách cần phải hoàn thiện nên quá trình triển khai dự án sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể các dự án điện gió ngoài khơi có vốn đầu tư lớn nên sẽ rất rủi ro. Vì vậy, chúng tôi đề nghị trước mắt có thể xây dựng cơ chế để lựa chọn 1-2 chính sách thí điểm, chọn doanh nghiệp nhà nước thực hiện, từ đó có cơ sở xây dựng chính sách chung" - đại diện PVN nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Stuart Livesey - đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam, tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn - cho biết có nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam để có thể đạt mục tiêu 6.000 MW vào năm 2030 theo quy hoạch điện 8 và hiện thực hóa cam kết net zero của Việt Nam.

Vì vậy ông mong muốn Việt Nam sẽ có những chính sách cởi mở, thu hút nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm và cam kết lâu dài tại Việt Nam tiếp tục đầu tư và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Ông Stuart Livesey cho rằng những vướng mắc lớn cần tháo gỡ là hiện nay chưa có thông tin chi tiết về việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 vừa được công bố.

Cũng chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan nào sẽ phê duyệt cấp phép triển khai dự án. Đồng thời chính sách hiện nay cũng chưa có quy trình rõ ràng trong việc xin cấp phép khảo sát biển; chưa có quy trình rõ ràng trong việc lựa chọn nhà đầu tư...

Chưa kể các vấn đề liên quan tới hợp đồng mua bán điện, các nội dung như giải pháp đền bù khi cắt giảm công suất, điều khoản chấm dứt hợp đồng hợp lý, sử dụng trọng tài quốc tế và đơn vị tiền tệ tính toán giá điện. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có cơ chế triển khai hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa bên phát điện và các đơn vị trực tiếp sử dụng điện.

Quá nhiều chính sách liên quan

Là cơ quan tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế cho điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra loạt khó khăn vướng mắc trong thực hiện các dự án này.

Trong đó để lập dự án đầu tư cần có kết quả khảo sát xây dựng, các thông số về khí tượng, thủy văn, địa chất. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định việc cho phép, chấp thuận các tổ chức, cá nhân sử dụng biển để thực hiện hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò và khảo sát trên biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên là năng lượng gió trên biển cũng chưa xác định được là có hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Với việc chấp thuận chủ trương đầu tư cũng chưa có quy định rõ đối với việc dự án điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay UBND cấp tỉnh.

Vì vậy nếu trường hợp đây là dự án có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ là Quốc hội. Trong khi hiện nay pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định, tiêu chí để xác định dự án đầu tư thuộc đối tượng cần cơ chế, chính sách đặc biệt.

Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, quy định hiện hành cũng nêu rõ lĩnh vực điện gió ngoài khơi là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Chưa kể, nếu theo pháp luật về quy hoạch, hiện quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia vẫn chưa được phê duyệt.

Vì vậy đến nay tên, địa điểm, quy mô, công suất dự án, phương án đấu nối dự án điện gió ngoài khơi cũng chưa được xác định, chưa có cơ sở để lập dự án theo đúng quy định.

Giao doanh nghiệp nhà nước thí điểm

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó nghiên cứu giao các tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm. Đề án phải rà soát toàn diện các vướng mắc, thiếu sót tại các văn bản hiện hành.

Trong trường hợp cần nghị quyết của Quốc hội thí điểm triển khai dự án, cần thực hiện khẩn trương để trình Quốc hội vào tháng 5-2024, đề xuất cơ chế, chính sách về thí điểm giao các tập đoàn kinh tế nhà nước tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu các khu vực biển có tiềm năng.

Theo ông Stuart Livesey, việc các doanh nghiệp nhà nước như PVN hay EVN tham gia sẽ phát huy được những thế mạnh vốn có của các tập đoàn này.

Trong đó PVN có kinh nghiệm trong việc phát triển, xây dựng và vận hành các dự án ngoài khơi ngành dầu khí, nhờ đó sở hữu những kỹ năng và năng lực có thể chuyển đổi và áp dụng trong ngành điện gió ngoài khơi.

Tương tự EVN cũng có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án nguồn điện và mạng lưới truyền tải điện trên bờ, là thế mạnh khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, ông Stuart Livesey cho rằng để triển khai hiệu quả dự án điện gió ngoài khơi có đặc thù quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao cũng cần đảm bảo các điều kiện khác.

Bao gồm khả năng cung cấp nguồn vốn khi các dự án điện gió ngoài khơi có số vốn đầu tư tối thiểu 2 tỉ USD; yêu cầu nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng, quản lý dự án công nghệ cao.

"Tôi cho rằng việc các tập đoàn nhà nước lớn như PVN và EVN hợp tác với những nhà phát triển có năng lực và kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi quy mô tương đương hoặc lớn hơn trên thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam" - ông Stuart Livesey cũng bày tỏ.

Điện gió ngoài khơi được coi là nguồn điện xanh thế hệ mới, được phát triển khoảng 30 năm gần đây tại các nước Đan Mạch, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ.

Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh, có thể đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi trên 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án.

10 dự án điện gió nghìn tỉ kêu khó mặt bằng, chờ khung giá mới10 dự án điện gió nghìn tỉ kêu khó mặt bằng, chờ khung giá mới

10 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng tại Quảng Trị kêu khó giải phóng mặt bằng vì người dân đòi giá bồi thường cao ngất ngưởng và chưa có khung giá bán điện nên chưa xây dựng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp