Diễn ra từ ngày 21 đến 23-10, Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) năm 2024 gồm hoạt động triển lãm, hội thảo, cùng các phiên đối thoại cấp cao giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với chính phủ (B2G), quy tụ nhiều chuyên gia, các đối tác đến từ những doanh nghiệp phát triển bền vững trong và ngoài nước.
Sự kiện thu hút hơn 200 gian hàng là các doanh nghiệp, tổ chức... đến từ 13 quốc gia, nhằm trình bày và quảng bá các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được mục tiêu kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải tại Việt Nam.
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - EU
Trong khuôn khổ GEFE 2024, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với EuroCham tổ chức Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu với sự tham gia của gần 80 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và châu Âu.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, việc triển khai các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ là hết sức quan trọng và cần được tăng cường.
Ông Phú cho biết trong quan hệ hợp tác thương mại với thị trường châu Âu (EU), các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng của thị trường này.
Hiện Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần xuất khẩu vào EU lớn nhất trong số các quốc gia khu vực ASEAN.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 24,7 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ EU đạt 7,7 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hợp tác đầu tư, EU là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 28 tỉ euro. Thời gian qua, tuy dòng vốn FDI toàn cầu đang suy giảm, các doanh nghiệp EU vẫn nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư quan trọng tại Việt Nam.
Sôi động kinh tế xanh
Quan tâm đến chủ đề kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Hà Lan mang đến GEFE 2024 gian hàng lớn nhất với hơn 50 doanh nghiệp chuyên về các lĩnh vực như quản lý nước, kinh tế tuần hoàn, logistics, nông nghiệp...
Đánh giá cao tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, gian hàng của Anh cũng có 17 doanh nghiệp đại diện cho các lĩnh vực năng lượng như điện gió, hydrogen và lưu trữ năng lượng.
Thể hiện kỳ vọng trở thành đối tác chiến lược chủ chốt của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi kinh tế xanh, các doanh nghiệp lớn của Pháp chuyên về mảng năng lượng và nguồn nước, cùng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, cũng tham gia bàn tròn thảo luận tại GEFE năm nay.
Đóng góp cho chuyển đổi xanh bằng yếu tố đổi mới sáng tạo, Thụy Sĩ giới thiệu đến sự kiện nhiều doanh nghiệp với các giải pháp kiến trúc đáp ứng được nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo tại Việt Nam như G8A Architecture & Urban Planning hay staBOO. "Cùng với các công ty Thụy Sĩ, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động và thảo luận thú vị. Tôi trân trọng mời bạn đến cùng tôi thưởng thức cà phê và giao lưu với các công ty Thụy Sĩ, các đối tác và các khách tham quan khác", Đại sứ Thụy Sĩ Thomas Gass gửi lời mời.
Theo ông Ulrich Weigl, tham tán công sứ, trưởng phòng thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, EC đã xây dựng Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) theo cách tiếp cận chính sách/quy định toàn diện. Tuy nhiên, đây sẽ là những thách thức mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận