Nhiều biện pháp chống dịch thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp - Ảnh: BỬU ĐẤU
TP cần cân bằng những tầm nhìn ngắn hạn để sớm ban hành một lộ trình, chiến lược mang tính dài hạn, bền vững hơn trong giai đoạn sống thích ứng với COVID-19.
Rút kinh nghiệm những bất cập từ các chỉ thị của Nhà nước cũng là một trong những điểm mấu chốt để nâng cao năng lực phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN) cần có sự phối hợp để phục hồi, thông qua 5 vấn đề lớn như sau:
1. Cần có chiến lược vắc xin. Các chuỗi cung ứng cần được "phủ xanh", bên cạnh "phủ xanh" khu dân cư. Phải để DN tiếp cận được vắc xin một cách chủ động hơn, DN sẽ tính toán bộ phận ưu tiên để tiêm mũi 2. Khi đó, DN sẽ đăng ký nhu cầu vắc xin với các đầu mối, tự tổ chức tiêm với các đơn vị dịch vụ. Vắc xin và 5K luôn là điều kiện cần và đủ để vừa phục hồi, vừa chống và sống chung với COVID-19.
2. Cần quản lý y tế an toàn. Nhà nước chỉ ban hành quy trình, theo dõi và kiểm tra việc tuân thủ. DN đóng vai trò chủ động, có y tế tại chỗ, tự chủ việc sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc F0... Nơi nào DN không thể tự chủ, có thể kết hợp với các dịch vụ y tế tư nhân.
Quản lý y tế an toàn là của Nhà nước, nhưng tổ chức kinh doanh sản xuất an toàn là của DN. Trong đó, cần lưu ý đến những DN vừa và nhỏ, cần có những điều kiện để DN có sự kết hợp linh hoạt, Nhà nước không thể ôm hết nhưng cũng không thể phó mặc hết cho DN quy mô quá nhỏ.
3. Việc quản lý lưu thông phải giải quyết được những bất cập vừa qua. Nhà nước cấp mã QR đi lại thông qua "giấy thông hành vắc xin" cho những ai đã tiêm đủ 2 mũi (hoặc 1 mũi có điều kiện kèm theo). Vận tải hàng hóa cũng quản lý bằng mã QR như đã áp dụng. Cần có sự liên thông dữ liệu, DN sẽ khai báo những ai đủ điều kiện, lộ trình di chuyển vào hệ thống nhà nước, việc kiểm tra sẽ dựa trên dữ liệu.
Điều này sẽ có sự thay đổi lớn khi trao thêm sự chủ động cho DN, hỗ trợ DN thay vì kiểm soát. Nhà nước không thể can thiệp sâu vào hoạt động DN. Có những lao động họ cần phải thay đổi người khẩn cấp tùy đặc thù, do đó việc đi lại của người lao động nếu đáp ứng các tiêu chí, DN chủ động khai báo sẽ thuận lợi hơn. Cần chọn phương án rủi ro thấp, không thể chọn phương án không rủi ro khi thực tế triển khai không như mong muốn.
4. Cần tiếp tục các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động. TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, song thực tế vẫn có bất cập và khó khăn. Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, quỹ BHXH, công đoàn... chi đến từng DN để chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc.
5. Cần sự hỗ trợ tài chính DN. Đây là vấn đề mọi DN đều quan tâm. Họ đang khó khăn, cần được miễn giảm các nghĩa vụ thuế, phí; thậm chí Nhà nước cần chi quỹ công đoàn, tạm thời không thu quỹ này và các quỹ khác. Về nguồn tiền, cần cung tiền cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giảm lãi suất. DN cần chủ động đăng ký giảm nghĩa vụ tài chính, đăng ký giảm lãi suất, đăng ký gia hạn nợ... Đây là phần rất quan trọng để tiếp sức cho DN phục hồi.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Ảnh: N.KH.
TP.HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước. Sự phục hồi kinh tế của TP mang tính cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực. Do đó nếu DN nắm được chiến lược, họ sẽ có sự chuẩn bị để phục hồi một cách đồng bộ, tránh và hạn chế đứt gãy. Trong chiến lược sắp tới, Nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý và tận dụng năng lực quản trị của DN.
Ngược lại, các DN cần đánh giá "sức khỏe" của mình, khi kiến nghị phải dựa trên những kế hoạch cụ thể của từng DN. Qua đợt dịch này, các DN cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, khủng hoảng thay vì đối phó. Các DN FDI đã có những kịch bản rất cụ thể, họ dự đoán từng tình huống để đưa ra những kế hoạch rất bài bản để thích ứng.
Ông Nguyễn Văn Bé (chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM): Lên sớm kịch bản, đừng vừa làm vừa mày mò
Hiện ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất toàn TP có khoảng 700 nhà máy đang hoạt động với 70.000 công nhân, bằng 1/4 so với trước. Tới đây, khi nới lại hoạt động sản xuất, tôi cho rằng để đảm bảo giữ chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ mục tiêu xuất khẩu, cần ưu tiên cho các DN đang hoạt động "3 tại chỗ" thu nhận thêm công nhân.
70% lao động trong các KCN là người ngoại tỉnh, qua trận dịch vừa rồi một số đã về quê. Do đó, cần phải chuẩn bị sớm, có biện pháp đưa công nhân trở lại TP, tiêm đủ 2 mũi vắc xin để họ vào làm ở các nhà xưởng với quy trình xét nghiệm mới.
Tuy nhiên, các DN sẽ gặp khó khăn khi việc mở lại không đồng bộ khi mà các ngành phụ thuộc lẫn nhau. DN quay trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới sẽ còn tình trạng dịch bệnh, việc vận hành DN phải đáp ứng giãn cách, đảm bảo tất cả các tiêu chí phòng dịch.
Phân nửa trong số 700 DN là FDI vẫn giữ được thị trường xuất khẩu, đơn hàng do có công ty mẹ hỗ trợ, riêng các DN Việt đang gặp khó. Song nhìn một cách tích cực là chúng ta chỉ mới gặp tổn thương nặng từ đợt dịch lần thứ 4 này, trong khi nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng từ 2020 đến nay, do đó tôi tin chỉ cần khôi phục được sản xuất thì thị trường sẽ sớm được tái lập.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc chúng ta đưa ra sớm kịch bản để DN có cách chuẩn bị, tránh vừa làm vừa mày mò sẽ khiến DN bị động.
Mời tham gia diễn đàn
Cùng với nỗ lực kiểm soát đại dịch, TP.HCM và nhiều tỉnh thành đang tính đến các giải pháp để đưa các hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, riêng TP.HCM có kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế giai đoạn sau 15-9.
Những câu chuyện thực tế về những khó khăn cần vượt qua, cách làm mới cũng như các hiến kế, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, người dân... sẽ góp phần chia sẻ kinh nghiệp, hoàn thiện các kế hoạch, giải pháp phục hồi kinh tế. Vì vậy báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả".
Mời bạn đọc tham gia để cùng góp sức đưa nhịp sống kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuổi Trẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận