23/11/2020 09:35 GMT+7

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: mong ý tưởng được hiện thực hóa

C.NHẬT - V.THỦY
C.NHẬT - V.THỦY

TTO - Hai ngày tại diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2020, 206 bạn trẻ đã cùng chia sẻ, thảo luận các nghiên cứu của họ về nhiều vấn đề. Nhưng trên hết, họ mong muốn hiện thực hóa các nghiên cứu góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: mong ý tưởng được hiện thực hóa - Ảnh 1.

Đại biểu tham gia diễn đàn thảo luận bên lề - Ảnh: VŨ THỦY

Tại diễn đàn, người tham gia có thể nghe đến tất cả từ khóa các lĩnh vực trong các bài báo cáo: từ quy hoạch, tài chính, hạ tầng, năng lượng, y tế, môi trường, khoa học công nghệ cho đến văn hóa, con người…

Sau diễn đàn là hiện thực hóa ý tưởng

"Tại sao chúng ta không tận dụng diễn đàn này để các ý tưởng có thể được triển khai, ứng dụng vào thực tế. Các nước đều phát triển bằng nội lực của chính họ. Là trí thức trẻ, chúng tôi nghĩ chúng tôi có khả năng giải quyết được những bài toán này bằng trí thức người Việt". Đó là mong muốn của anh Trần Lê Hưng - Đại học Công nghệ cầu đường Paris (Pháp) - tại buổi bế mạc diễn đàn.

Nhóm thảo luận của Hưng có rất nhiều nghiên cứu về nhiều lĩnh vực: nông nghiệp sạch, đề xuất giải pháp về ô nhiễm, chống ngập ở TP.HCM đã có thí điểm trên kênh Ba Bò, giám sát thị trường, vai trò của protein kiểm soát miễn dịch đối với dung nạp miễn dịch sau khi ghép gan… 

Ngay sau diễn đàn, các trí thức trẻ trong nhóm thảo luận của anh đã cùng nhau thành lập các nhóm nghiên cứu: nhóm phát triển thuốc và chế phẩm; nhóm phát triển bền vững; nhóm xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá liên quan đến quy hoạch phát triển của các tỉnh; nhóm vật liệu và tạo hình kim loại kết hợp với phương pháp học máy; nhóm ứng dụng công nghệ cao trong kỹ thuật môi trường và biến đổi khí hậu. 

Đồng thời nhóm cũng thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ và văn hóa sở hữu trí tuệ bởi đây là chìa khóa bảo hộ tác quyền và tham gia hợp tác quốc tế.

Nói về khả năng hiện thực hóa các nghiên cứu từ diễn đàn, PGS.TS Trần Xuân Bách - tổng thư ký diễn đàn - cho biết trong thời gian qua đã có hơn 10 đề tài của các trí thức trẻ trong và ngoài nước liên kết với các trường, cơ sở nghiên cứu trong nước để cùng phát triển và đã xin được tài trợ lớn. 

"Diễn đàn trong thời gian tới sẽ đi vào chiều sâu thay vì chỉ là nơi kết nối, gặp gỡ. Ban tổ chức diễn đàn đã có kế hoạch xây dựng một hệ thống do mạng lưới trí thức trẻ điều phối với các ban chính là ban đào tạo, ban điều phối, quản lý khoa học, công nghệ, ban tổ chức và quản trị, ban tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, ban sự kiện", anh Bách chia sẻ.

Mong muốn trí thức trẻ là người thiết kế, tư vấn chính sách

Tại lễ bế mạc diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Cường - phó cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và công nghệ - đã chia sẻ một số định hướng phát triển công nghệ của bộ với các trí thức trẻ. 

 "Các chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ được xây dựng cho từng giai đoạn nhưng thực tế thì các chương trình đó nhanh chóng lỗi thời, do đó nó chỉ được xem như cái trục để từ đó đạt được mục tiêu mong muốn. Bởi khoa học công nghệ là một không gian mở mà trọng tâm là đội ngũ trí thức. Chúng tôi mong muốn các trí thức sẽ là người thiết kế, tư vấn các chương trình có tính thực tế, sáng tạo và mang tầm khu vực, quốc tế", ông đề xuất.

Ông đánh giá nghiên cứu của các trí thức trẻ được báo cáo tại diễn đàn đều mang tính thực tiễn và ứng dụng cao. 

"Hiện nay chương trình của Bộ Khoa học và công nghệ đặc biệt chú trọng nghiên cứu ứng dụng đổi mới công nghệ. Trước đây chúng ta chú trọng hàn lâm, các trường đại học tập trung vào nghiên cứu cơ bản nhưng nay là công nghệ ứng dụng lấy doanh nghiệp là trung tâm. Câu chuyện đổi mới sáng tạo hiện nay gắn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp", ông gợi mở.

Hình thành các nhóm nghiên cứu mũi nhọn

Báo cáo về kết quả, đề xuất và kế hoạch phát triển nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2025, PGS.TS Trần Xuân Bách nêu ra một số nội dung trọng tâm gồm hình thành các nhóm nghiên cứu mũi nhọn (22 đề xuất nghiên cứu và ứng dụng): Kinh tế phát triển (kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, quy hoạch đô thị và du lịch); Môi trường và biến đổi khí hậu (giảm ô nhiễm môi trường, phòng ngừa giảm thiểu thiên tai); Medicine 4.0 (công nghệ y tế và dược); Technology 4.0 (công nghệ thông tin, cơ khí, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo và vật liệu). Anh nhấn mạnh có sự chuẩn bị tốt cho những điều này thì Việt Nam mới có thể thỏa mãn đòi hỏi tức thời lẫn giá trị tương lai của xã hội.

Song song đó, một số kiến nghị đáng chú ý đã được các nhóm chủ đề thảo luận, phân tích và đưa ra tại diễn đàn nhân bối cảnh 2020 là năm bản lề của những sự kiện quan trọng của quốc gia như Đại hội Đảng toàn quốc XIII, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, dịch bệnh và thảm họa toàn cầu, biến đổi khí hậu và thiên tai chồng chất...

Việt Nam 2045 - khát vọng thịnh vượng Việt Nam 2045 - khát vọng thịnh vượng

TTO - 206 trí thức trẻ Việt Nam từ 15 quốc gia đã cùng hội tụ tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 3 khai mạc ngày 21-11 để cùng chia sẻ, đóng góp vào khát vọng 'Việt Nam 2045'.

C.NHẬT - V.THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp