Phụ huynh cùng con tham gia một hoạt động làm đồ dùng tái chế do trường tổ chức - Ảnh: M.K.
Nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra trong nhà trường gần đây có nguyên nhân là phụ huynh và giáo viên không tìm được tiếng nói chung khi giáo dục học trò hay con em mình.
Với lứa tuổi đang định hình và phát triển tâm lý, có những lúc học sinh chưa nhận thức được những hành động, lời nói của mình là sai.
Vì vậy rất cần người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh và thầy cô trò chuyện, tư vấn để vượt qua những trở ngại tâm lý khi tiếp xúc với môi trường học tập và rèn luyện hay xã hội bên ngoài.
Trẻ con phạm lỗi là điều tất nhiên. Những khi ấy, các bậc cha mẹ và thầy cô nên trao đổi để tìm hiểu nguyên nhân và động cơ của những hành vi ấy. Khi đã hiểu rõ nhu cầu, hoàn cảnh, nguyên nhân của sai phạm, người lớn nên giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Hay nói đúng hơn là phải có cách giải quyết hợp tình hợp lý chứ không nên vì cái tôi quá lớn mà quên đi các cháu.
Có nhiều vụ việc, phụ huynh chỉ nghe thông tin một chiều thế là có những hành vi khiếm nhã với thầy cô hay tự mình giải quyết với nhau để rồi gây hệ lụy không phải cho mình mà cho cả những đứa trẻ. Những cái đầu nóng của không ít phụ huynh đã tạo một khoảng cách không nhỏ trong việc kết hợp giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường.
Đáng nói hơn nữa là có nhiều bậc cha mẹ chỉ mới nghe thầy cô giáo trao đổi về việc học tập và rèn luyện của con em mình đang có chiều hướng đi xuống thì quay sang đánh đập hay la mắng các em.
Có quá lời chăng khi nói rằng việc đánh đập hay nhục mạ con trẻ sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và việc tiếp thu kiến thức của em. Sau khi chấp hành hình thức giáo dục bằng đòn roi, liệu em có học tập và rèn luyện tốt hơn hay không?
Tôi mong rằng phụ huynh chịu khó hơn một chút để song hành cùng thầy cô trong việc giúp các cháu hiểu rõ và tự giác nhận ra lỗi lầm của mình để điều chỉnh hành vi sai phạm và tự khắc phục.
Những buổi tham gia hoạt động tập thể với nhà trường hay trò chuyện cùng các cháu và thầy cô sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu và chia sẻ cùng các thầy cô trong việc giáo dục các con.
Bên cạnh đó, trẻ có dịp bày tỏ cảm xúc vì cảm nhận được rằng cha mẹ và thầy cô đều quan tâm, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mình. Mong rằng các bậc phụ huynh chia sẻ thêm để những người thầy như chúng tôi yên tâm và có thêm động lực trong sự nghiệp trồng người.
Đến chiều 10-11, diễn đàn "Nỗi lòng nhà giáo" đã nhận được bài tham gia của các bạn đọc Lê Thị Kim Cương, Vũ Nam Thái, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tú, Trần Văn Tám, Nguyễn Hữu Nhân, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Thị Thùy Trang, Phan Thế Hoài, Nguyễn Tấn Thư, Mai Thị Trang, Thái Hoàng, Nguyễn Anh Tú, Trịnh Trúc Quỳnh, Nguyễn Quốc Vỹ, Lý An Nhiên, Trịnh Hoàng Khôi, Hàn Nhân, Thúy Lan, Đại Lâm, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Hoàng Chương... Trân trọng cảm ơn các tác giả đã gửi bài tham gia diễn đàn. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về [email protected]. TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận