Bao xà bần được đặt ngay dốc cầu Ông Lớn, huyện Bình Chánh, TP.HCM
Dễ thấy nhất là tình trạng người tham gia giao thông xả các loại rác sinh hoạt như bao nilông, hộp sữa, chai nước, túi giấy, tàn thuốc, vỏ hộp cơm... khi di chuyển qua cầu.
Bỏ rác nhầm chỗ!
Thoạt nhìn, những loại rác trên cầu này có vẻ như không đáng kể, vô hại. Tuy nhiên những thứ rác này vẫn có thể gây trơn trượt ở vị trí dốc cầu, nguy hiểm cho các phương tiện giao thông, làm tắc nghẽn các đường thoát nước trên cầu mỗi khi trời mưa.
Việc thu dọn rác trên cầu luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho các công nhân môi trường đô thị. Bởi lẽ, cho dù lên cầu hay xuống dốc thì các loại phương tiện luôn phải lưu thông với tốc độ cao. Do đó rất dễ xảy ra va quẹt giữa xe cộ với những công nhân đang làm nhiệm vụ vệ sinh trên cầu.
Đáng nói hơn là tình trạng cố ý mang rác thải lên cầu bỏ lén. Từ xà bần, đồ nội thất cũ cho đến đủ loại phế phẩm nông sản như vỏ dừa, xác mía, rau củ hư thối... đều bị vứt bỏ bừa bãi trên cầu. Có nơi, rác thải chiếm hết trên lề khiến người đi bộ phải đi vào phần đường dành cho xe máy di chuyển rất nguy hiểm.
Thậm chí nhiều người còn cố tình chở rác lên giữa cầu rồi thả thẳng xuống kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.
Đó còn là tình trạng đủ loại rác thải bị quăng bỏ vô tội vạ bên dưới các gầm cầu nhiều nơi làm ô nhiễm môi trường, là mầm mống phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Ban đầu chỉ là một vài người lén lút bỏ rác thải. Chỉ vài hôm sau đống rác lớn dần lên. Để rồi không lâu sau đó gầm cầu mau chóng trở thành một bãi rác lớn.
Nên lắp camera giám sát
Tình trạng ô nhiễm rác thải tại một số cây cầu ở TP.HCM không chỉ xuất phát từ sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân mà còn bởi nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm.
Cụ thể, vào ban ngày trên những cây cầu nhiều phương tiện qua lại nhưng ban đêm lại khá vắng vẻ, ít có dân cư sinh sống gần đó, không có camera nên rất khó giám sát, phát hiện những người lén lút xả rác trên cầu.
Hơn nữa, nhiều cây cầu là nơi giáp ranh giữa các địa phương (phường, xã, quận, huyện...) có vẻ chưa được sự đồng thuận, nhất trí trong việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Điều đáng nói, khi nhận được phản ảnh của người dân, chính quyền đã nhiều lần ra quân dọn dẹp các bãi rác thải nhưng sau một thời gian ngắn rác thải vẫn tái diễn.
Dù chính quyền các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, thu gom rác, vậy mà không ít người vẫn vô tư xả rác trên những cây cầu. Vì lẽ đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp giám sát, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng. Ngoài tăng mức phạt tiền, cần áp dụng hình phạt lao động công ích, trực tiếp dọn dẹp những bãi rác do chính họ xả thải.
Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: [email protected] hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận