Khu vực đất trống dọc đường sắt Bắc - Nam thuộc phường 13 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được treo biển không đổ rác, trồng hoa để ngăn nạn xả rác - Ảnh: LÊ PHAN
Dễ dàng bắt gặp các bãi rác dọc đường với đủ loại rác từ chiếc ghế sofa, tấm nệm, bồn cầu hư hỏng… bị vứt lăn lóc. Đây cũng là câu chuyện "đau đầu" của các địa phương trong công tác quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn mình phụ trách.
Đặc thù có nhiều khu đất trống dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, khu dân cư đường trục Bình Lợi, khu đất dự án kế cận rạch Lăng đường Phạm Văn Đồng, phường 13 (quận Bình Thạnh) từng khốn khổ với nạn xả rác trộm.
Để giải quyết, phường đã ban hành hướng dẫn phân loại chất thải rắn để người dân thực hiện kèm theo nhiều phương án, kế hoạch xử lý rác thải nhằm khắc phục dần tình trạng này.
Đối với hai loại rác nguy hại và rác cồng kềnh, vốn bị lực lượng thu gom rác "chê" không lấy, phường đứng ra bảo lãnh tổ chức thu gom.
Theo đó, đối với rác thải nguy hại (bóng đèn, bình xịt côn trùng, vỏ bình gas mini, thiết bị điện tử, pin, dầu nhớt…), phường vận động người dân đem đến điểm thu gom tập trung chất thải nguy hại do phường bố trí. Đồng thời, phường cũng tổ chức tuần lễ thu gom để hỗ trợ người dân giải quyết loại rác thải này.
Chủ động hơn, phường này đặt hai thùng rác tại UBND phường để người dân mang rác thải nguy hại đến bỏ vào ngày 30 và 15 hằng tháng. Với cách xử lý này, người dân sẽ không còn chở rác ra đường ném đại vào các khu đất trống vô chủ.
Đối với chất thải rắn công kềnh (bàn ghế, tủ đồ, nệm mút, bồn rửa mặt, bồn cầu, chậu cây…) phát sinh trong quá trình sửa chữa nhà, thay đổi trang thiết bị, phường hướng dẫn người dân mang ra ba điểm tập kết để đưa đi xử lý.
Ba điểm này gồm: khu đất thuộc dự án công viên cây xanh tại đường Phan Chu Trinh (phường 12), khu đất dự án của Công ty du lịch văn hóa Suối Tiên trên đường Điện Biên Phủ (phường 25) và khu đất dự án Công ty TNHH phát triển nhà Đại An (đường Bình Quới, phường 27).
Phường đã làm việc với các đơn vị thu gom, người dân mang đến sẽ thỏa thuận giá cả với chủ thu gom. Thời gian tiếp nhận từ 8h đến 18h ngày 15 và 30 mỗi tháng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hồng Chuyên, phó chủ tịch UBND phường 13 (quận Bình Thạnh), cho biết thêm ngoài các phương án tổ chức thu gom rác, phường còn vận động người dân nâng cao ý thức bằng cách quét dọn trước nhà mình.
Khi người dân hình thành thói quen này thì ai xả rác người dân sẽ nhắc nhở ngay. Nhà nhà người người cùng thực hiện thì đường phố sẽ bớt đi cảnh rác thải bị vứt tràn lan.
"Đối với các đống rác lớn phát sinh tại các khu đất trống thì chúng tôi dành một ngày để huy động toàn bộ công chức phường đến dọn dẹp và thuê công ích đến đưa đi xử lý. Trong thời gian qua, tình trạng rác thải trên địa bàn phường đã chuyển biến rất nhiều. Từ một phường bị đánh giá là phường xã không xanh sạch đẹp, đến nay TP công nhận phường chúng tôi có nhiều thay đổi.
Từ đây, ý thức người dân cũng tăng cao, nơi nào có rác là báo liền cho phường; nếu đống rác nhỏ thì khu phố tự tổ chức dọn dẹp luôn, còn quá lớn mới nhờ hỗ trợ từ phường. Sau khi dọn xong chúng tôi tổ chức trồng cây, trồng trụ đèn để không tái ô nhiễm.
Ngoài ra, chính người dân là lực lượng giám sát hiệu quả, báo với phường các trường hợp cố tình xả rác để có chế tài răn đe" - ông Chuyên chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận