Người đàn ông tự nguyện gắp rác trên miệng cống ở đường Phạm Văn Đồng - Ảnh: L.Đ.L.
Những câu chuyện nhỏ của từng người được tôi kể ra trong bài viết này cũng không ngoài mục đích khơi gợi, lan tỏa thêm nhiều người, rộng hơn là cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường chúng ta sống một cách bền bỉ.
1. Tôi nhớ mãi hình ảnh của người đàn ông xa lạ trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) mà mình chỉ kịp chụp tấm hình lưu lại cách đây ít lâu.
Đó là lần tôi đạp xe thể dục buổi sáng từ chợ Thủ Đức đến sân bay Tân Sơn Nhất và quay về. Thường, tôi sẽ cùng người bạn đạp xe ghé quán cà phê nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng để nghỉ chân, uống cà phê trước khi về nhà chuẩn bị đi làm.
Tại quán ấy, một ngày, tôi thấy người đàn ông cũng đang đi xe đạp và bỗng dừng lại ngay một miệng cống. Nhanh nhẹn, anh lấy một chiếc kẹp mang theo trên xe và gắp hết những bao nilông, rác còn vương trên miệng cống. Anh làm một cách vui vẻ và chuyên nghiệp.
Hẳn người đàn ông ấy đã làm việc này thường xuyên ở nhiều cống thoát nước mà anh đi ngang, khi anh thấy nó có nhiều rác nằm trên miệng cống.
Tôi nghĩ đó là việc làm tự nguyện và chắc chắn anh cũng không nghĩ sẽ lọt vào ống kính của một người lạ - là tôi - vì cảm mến.
Ai cũng biết, ở TP.HCM có những cơn mưa khiến nước ngập đường lênh láng chỉ trong thời gian ngắn.
Một phần vì hệ thống thoát nước không đáp ứng, phần khác vì nhiều người đã vứt rác trên đường, thải bao nilông ra môi trường nên khi có mưa thì đây là nguyên nhân chặn ngang miệng cống khiến nước không đường thoát.
Tôi muốn chia sẻ việc làm tự nguyện của người đàn ông mà tôi chưa kịp biết tên ấy để thấy rằng trong rất nhiều người chưa có ý thức bảo vệ môi trường sống quanh mình vẫn có người đã và đang âm thầm làm việc dù nhỏ nhưng ý nghĩa.
2. Trong nỗ lực cứu môi trường bớt những "vết đau" do cách tiêu thụ thiếu kiềm chế của con người, tôi cũng bắt gặp nhiều người tìm cách khơi gợi người khác trở lại lối sống xanh.
Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội quán Các bà mẹ, ở TP.HCM). Không chỉ níu giữ hồn quê, phiên chợ quê do chị tổ chức còn khuyến khích mọi người hạn chế túi nilông bằng cách mang theo giỏ đi chợ.
Không gian phiên chợ chị Thúy tổ chức ở số 7 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) với rau củ bày bán được cho vào túi giấy, gói bằng lá chuối tươi, cột bằng dây thừng. Các mặt hàng đều được bày trên những chiếc chõng tre.
Đặc biệt, chị Thúy cho biết những nông sản mà phiên chợ bày bán đều sản xuất hữu cơ được chị cùng những thành viên hội quán lặn lội tìm kiếm nguồn cung từ Phú Yên, Lâm Đồng…
Lợi nhuận của phiên chợ sẽ được dùng cho các hoạt động thiện nguyện khác như hỗ trợ con, cây giống cho người nghèo ở vùng xa, còn khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ: "Mô hình Chợ quê giữa phố tồn tại 5 năm nay, với tôi là nơi để những bà mẹ có nơi giao lưu, nơi con trẻ đến để chứng kiến một không gian chợ mộc mạc, gần gũi. Những bài học về môi trường sẽ được chuyển tải qua những hình ảnh giỏ xách bằng chất liệu xanh, sản phẩm sạch".
Phiên chợ vừa được mở lại hôm 12-12 sau thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Được biết, đây là một trong những hoạt động chính, thường xuyên của Hội quán Các bà mẹ.
Thời gian tới, nếu dịch bệnh vẫn được kiểm soát thì chị Thúy sẽ tổ chức chợ hoạt động trở lại hằng tuần để viết tiếp câu chuyện trao những giá trị về bảo vệ môi trường sống từ những hoạt động thường ngày của mỗi gia đình là… đi chợ xanh.
Để môi trường sống khá hơn không phải là câu chuyện một ngày một buổi và một cá nhân có thể làm nổi.
Mong rằng sau nhiều biến cố của thiên nhiên, những tai ương, dịch bệnh… hai câu chuyện này sẽ giúp mỗi người thêm hiểu thiên nhiên, yêu môi trường sống, để thay đổi tích cực hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận