Ghi nhận từ tháng 8-2019, siêu thị Coopmart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận đã sử dụng lá chuối để gói rau - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2020 xuất khẩu sản phẩm nhựa trong nước ra thế giới đạt 3,654 tỉ USD, tăng 6,3% so với năm 2019, đưa tổng doanh thu toàn ngành nhựa Việt Nam đạt mức 22,18 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2019.
Khó thay thế nhựa trong một sớm một chiều
Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì đã tạo ra lượng chất thải nhựa hằng ngày, bao gồm cả túi nilông khó phân hủy chiếm khối lượng khá lớn do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng.
Chất thải nhựa phát sinh chủ yếu từ các hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ nhưng chỉ một phần được thu hồi - tái chế.
Thực tế cho thấy người dân còn sử dụng đồ nhựa và thải rác thải nhựa quá nhiều. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác giảm rác thải nhựa là tìm ra các sản phẩm thay thế chúng. Hiện nay, các sản phẩm thay thế đồ nhựa còn rất ít. Việc tìm ra những ý tưởng mới trong sản xuất sản phẩm thay thế đồ nhựa là rất cấp thiết.
Nhìn bề ngoài các phong trào chống rác thải nhựa có vẻ rầm rộ và lan tỏa khắp nơi. Nhưng thực chất chỉ mới đạt được những hiệu quả hết sức khiêm tốn do thói quen khó bỏ, sự tiện lợi trước mắt. Khi nhắc đến rác thải nhựa, chúng ta thường nghĩ đến túi nilông, ống hút, chai nước các loại.
Nhưng không dừng lại ở đó, nhựa bao trùm toàn bộ đời sống của con người từ các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt thường ngày trong gia đình, đến văn phòng phẩm tại nơi làm việc, các bao bì, các thiết bị ngành y tế, nhãn mác sản phẩm tại cửa hàng, siêu thị, thiết bị giải trí, nghe nhìn... Có thể nói, con người đang sống trong "kỷ nguyên nhựa", nhựa có mặt ở khắp nơi.
Không thể phủ nhận, đồ nhựa rất tiện lợi, giá rẻ nhưng với từng ấy hệ lụy đang hiện hữu hằng ngày thì chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc mỗi khi dùng một chiếc túi nilông, vứt đi một chiếc ống hút hay sử dụng bất cứ cái gì có nguồn gốc từ nhựa.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Trong khi chờ chính sách cụ thể ở tầm vĩ mô về việc quản lý rác thải nhựa, thiết nghĩ mỗi người dân nên có các giải pháp cá nhân bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình cùng môi trường sống. Các giải pháp đó theo tôi nên ưu tiên theo thứ tự: thay thế - tiết giảm - tái sử dụng - tái chế.
Thay vì mua đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa, chúng ta thay thế bằng chất liệu khác như inox, thủy tinh. Tuy giá thành mua ban đầu đắt hơn nhưng sử dụng an toàn, mua với số lượng ít hơn. Thay vì sử dụng túi nilông đi chợ, nên quay về với truyền thống dùng giỏ xách, túi vải...
Tiết giảm như thế nào cho hiệu quả? Cái gì thực sự không cần thiết thì không nên mua, vừa kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường. Tiêu dùng càng nhiều càng gây hại môi trường. Thay vì mua sắm nhiều thì nên mua ít đi, quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng.
Tái sử dụng như thế nào hợp lý? Túi nilông sau mỗi lần đi chợ có thể giặt sạch phơi khô dùng cho lần sau. Chai, lọ, hộp nhựa tận dụng vào việc khác. Trước khi có ý định vứt bất kỳ một vật dụng đã qua sử dụng nào đi, nên suy nghĩ xem chúng có thể dùng vào việc khác được không?
Tái chế như thế nào? Hãy bắt đầu với việc phân loại rác thải ngay tại mỗi gia đình. Điều này không chỉ giúp việc tái chế rác thải hiệu quả hơn mà còn là hành động hữu hiệu để tiết kiệm ngân sách gia đình qua việc bán phế liệu.
Như vậy, để giảm thiểu rác thải nhựa thì trước hết, mỗi người, mỗi gia đình hãy thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày bằng những hành động thiết thực với phương châm: thay thế - tiết giảm - tái sử dụng - tái chế.
Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: [email protected] hoặc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận