02/10/2022 08:00 GMT+7

Diễn đàn 'Làm gì để chấm dứt lạm thu?': 'Ai có nhiêu, đóng nhiêu'

NGUYỄN THỊ THU (quận Gò Vấp, TP.HCM)
NGUYỄN THỊ THU (quận Gò Vấp, TP.HCM)

TTO - Con tôi học lớp 3 một trường tiểu học có tiếng của quận 1, TP.HCM. Sau buổi họp phụ huynh đầu năm, cả lớp nhất trí phương án không cào bằng mức thu quỹ lớp mà "ai có nhiêu, đóng nhiêu".

Diễn đàn Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Ai có nhiêu, đóng nhiêu - Ảnh 1.

Qua danh sách thống kê phụ huynh đóng góp, tôi thấy có người đóng 500.000 đồng, có người đóng 1 triệu đồng, thậm chí có phụ huynh "tài trợ" luôn cho quỹ chung của lớp 7 triệu đồng. Đáng mừng là danh sách phụ huynh đóng tiền chỉ cập nhật trên nhóm chat Zalo của phụ huynh, không có giáo viên tham dự, không liệt kê tên học sinh không đóng quỹ lớp.

Bắt buộc hay không bắt buộc?

Trong khi đó, cháu tôi đang học một trường tiểu học tại quận Gò Vấp. Quỹ lớp mặc dù được nói là "không bắt buộc" nhưng ban đại diện phổ biến mức thu chung là 500.000 đồng/học sinh, chưa kể hằng ngày trên nhóm trao đổi thông tin của lớp cập nhật thường xuyên danh sách học sinh nào đóng tiền, học sinh nào chưa đóng.

Điều đáng nói là sau khi giáo viên chủ nhiệm "thuyết trình" về lợi ích của việc mua báo nhằm tạo điều kiện cho học sinh tham gia cuộc thi do đơn vị này tổ chức vào cuối năm học, tiền mua báo được liệt kê chung trong danh sách các khoản phí cần đóng đầu năm, trong đó có quỹ lớp. Một số phụ huynh cho biết đã mua các ấn phẩm khác cho con đọc giải trí tại nhà, không có nhu cầu mua thêm báo. Có trường hợp nhà có hai anh em học cùng trường, nếu đăng ký mua báo cùng lúc cho hai đứa sẽ gây lãng phí thay vì có thể khuyến khích các con đọc chung với nhau.

Tuy nhiên việc thu tiền mua báo chung với quỹ lớp khiến nhiều người lầm tưởng khoản thu này là bắt buộc, hoặc vì ngại con mình trở thành cá biệt nên "bấm bụng" đăng ký cho xong. Ngoài ra, tôi thấy hiện nay ở nhiều trường học, mức thu quỹ lớp rất khác nhau. Đơn cử, trong cùng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, có lớp đề nghị thu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng để sơn lại tường, thay rèm cửa phòng học, cũng có lớp phụ huynh đồng ý chưa thu quỹ lớp do chưa có hoạt động nào cần chi tiền trong học kỳ 1. Ở một số nơi, ban đại diện nhất trí phương án khi có hoạt động cần thu tiền sẽ thông báo, tiến hành thu tiền và công khai tài chính theo từng hoạt động.

Không cào bằng mức thu

Đối với quỹ khuyến học, một trong những khoản đóng góp đang bị nhiều nơi nhập nhèm giữa "tự nguyện" hay "bắt buộc" dẫn đến bức xúc cho phụ huynh. Tôi thấy cách làm mới đây của một trường ở quận 1 khá hay. Trường không cào bằng mức thu mà triển khai hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.

Quan trọng hơn, cách vận động hợp tình hợp lý khiến phụ huynh cảm thấy thoải mái nhưng vẫn "móc hầu bao". Trong buổi giao lưu giữa phụ huynh các lớp diễn ra vào đầu năm học, để giới thiệu thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối 6, tổ hóa học của trường đã chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu để làm nến thơm.

Tại buổi giao lưu, học sinh và phụ huynh được xem một đoạn video clip hướng dẫn cách làm nến thơm tại nhà, sau đó thực hành ngay tại chỗ. Hoạt động vừa giúp học sinh và phụ huynh hiểu được lợi ích của hoạt động trải nghiệm trong chương trình mới vừa giúp cha mẹ và con cái gắn kết với nhau hơn. Sau hoạt động, phụ huynh được đề nghị có thể đóng tiền "mua lại" thành phẩm là các hũ nến thơm do con và ba mẹ cùng làm mang về nhà.

Nếu phụ huynh không có nhu cầu mua lại, nến thơm sẽ được bán trong các hoạt động bán hàng gây quỹ khuyến học của nhà trường. Như vậy, phụ huynh hoàn toàn chủ động trong việc đóng tiền và tự quyết số tiền nên đóng (dựa trên giá thành phẩm một hũ nến thơm được bán ngoài thị trường). Kết quả vượt ngoài mong đợi của ban tổ chức, số tiền thu về không những đủ trang trải tiền mua nguyên vật liệu mà còn góp thêm vào quỹ khuyến học của nhà trường.

Qua đó cho thấy, việc thu các khoản tiền đầu năm học là cần thiết nhưng nếu thực hiện không khéo sẽ gây bức xúc cho phụ huynh. Thay vào đó, cần sự mềm mỏng, uyển chuyển trong cách làm của người đứng đầu đơn vị, hướng dẫn, giải thích rõ ràng ý nghĩa của từng khoản thu mới tạo được đồng thuận ở phụ huynh.

Rà soát các khoản thu "tự nguyện"

Muốn chấm dứt tình trạng lạm thu cần làm được những việc sau:

- Thứ nhất, phụ huynh cần hiểu rõ thông tư 55 để có ý kiến trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm. Một người có ý kiến, đồng loạt phụ huynh trong buổi họp phải có sự thống nhất theo. Kinh nghiệm cho thấy khi một vấn đề đưa ra mà gặp ý kiến phản đối của phụ huynh, nhà trường luôn phải xem xét lại.

- Thứ hai, cần kiểm tra, rà soát các khoản thu ủng hộ xem có đúng tinh thần tự nguyện. Không xem biên bản vì trong biên bản luôn thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của phụ huynh. Bằng chứng dễ thấy nhất là bảng kê nộp tiền giáo viên chủ nhiệm lập cho phụ huynh ký. Nhìn danh sách rất dễ biết khoản tiền nộp đó là bắt buộc hay tự nguyện. Bởi, nếu là bắt buộc sẽ thấy ngay gần như phụ huynh trong một lớp đều đóng một khoản tiền như nhau. Nếu là tự nguyện sẽ có người đóng, người không, người ít, người nhiều.

Bên cạnh đó việc huy động xã hội hóa giáo dục trường phải có kế hoạch vận động tài trợ đã được ký duyệt từ cấp trên mới tiến hành nhận tài trợ từ các nhà hảo tâm chứ không phải cách giáo viên mỗi lớp tự đưa ra mức thu ngay trong cuộc họp. Khi đã kết luận trường quyên góp các khoản tiền không dựa trên tinh thần tự nguyện cần xử lý nghiêm người đứng đầu. Trong một địa bàn chỉ cần xử lý vài trường hợp thì những trường học khác sẽ không bao giờ dám vi phạm.

- Thứ ba, năm học nào cũng phải kiểm tra, xử lý và nhắc nhở thật nghiêm mới có tác dụng. Hiện nay việc thanh kiểm tra các khoản thu chi đầu năm ở nhiều trường chưa được thường xuyên và nhiều nơi lại bỏ qua việc tìm ra bằng chứng kêu gọi ủng hộ tự nguyện hay bắt buộc. Bởi vậy nói là tự nguyện nhưng nhiều trường vẫn đang thực hiện việc buộc phụ huynh đóng góp mới tạo nên hiệu ứng xấu trong xã hội.

KHÁNH NGỌC

Lắng nghe ý kiến phụ huynh

Theo tôi, điều quan trọng nhất là không nên gộp chung tất cả khoản đóng góp vào một danh sách, cào bằng mức thu theo đầu học sinh mà cần lắng nghe ý kiến phụ huynh, không được có bất kỳ đối xử nào giữa học sinh có phụ huynh đóng tiền và học sinh có phụ huynh không đóng. Xin đừng để chuyện tiền bạc giữa người lớn ảnh hưởng tới việc đến trường của học sinh bởi các em đều có quyền học tập như nhau trong cùng lớp học.

Diễn đàn: Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Nỗi lòng Diễn đàn: Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Nỗi lòng 'người đứng giữa'

TTO - Không chỉ phụ huynh mà không ít giáo viên cũng cảm thấy phiền lòng với nạn lạm thu trong nhà trường. Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của một nhà giáo, vừa là nỗi lòng khó nói của nhiều người vừa gợi mở giải pháp chấm dứt lạm thu.

NGUYỄN THỊ THU (quận Gò Vấp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp