19/01/2022 09:03 GMT+7

Diễn đàn kinh tế thế giới DAVOS: Hướng tới thế giới hậu COVID-19

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đối phó đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế là hai vấn đề được tập trung thảo luận trong ngày đầu tiên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) năm nay, diễn ra từ ngày 17 đến 21-1.

Diễn đàn kinh tế thế giới DAVOS: Hướng tới thế giới hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch WEF Borge Brende lắng nghe tại phiên họp trực tuyến của WEF ngày 17-1 - Ảnh: AFP

Chúng tôi đã liên tục hét lên rằng đại dịch là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva nói trên kênh CNBC.

Trong phát biểu ngày 17-1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tiếp cận vắc xin, chống biến đổi khí hậu và cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu. Đây dự kiến cũng là những vấn đề chính tại WEF năm nay.

Chống dịch và hồi phục kinh tế

"Trên cả ba lĩnh vực nói trên, chúng ta cần sự hỗ trợ, ý tưởng, tài chính và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Guterres tại phiên họp trực tuyến của WEF.

Nhà lãnh đạo LHQ cảnh báo nếu không hành động ngay sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và đói nghèo ngày càng trầm trọng, nguy cơ tăng bất ổn xã hội và bạo lực. 

Phát biểu của ông tương tự báo cáo WEF công bố hồi đầu tháng 1-2022 cho rằng các bất công liên quan đến COVID-19 có thể làm tăng căng thẳng xã hội trên toàn cầu.

Ông Guterres cho rằng giai đoạn tiếp theo của chống dịch là phải đảm bảo công bằng. "Nếu chúng ta không tiêm phòng cho tất cả mọi người, chúng ta sẽ khiến các biến thể mới xuất hiện lây lan xuyên biên giới, khiến đời sống và nền kinh tế đình trệ" - ông nói và kêu gọi các hãng dược chia sẻ bản quyền, công nghệ vắc xin cho các nước đang phát triển.

Ông Guterres đã nhiều lần thúc đẩy giải quyết những bất công và cải tổ tài chính. "Chúng ta cần một hệ thống tài chính toàn cầu làm được việc mà nó cần làm. Điều này có nghĩa phải tái cơ cấu nợ khẩn cấp và cải cách cấu trúc nợ dài hạn", ông tiếp.

Tổ chức Y tế thế giới đã đặt mục tiêu tiêm ngừa COVID-19 cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Nhưng mục tiêu này chưa đạt được khi tỉ lệ tiêm tại những nước thu nhập cao hiện gấp 7 lần những nước thu nhập thấp ở châu Phi. 

Trong quá trình hồi phục, các nước thu nhập thấp cũng gặp phải thách thức lớn từ lạm phát, tài chính eo hẹp, lãi suất cao, giá thực phẩm và năng lượng tăng...

Khắc phục chuỗi cung ứng

Tại WEF, các lãnh đạo thế giới cũng cho rằng cần có sự hợp tác toàn cầu để đối phó COVID-19 và các rủi ro kinh tế đi kèm. 

"Các nền kinh tế lớn cần coi thế giới là một cộng đồng, suy nghĩ theo cách có hệ thống hơn, tăng cường sự minh bạch chính sách và chia sẻ thông tin, đồng thời điều phối các mục tiêu, cường độ và tốc độ của chính sách tài khóa, tiền tệ để ngăn nền kinh tế thế giới lại giảm mạnh" - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu vào ngày 17-1.

"Các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu đã bị gián đoạn. Giá cả hàng hóa tiếp tục tăng. Nguồn cung năng lượng vẫn hạn chế. Các rủi ro này kết hợp với nhau khiến phục hồi kinh tế thêm bất ổn" - ông Tập nói, kêu gọi các nước cắt giảm rủi ro liên quan chuỗi cung ứng. 

Đề cập vấn đề lạm phát và lãi suất, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cảnh báo nguy cơ với các nước đang phát triển nếu những nước lớn đột ngột thay đổi chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, chủ tịch Hãng viễn thông Bharti lớn nhất Ấn Độ, ông Sunil Bharti Mittal, đưa ra góc nhìn về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là nền tảng của chuỗi cung ứng và việc tiếp cận công nghệ sẽ là chìa khóa để nhóm này phát triển.

Cho rằng thế giới đang "nắn lại" dòng chảy của chuỗi cung ứng bằng cách dịch chuyển phần ra khỏi Trung Quốc, ông Mittal lấy ví dụ: "Hãy nhìn vào ngành công nghiệp điện tử, nơi có rất nhiều ngành công nghiệp nhỏ đang hình thành bằng cách cung cấp linh kiện cho các ông lớn. Ôtô là một ví dụ điển hình, điều này cũng đúng đối với ngành công nghiệp thực phẩm".

Những ngày tiếp theo của WEF dự kiến tập trung vào biến đổi khí hậu, năng lượng và tương lai của kinh tế, động thái của các chính phủ trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn căng thẳng. 

Theo Hãng tin AP, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến trình bày các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden tại WEF.

Hãy đầu tư vào Ấn Độ

Phát biểu tại Davos, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tranh thủ quảng bá nền kinh tế đất nước và khẳng định họ đang đi đúng hướng. Ông Modi nói khả năng phục hồi của Ấn Độ trong dịch bệnh là một điển hình của thế giới. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cam kết nước này sẽ là đối tác tin cậy của chuỗi cung ứng toàn cầu. "Đây là thời gian tốt nhất để đầu tư vào Ấn Độ", ông nói.

Lãnh đạo APEC bàn thế giới hậu COVID-19 Lãnh đạo APEC bàn thế giới hậu COVID-19

TTO - Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 ngày 12-11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết tình hình COVID-19 tại mỗi nền kinh tế APEC là khác nhau song tất cả đều đối mặt với những câu hỏi giống nhau.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp