Cần một chương trình giáo dục phát triển toàn diện người học, giúp người học tự mình nắm vững tri thức. Trong ảnh: học sinh không chỉ học trong nhà trường mà còn biết tự học, học thông qua đọc sách - Ảnh: N.HUY
1. Chương trình giáo dục
Bộ GD-ĐT nên thiết kế chương trình giáo dục phổ thông căn bản, vừa sức, khả thi. Chương trình lấy người học làm trung tâm, họ được học nội dung cần học, giáo viên là người điều phối quá trình học tập.
Điều này sẽ phát triển toàn diện người học, giúp người học tự mình nắm vững tri thức, phát hiện những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, công nghệ, văn hóa... Người học tự mình giải quyết những vấn đề đó một cách phù hợp với thực tiễn.
2. Đánh giá quá trình
Đa dạng hình thức đánh giá học sinh, trong đó có đánh giá bằng kết quả đầu ra. Để góp phần dạy thật, học thật, thi thật thì đánh giá quá trình là tất yếu.
Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn vấn đề này trong mấy năm học gần đây, tuy nhiên việc thực hiện ở cơ sở giáo dục chưa đồng bộ và chưa hiệu quả.
Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh như hiện nay, lại vì thành tích, không ít nhà trường buông lỏng kỷ cương trong đánh giá. Điểm số như là thước đo duy nhất việc dạy học, trong bối cảnh quản trị trường học hiện nay, tạo cơn lốc cuốn đi sự trung thực trong dạy, học, thi.
Tình hình đó đòi hỏi làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường kiểm tra (nội bộ, chéo, từ cấp trên) để đánh giá quá trình đi đúng quỹ đạo, bảo đảm dạy thật, học thật, thi thật.
3. Quản lý nhà trường
Quản lý nhà trường là trọng tâm của quản lý giáo dục, do sự khác biệt giữa các loại hình trường học, sự khác biệt vùng, miền nên "đồng phục" biện pháp ở cấp vĩ mô có thể gây hiệu ứng tiêu cực ở cơ sở, làm phát sinh giả dối trong dạy, học, thi.
Vì vậy, quản lý giáo dục phải tạo ra môi trường minh bạch, công khai, dân chủ, lấy trung thực vừa là mục tiêu vừa là động lực. Có như thế dạy thật, học thật, thi thật mới phát triển được.
4. Đổi mới phương pháp
Muốn dạy thật, học thật, thi thật, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Dạy mà học sinh thích thú học, dạy mà học sinh hiểu bài, dạy mà giúp học sinh biết tự học ở nhà, dạy mà học sinh kiểm tra đạt kết quả tốt, đó là con đường tốt nhất và là trái ngọt của dạy thật, học thật, thi thật.
Việc kiểm tra phải phù hợp tình hình học tập của học sinh, kiểm tra là một khâu của quá trình dạy học, ở đó học sinh tiếp tục được thông tin, được rèn kỹ năng, được hỗ trợ để nhớ - hiểu - sáng tạo. Kiểm tra, đánh giá không hề là cây gậy quyền uy, không thể là tác động duy ý chí của người dạy. Rơi vào bẫy kiểm tra là quyền uy thì không thể có dạy thật, học thật, thi thật.
Đạo đức nhà giáo
Có thực mới vực được đạo, phải tính toán để lương giáo viên giúp họ toàn tâm trong công việc, cần lắm chủ trương quyết liệt và tạo thay đổi đáng kể!
Tuy nhiên, những người sai phạm dẫn đến dạy không thật, học không thật, thi gian dối, đâu phải do họ khó khăn!? Là nhà giáo, phẩm cách hàng đầu là trung thực.
Khi phẩm cách này thấm đậm từ cán bộ quản lý giáo dục các cấp đến giáo viên đang đứng lớp, lúc đó toàn cảnh giáo dục phản ánh dạy thật, học thật, thi thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận