14/01/2022 09:54 GMT+7

Diễn đàn: Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Mỗi người một ý

THÚY HIỀN
THÚY HIỀN

TTO - Bạn đã dùng bao nhiêu thời gian trong ngày cho mạng xã hội? Giữa gia đình và mạng xã hội, liệu đâu mới là thứ bạn ưu tiên dành thời gian!

Diễn đàn: Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Mỗi người một ý - Ảnh 1.

Lạm dụng mạng xã hội khiến mọi người ít trò chuyện trực tiếp với nhau hơn - Ảnh: THÚY HIỀN

Dịch bệnh, giãn cách, làm việc tại nhà... nhiều tháng liền khiến giới trẻ nghĩ ra đủ cách "thanh lý" khoảng thời gian rảnh rỗi tăng lên này. Có người xem là cơ hội để bản thân vun đắp tình cảm gia đình, nhưng cũng có người xem đó là dịp xả hơi, xem chuyện lướt mạng là việc chính của ngày...

Càng nghĩ càng nhận ra mình đã hoài phí tháng năm qua khi mãi đi tìm những giá trị chẳng đâu vào đâu ở trên mạng xã hội mà quên rằng chính gia đình mới là giá trị cốt lõi ta cần quan tâm, chăm sóc.

NGỌC DUYÊN

Ăn ngủ cùng mạng xã hội

Nay là năm thứ 2 chị Trịnh Thúy Trinh (quê Bắc Giang) vào TP.HCM lập nghiệp. Chẳng may "vấp" phải làn sóng COVID-19 khiến quãng thời gian làm việc tại nhà của Trinh cũng ngót nghét bằng ngần ấy thời gian xa quê. Vẫn làm việc, tuy nhiên không còn phải chật vật hàng giờ đồng hồ trên đường để đi đi về về khiến quỹ thời gian mỗi ngày của Trinh thêm dài ra.

Luôn thức giấc vào lúc 6h sáng, việc mà cô gái 28 tuổi này chọn làm đầu tiên vẫn là lướt mạng xã hội một lèo đến... hơn 8h. Trinh tâm sự bản thân không thể nào sống nếu thiếu mạng xã hội. Cô không thể ngừng lướt mạng vì ở đó có thể biết được mọi người đang làm gì, cuộc sống ra sao, vui buồn thế nào. 

Trên trang cá nhân của Trinh đầy ngập những cập nhật về công việc, tâm tình, đôi khi chỉ là dòng cảm xúc bâng quơ cách nhau chưa đầy một phút. 

"Làm xa nhà, bố mẹ lại không rành máy móc nên chỉ gọi điện về hỏi thăm vài ba câu là hết chuyện. Còn lại thì lướt mạng, dần thành quen nên mở mắt là lướt, có đêm cầm máy lướt rồi ngủ quên luôn", Trinh cười.

Thói quen trao đổi công việc qua những nhóm chat trên mạng xã hội là "chất xúc tác" đầu tiên khiến việc lướt mạng như "ngấm vào máu" của Ngô Văn Cường (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM). Hơn 10 tiếng đồng hồ, đó là khoảng thời gian mà Cường bỏ ra để lướt mạng xã hội mỗi ngày. 

Cường tâm sự bản thân "nghiện" chơi mạng xã hội đến nỗi chỉ cần nhìn thấy thông báo về một dòng trạng thái mới của ai đó vừa cập nhật là có thể ngưng luôn công việc để vào xem. Dù trên trang cá nhân của Cường luôn trống trơn, thế nhưng không đêm nào Cường ngủ trước 1h khuya, thậm chí có nhiều hôm anh đã lướt mạng đến tận sáng mới ngủ.

Cường hiện đang ở chung với ba mẹ. Vì mọi người đều vẫn đang đi làm nên đôi khi cả tuần gia đình Cường mới chỉ gặp nhau một vài lần trong bữa ăn tối. Nếu có việc gì cần trao đổi với ba mẹ, Cường chọn việc nhắn tin online. "Mình thấy các gia đình khác cũng vậy, mọi người đi làm về đôi khi đã khuya nên cũng chỉ chào nhau rồi việc ai nấy làm, ngủ đến sáng thì lại đi, dần thành quen" - Cường tâm sự.

Gia đình là trên hết

Được gọi là "hot face" khi sở hữu trang cá nhân có lượt theo dõi "khủng", mỗi bài viết trên mạng xã hội đều nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, thế nhưng anh Đăng Khoa (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) lại rất ít khi dùng mạng xã hội. Sau mỗi giờ làm, thay vì "lướt face" thì anh Khoa chọn ở bên gia đình, chơi đùa cùng các con. 

Ở tuổi 32, anh Khoa tâm sự "đã qua rồi cái tuổi có mặt 24/24 ở mạng xã hội". Với anh, mạng xã hội chỉ là nơi để lưu giữ những kỷ niệm đẹp của bản thân, gia đình và người thân quen. 

"Giờ ngẫm lại mới thấy thời gian trước ăn rồi lướt mạng thật phí phạm, chẳng bổ ích gì còn chuốc thêm vào mình nhiều bực tức, phiền toái, sức khỏe ngày một giảm vì thức khuya hơn nữa", anh Khoa nói.

Còn Ngọc Duyên chia sẻ: "Bốn tháng giãn cách tôi đăng đúng một bài viết trên trang cá nhân". Cô gái này có trang cá nhân với hơn 10.000 lượt theo dõi. Việc Duyên xem đó như một chiến tích và vui vẻ khoe nó cũng là điều dễ hiểu bởi mỗi ngày trước đó cô luôn đăng hàng chục "story" (câu chuyện) lên mạng xã hội.

"Mọi thay đổi đến từ những ngày đầu tôi cùng gia đình thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" hồi tháng 6-2021. Tôi nhận ra nếu mình không đăng bất kỳ dòng trạng thái nào thì cũng chẳng ai quan tâm, hỏi han về điều khác lạ này. Nhưng khi quan tâm đến người thân thì tôi nhận lại rất nhiều niềm vui, điều mà trước đây tôi luôn nghĩ phải kiếm tìm nó ở trên mạng xã hội" - cô gái Ngọc Duyên tâm sự.

Đến nay, khi cuộc sống đã trở lại với nhịp độ bình thường mới, Duyên vẫn giữ lối sống ấy - trò chuyện trực tiếp cùng gia đình, người thân nhiều hơn thay vì chỉ nhắn cho nhau những dòng tin ngắn ngủi.

Bạn có thấy hình bóng bản thân hoặc của người thân, bạn bè trong những câu chuyện tương tự? Bạn có góc nhìn phản biện hoặc chia sẻ gì khác về việc giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hay bạn có những giải pháp gợi ý cho câu chuyện trên?

Bạn có thể viết bài (trong 900 chữ kèm thông tin cá nhân, số điện thoại) và gửi về tham gia diễn đàn thông qua email: [email protected] hoặc [email protected].

Gen Z, gia đình và mạng xã hội Gen Z, gia đình và mạng xã hội

TTO - Không thể phủ nhận giá trị tích cực của mạng xã hội (MXH) hoặc ứng dụng (app), nhưng sẽ là nỗi lo nếu giới trẻ nói chung, Gen Z nói riêng mê đắm chúng hơn cả cuộc sống thật và dành thời gian cho chúng nhiều hơn cho gia đình, người thân.

THÚY HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp