Sau hơn 10 ngày mở ra, rất nhiều ý kiến đã đóng góp cho diễn đàn từ việc đào tạo trẻ đến tuyển chọn HLV cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng tựu trung để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững và hướng đến mục tiêu World Cup, những người có trách nhiệm cần đưa ra một chiến lược căn cơ để có thể thay đổi một cách đồng bộ.
Bóng đá Việt Nam không thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu như không có một nền móng tốt từ đào tạo trẻ.
Thay đổi nền móng
Ngoài ra, bóng đá Việt Nam cũng thiếu một giám đốc kỹ thuật (GĐKT) đúng nghĩa để thống nhất giáo trình đào tạo. Trong khi ở các nước, giám đốc kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, từ năm 2015, bóng đá Campuchia đã bổ nhiệm ông Kazunori Ohara làm giám đốc kỹ thuật. Và vị chuyên gia Nhật Bản này đã tham gia thành lập 25 học viện bóng đá trẻ trên khắp Campuchia chỉ trong 2 năm 2017-2018.
Chia tay Campuchia, ông Kazunori Ohara vừa gia nhập CLB Trường Tươi Bình Phước ở Giải hạng nhất để bắt đầu với vai trò trợ lý cho HLV Nguyễn Anh Đức. Trước đó, cựu giám đốc kỹ thuật của VFF - ông Yusuke Adachi - cũng được CLB Bình Phước mời về làm tổng giám đốc hồi đầu năm nay để nâng tầm CLB.
"Tiềm năng cầu thủ Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi có thể tạo ra một CLB hình mẫu cho toàn châu Á", ông Yusuke Adachi nói trong ngày ra mắt.
CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) cũng vừa ký kết hợp tác với CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản) hồi cuối năm ngoái, trong đó có mảng đào tạo trẻ. Là một trong những lò đào tạo trẻ chất lượng của bóng đá Việt Nam, sự hợp tác này cũng có thể mang đến những kỳ vọng cho bóng đá nước nhà.
Nhưng chỉ CLB Trường Tươi Bình Phước hay SLNA thì vẫn chưa đủ để bóng đá Việt Nam có thể phát triển. Nó cần cả một hệ thống các CLB chuyên nghiệp của Việt Nam cùng thay đổi trong việc chú trọng đào tạo trẻ. Quan trọng hơn, các CLB cần có chung một giáo trình đào tạo chuẩn để cầu thủ không phải làm quen lại từ đầu khi lên khoác áo các đội tuyển trẻ rồi đội tuyển quốc gia.
Lựa chọn HLV ngoại phù hợp
Qua các cuộc trao đổi với các chuyên gia, HLV hay cựu tuyển thủ đều cho rằng bóng đá Việt Nam vẫn phải đặt niềm tin vào HLV ngoại. Điều này do HLV nội từng được trao cơ hội nhưng đều không làm thành công, việc chọn cầu thủ cũng khó tránh khỏi sự thiên vị. Và quan trọng hơn, HLV nội không chịu được sức ép và thường bị chi phối bởi lãnh đạo.
Trong sự nghiệp thi đấu, tiền đạo Lê Công Vinh từng trải qua 5 đời HLV ngoại: Alfred Riedl (Áo), Edson Tavares (Brazil), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha), Falko Goetz (Đức), Toshiya Miura (Nhật Bản) cùng 3 HLV nội Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng. Điều này giúp Công Vinh có cái nhìn rất rõ về việc tuyển chọn HLV cho bóng đá Việt Nam.
Anh chia sẻ: "Tuyển Thái Lan được dẫn dắt bởi HLV Masatada Ishii, người từng làm cho CLB Buriram United mấy mùa, nên lập tức thành công. Ông ấy biết cầu thủ Thái Lan nào tốt để lựa chọn. Thêm một thuận lợi là các CLB Thái Lan đều có lối chơi kiểm soát bóng và phối hợp nhỏ, nên HLV Masatada Ishii dựa vào đó mà phát triển cho đội tuyển Thái Lan.
Do đó, HLV ngoại dẫn dắt tuyển Việt Nam phải am hiểu bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu văn hóa Việt Nam mới là yếu tố phải coi trọng đầu tiên. Tại sao HLV Toshiya Miura không thành công nhiều với bóng đá Việt Nam?
Điều này do môi trường, con người Nhật Bản và Việt Nam khác nhau. HLV Nhật Bản cũng rất nguyên tắc, làm theo triết lý của mình. Trong khi đó, sự ứng biến chiến thuật cho phù hợp với cầu thủ Việt Nam giúp HLV Park Hang Seo thành công".
Dù vậy, Công Vinh cũng cho rằng bóng đá Việt Nam nên chuyển sang HLV đến từ Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha để kỳ vọng vào một sự đột phá.
Anh nói: "Chúng ta từng mời hai HLV Brazil và đều thất bại. Tương tự là HLV châu Âu như Falko Goetz rồi Philippe Troussier. Tại sao giờ chúng ta không thử chọn một HLV châu Âu nhưng pha trộn trường phái Nam Mỹ như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. HLV Calisto từng thành công với bóng đá Việt Nam là ví dụ".
Bao năm qua, lối chơi của tuyển Việt Nam thay đổi theo từng HLV ngoại. Đó là điều cần phải quan tâm và thay đổi.
Chẳng hạn đội tuyển Thái Lan dù thay HLV ngoại nào đi chăng nữa, đội tuyển nước này vẫn chơi kiểm soát bóng, đá bóng ngắn, phối hợp nhanh dựa trên lối chơi chung của các CLB. Vì vậy muốn thay đổi, bóng đá Việt Nam phải trở lại với câu chuyện nền móng đào tạo trẻ phải theo một giáo trình thống nhất.
Như thế, ngoài việc cần một GĐKT còn phải có sự giúp sức của đội ngũ các cựu tuyển thủ để phân tích tình hình hiện tại của các CLB, tình hình cầu thủ và đội tuyển Việt Nam để định ra một hướng đi phù hợp nhất.
Hơn 700 ý kiến bạn đọc đóng góp cho diễn đàn
Trong hơn 10 ngày, diễn đàn đã nhận được rất nhiều bài viết và hơn 700 ý kiến đóng góp của bạn đọc. Hai chủ đề được bạn đọc chia sẻ nhiều nhất là chọn HLV nội hay HLV ngoại và tuyển Việt Nam cần phải theo đuổi lối chơi nào. Đa số bạn đọc vẫn ủng hộ chọn HLV ngoại cho đội tuyển, nhất là các HLV châu Á có sự am hiểu và gần gũi với bóng đá Việt Nam.
Sôi nổi nhất là chủ đề: tuyển Việt Nam cần phải theo đuổi lối chơi nào? Có hàng trăm ý kiến tin rằng thể trạng và tầm vóc con người Việt Nam phù hợp với lối đá phòng ngự phản công. Thực tế lối đá này đã đưa tuyển Việt Nam đi đến thành công dưới thời HLV Park Hang Seo. Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng tuyển Việt Nam nên xây dựng lối đá đa dạng tùy thuộc vào từng đối thủ.
Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn đọc khẳng định tuyển Việt Nam muốn chơi kiểm soát bóng phải có thời gian xây dựng căn cơ 10-15 năm. Muốn chơi kiểm soát bóng phải có yếu tố con người và sự nhất quán từ cấp CLB, các tuyến trẻ rồi mới đến đội tuyển quốc gia. Nếu không đạt được những yếu tố này thì bóng đá kiểm soát chỉ mãi là mơ ước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận