Việc bổ nhiệm cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức (phải) - từng là người Sài Gòn - với hy vọng tiếp lửa để vực dậy CLB Sài Gòn - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Như Tuổi Trẻ thông tin, sau hàng loạt trận thua liên tiếp của hai đại diện bóng đá TP.HCM là CLB TP.HCM và Sài Gòn tại V-League, là người hâm mộ bóng đá Sài Gòn một thời, ai không cảm thấy chạnh lòng.
Trước tình cảnh bi đát này, lãnh đạo TP.HCM mà cụ thể là đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có cuộc gặp với 2 CLB TP.HCM và Sài Gòn để tìm giải pháp vực dậy với hy vọng 2 đội bóng không phải rớt hạng sau khi V-League 2022 kết thúc.
"Với trách nhiệm của người làm bóng đá, tôi phải lên tiếng. Tôi nghe mấy anh nói không sai nhưng chưa trúng. TP.HCM có một đội bóng không ra hồn là có lỗi với nhân dân.
Trích ý kiến ông Đoàn Minh Xương - phụ trách mảng bóng đá học đường HFF
Tại cuộc họp này, hàng loạt nguyên nhân được mổ xẻ như: TP.HCM hiện thiếu sân bãi, không chú trọng khâu đào tạo trẻ, cách làm bóng đá thiếu bản sắc...
Và cho dù với bất kỳ lý do nào đi nữa, phải thừa nhận như lời ông Đoàn Minh Xương - phụ trách mảng bóng đá học đường HFF: "TP.HCM có một đội bóng không ra hồn là có lỗi với nhân dân".
Đồng cảm với phát biểu của ông Đoàn Minh Xương, bạn đọc Quyền Trần viết: "Hoan nghênh ông Xương đã nói thẳng, lẽ ra người yêu bóng đá TP.HCM (tín đồ bóng đá) phải nhận được một lời xin lỗi trước thực trạng thành phố không có được một đội bóng mang bản sắc, hồn cốt của địa phương đã từng lẫy lừng thành tích bóng đá một thời".
Là người dân gốc Sài Gòn, cũng là một tín đồ bóng đá, bạn đọc tên Long bổ sung: "Trong quá khứ, tôi yêu mến 3 CLB cũ là Cảng Sài Gòn, Hải Quan và Công An TP.HCM. Lý do là cả 3 CLB trên thiên về đá đẹp, cống hiến và đối lập hoàn toàn kiểu đá thô bạo hoặc cấu kết đạt kết quả thắng bất chấp".
Theo bạn đọc Long, để người hâm mộ thực sự yêu mến bóng đá Sài Gòn thì mỗi đại diện cho Sài Gòn là phải là hồn cốt CLB Cảng Sài Gòn, phải đá đẹp, fair play, không bao giờ triệt hạ đối thủ. Nhiều tài năng xuất chúng và được mến mộ như tiền vệ Lư Đình Tuấn, Võ Hoàng Bửu, tiền đạo Đặng Trần Chỉnh... cũng đi lên từ đây.
Nhấn mạnh yếu tố đầu tiên để một đội bóng được yêu mến đó là bản sắc, bạn đọc nick name Jimmy chia sẻ: "Từ ngày thành lập hai đội bóng TP.HCM và Sài Gòn, tôi không đi xem trận nào! Nhưng trước đây, Công An TP.HCM hay Cảng Sài Gòn, Hải Quan, lúc nào tôi cũng đi xem các anh đá".
Và theo bạn đọc này, cái chính là các đội bóng hiện tại không có bản sắc Sài Gòn, không có người địa phương (thế hệ 1-2-3). Ngoài ra, lãnh đạo đội bóng cũng là người ngoài vào chèo lái!
Cuối cùng, bạn đọc này kết luận: "Nói thật lòng, nếu vẫn như thế, 10-20 năm nữa, người Sài Gòn vẫn không đến sân, dù có sân chuẩn quốc tế hay vé miễn phí cũng chẳng xem!".
Ngoài việc nhấn mạnh yếu tố đội bóng phải đá đẹp, giữ được bản sắc của Sài Gòn, những điều kiện cần tiếp theo như phải có sân bãi khang trang phục vụ người hâm mộ để xứng tầm với một thành phố, trung tâm kinh tế lớn nhất nhì đất nước cũng được bạn đọc đề cập.
Về ý này, bạn đọc Dương Lâm góp ý: "TP.HCM, một địa phương đứng đầu cả nước về cả dân số lẫn đóng góp kinh tế nhưng thực tế, ngay cả một sân vận động đúng tầm còn chưa có. Người dân yêu bóng đá mỗi lần đến sân Thống Nhất, nhìn cơ sở vật chất của sân vận động lớn nhất thành phố mà buồn não lòng".
"Mong ông bí thư TP.HCM quan tâm nhiều hơn, thúc đẩy các cơ quan liên quan sớm có hỗ trợ, tháo vướng cơ chế để người dân thành phố có thể thưởng thức món ăn tinh thần bóng đá của mình "ngon, vui"" - bạn đọc Dương Lâm kiến nghị.
Cũng liên quan đến sân bãi, bạn đọc nick name Tamsg bổ sung: "TP.HCM là địa phương lớn nhất nước mà 1/2 thế kỷ rồi không xây nổi 1 sân bóng đá tầm cỡ. Các nhà thi đấu thể thao hiện đại tầm cỡ thì chỉ mỗi sân Phú Thọ (nhờ SEA Games 2003 mới có)".
Để vực dậy bóng đá Sài Gòn một thời lừng lẫy, ngoài việc duy trì bản sắc, đầu tư sân bãi... một số bạn đọc cũng nhắc đến khâu đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá học đường.
Theo bạn đọc Nguyễn Xuân Tiếu, TP.HCM cần phải có chiến lược đầu tư bài bản ở các cấp độ tuổi từ nhi đồng đến đội tuyển TP, cải cách công tác tổ chức, quản lý, đầu tư đầy đủ sân bãi và cơ sở vật chất, chú trọng tuyển chọn từ khâu đào tạo trẻ. Có như vậy mới góp phần sản sinh các cầu thủ chất lượng, tránh tình trạng thuê mượn những cầu thủ các địa phương khác, không màu cờ sắc áo như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Huỳnh Nguyên Thạch tiếp lời: "Đầu tư cho bóng đá là việc không bao giờ muộn. Theo tôi, thời gian qua công tác bóng đá TP.HCM chưa ổn, nếu được cải tổ mạnh mẽ, đúng hướng thì sẽ phát triển, đây là món ăn khoái khẩu của nhân dân TP".
Mong muốn cải thiện thành tích để không có đội bóng nào phải rớt hạng sau khi V-League 2022 kết thúc như kỳ vọng của Bí thư Nguyễn Văn Nên, một số bạn đọc hiến kế trong tình hình hiện tại TP.HCM nên tập trung tìm cho được HLV giỏi, là thuyền trưởng lèo lái con thuyền sắp đắm.
Về ý này, bạn đọc nick name Check hiến kế: "Trước hết CLB nên tập trung tìm cho được HLV giỏi, có tâm và phù hợp với bóng đá Việt Nam. TP.HCM sẵn sàng trả thù lao hậu hĩnh cho họ. Khi có tướng giỏi thì lãnh đạo đội bóng và các cơ quan liên quan cố gắng làm mọi thứ để đáp ứng yêu cầu hợp lý của vị tướng này cho hiện tại cũng như chiến lược lâu dài (vị này mới biết chính xác nên làm gì và làm như thế nào). Có như vậy bóng đá TP mới phát triển bền vững và hiệu quả được".
Theo bạn đọc này, trong lịch sử, thành công của một lĩnh vực nào cũng bắt đầu từ một cá nhân xuất sắc và tâm huyết, có khả năng thu hút và tập hợp những tài năng khác cùng thực hiện dự án thành công.
Mời bạn tham gia diễn đàn cùng hiến kế để vực dậy bóng đá TP.HCM
Suốt nhiều vòng đấu, cả hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cùng chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng V-League. Làm gì để vực dậy hai đội bóng này trong tình hình hiện tại?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận