11/12/2023 09:17 GMT+7

Diễn đàn Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo: Chưa kịp khai phóng đã bị thao túng

Thao túng, đúng hơn là bị thao túng, là nguyên nhân sâu xa của những hành động "nổi loạn" của học sinh. Còn khai phóng chính là chìa khóa, là giải pháp cho mọi vấn đề, trong đó có "tôn sư trọng đạo".

TS GIẢN TƯ TRUNG

TS GIẢN TƯ TRUNG

TS Giản Tư Trung, viện trưởng Viện giáo dục IRED, khẳng định như vậy về hành vi của một số học sinh ở Tuyên Quang đối với cô giáo gây rúng động dư luận mấy ngày qua. 

"Thật khủng khiếp và không gì có thể biện minh được! Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết của trẻ em thì đa phần còn hạn chế, do vậy dù trẻ em rất sai, nhưng lỗi lớn nhất vẫn là ở người lớn chúng ta" - ông Trung nói.

Giá trị đảo lộn

* Việc học sinh bao vây, khiêu khích, chửi bới, thậm chí hành hung cô giáo, ông cho là khủng khiếp và không gì có thể biện minh được. Nhưng ông lại nói lỗi phần nhiều lại ở người lớn. Tại sao vậy?

- Theo các báo cáo và báo chí thì cô giáo trước đó đã có những hành xử không đúng khiến học sinh "nổi loạn". Nhưng cô giáo hành xử không đúng là chuyện của cô giáo, cái đó có nhà trường, Nhà nước và địa phương xử lý. Và thực tế, cô giáo đã bị xử lý. 

Còn trẻ em thì khác. Cha mẹ hoặc thầy cô hành xử không đúng mực với con, thậm chí cho con vài roi, thì không có nghĩa là con cái được quyền mắng chửi, đánh lại cha mẹ, thầy cô. Vì như thế là "đại nghịch và bất đạo"! Nói "không thể biện minh" là vì vậy. 

Nhưng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", hành xử đó của trẻ là hệ quả tổng hợp và lâu dài của câu chuyện giáo dục mà trách nhiệm thuộc về người lớn. Và do vậy, trẻ em rất sai, nhưng lỗi của người lớn rất nhiều.

* Có phải ông muốn nói tới chuyện chúng ta đã không làm tốt "tiên học lễ, hậu học văn" và "tôn sư trọng đạo"?

- Mục tiêu giáo dục có thể hiểu một cách giản dị: ở phổ thông là học để làm người, còn ở đại học chủ yếu là học để làm nghề. Chúng ta cần phải xem lại giáo dục phổ thông đã làm tốt việc "dạy làm người" chưa. 

Cũng phải thừa nhận rằng chưa bao giờ nhiệm vụ "dạy làm người", nhiệm vụ "khai tâm" và "khai trí" lại chông chênh như hiện nay, khi mà chúng ta đang sống trong một thế giới biến động chóng mặt và khôn lường, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn và nhiều niềm tin bị đổ vỡ...

"Tôn sư trọng đạo" cũng nằm trong vòng xoáy đó. Giá trị này rõ ràng đang bị lung lay, không chỉ vì thầy nhiều khi không ra thầy khiến trò coi thường, mà còn cả khi thầy ra thầy thì chưa chắc đã được trò tôn trọng! Tại vì "mọi giá trị bị đảo lộn", cái đáng trọng thì đáng khinh, cái đáng khinh lại đáng trọng. Việc của giáo dục là phải làm sao để người học quan tâm tới "đạo" và "trọng đạo", từ đó mới "tôn sư", rồi mới có "lễ nghĩa".

Diễn đàn Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo: Chưa kịp khai phóng đã bị thao túng- Ảnh 2.

Chưa kịp khai phóng đã bị thao túng

* Trở lại câu chuyện học sinh "vây" cô giáo ở Tuyên Quang, ông có thể lý giải tại sao các em lại có thể làm được những chuyện vô đạo, tày trời như vậy?

- Hành vi xuất phát từ nhận thức, dựa trên tín niệm. Có lẽ bọn trẻ nghĩ khiêu khích, trả đũa, trêu chọc thậm chí hành hung cô giáo là vui, là "phải làm cho cô biết thế nào là lễ độ", vậy là chúng làm thôi. Vụ việc này khiến chúng ta phải soi chiếu lại vai trò của năm chủ thể then chốt trong giáo dục là Nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. Và không một chủ thể nào vô can trong chuyện này!

Tại sao giáo dục luôn là vấn đề nóng trên mọi diễn đàn và gần như không ngày nào là không có chuyện? Là bởi cả năm chủ thể này chưa làm "đúng việc", vẫn lẫn lộn, mơ hồ, ôm đồm, chối bỏ việc của mình nhưng lại giành việc của chủ thể khác. 

Chỉ khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ và làm tốt vai trò của mình, đồng thời biết tôn trọng vai trò của các chủ thể khác thì khi đó mới hạn chế dần được những chuyện oái oăm liên quan tới học đường.

Gần đây chúng ta nói nhiều tới giáo dục khai phóng. Theo tôi, khai phóng tức là khai minh và giải phóng, là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng, nghĩa là mở con người tăm tối của mình ra để đưa ánh sáng vào và làm cho mình sáng ra. 

Đó là ánh sáng của chân lý, công lý, tự do, sự thật và tình thương. Khai trí để có cái đầu sáng, có khả năng minh định đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà; còn khai tâm để có trái tim "có hồn", biết rung lên trước cái hay cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác.

Kết quả của khai phóng là con người tự do, trách nhiệm và ưu tú: tự do là nhất quyết không chịu làm nô lệ; trách nhiệm là có ý thức và năng lực chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, công việc của mình, tổ chức của mình, xã hội của mình; ưu tú là theo đuổi sự xuất sắc trong mọi việc mà mình làm.

Trái ngược với khai phóng là thao túng. Khai phóng và thao túng giống nhau ở chỗ là đều dẫn người ta tới một nơi người ta chưa từng biết đến, khiến người ta vỡ òa vì có cảm giác "được khai sáng". 

Nhưng khai phóng thì mở cái đầu người ta ra, "nhét" một số thứ hay ho vào, nhưng mở vĩnh viễn, mãi mãi không đóng lại và khuyến khích người ta tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, quan điểm khác nhau để thách thức những tư tưởng, quan điểm, nhận thức mà mình đang có, xem thử nó có đúng không, nó có đứng vững không, còn phù hợp không, và nếu không thì mình sẽ lật đổ nó để thay thế. Còn thao túng thì mở cái đầu người ta ra, "nhét" một số thứ vào, rồi khâu nó lại, từ đó sống chung với cái đó tuyệt đối và tôn thờ nó trọn đời. Kết quả của thao túng là con người nô lệ, con người công cụ.

Nhiều trẻ bây giờ không những không được khai phóng mà còn bị thao túng, bị đầu độc bởi nhiều thứ, trong đó có những thứ vô cùng tai hại mà ta có thể gọi là "rác 4.0", thậm chí có thể ví là "ma túy thời đại số". Cuộc sống đang di cư ồ ạt từ thực tế ngoài đời lên mạng, trong khi trẻ lại chưa được trang bị đầy đủ hành trang để sống trong xã hội mới đó. Thậm chí, nhiều người vẫn coi xã hội mạng là ảo, đâu có ảo, là thực đó!

Áp lực thành tích, điểm số khiến trẻ quay cuồng với học kiến thức ở trên lớp và học thêm sau giờ học. Trong ảnh: một nhóm học sinh đi học thêm trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Áp lực thành tích, điểm số khiến trẻ quay cuồng với học kiến thức ở trên lớp và học thêm sau giờ học. Trong ảnh: một nhóm học sinh đi học thêm trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) - ẢNH: QUANG ĐỊNH

"Vắc xin" văn hóa

* Vậy phải làm gì, thưa ông?

- Có một nghịch lý là dịch bệnh trên mạng đầy rẫy nhưng lại không có "vắc xin", trong khi "sức đề kháng" thì yếu. Nếu vắc xin trong đời sống là vắc xin sởi, cúm, quai bị, bạch hầu, uốn ván, viêm gan... thì vắc xin cho thời đại số chính là khai phóng, là văn hóa, là giáo dục - những vắc xin giúp trẻ có được màng lọc, có được tấm khiên để ngăn ngừa cái ác, cái xấu, miễn dịch đối với những thứ rác rưởi trên mạng, đồng thời biết thẩm thấu, tiếp nhận những cái hay, cái thiện, cái tốt để hướng tới con người tự do, trách nhiệm, ưu tú.

Nói đến giáo dục khai phóng, giáo dục nhân bản, tôi lại nhớ tới bức tâm thư của một thầy hiệu trưởng, người đã sống sót từ trại tập trung tàn bạo của Đức quốc xã, gửi cho giáo viên của mình. Ông viết:

"Kính gửi thầy cô,

Tôi là một người sống sót sau một trại tập trung. Đôi mắt của tôi đã nhìn thấy điều mà không một người nào nên chứng kiến: buồng hơi được xây dựng bởi các kỹ sư uyên bác, trẻ em bị đầu độc bởi các thầy thuốc có học, trẻ sơ sinh bị giết bởi các y tá được đào tạo, phụ nữ và trẻ sơ sinh bị bắn và thiêu sống bởi những sinh viên tốt nghiệp đại học...

Vì vậy, tôi nghi ngờ về giáo dục.

Yêu cầu của tôi là: giúp học sinh của bạn thành người. Những nỗ lực của bạn không bao giờ được tạo ra những con quái vật có học, những kẻ lành nghề nhưng biến thái nhân cách...

Đọc, viết, số học chỉ quan trọng nếu chúng góp phần làm cho con em chúng ta trở nên người hơn".

Giáo dục khai phóng thực ra là giáo dục nhân bản, lấy con người làm gốc, lấy độc lập, lấy tự do, lấy hạnh phúc, lấy phẩm giá, lấy danh dự của con người làm gốc. Muốn vậy, thầy cô giáo trước hết phải nhân bản với chính mình; tôn trọng tự do, hạnh phúc, phẩm giá, danh dự của mình. 

Và rồi, như một lẽ tự nhiên, thầy cô sẽ tôn trọng tự do, hạnh phúc, phẩm giá, danh dự của học trò và của người khác. Những thầy cô như vậy sẽ không bao giờ để mình bị thao túng và cũng không đi thao túng người khác. Mà ngược lại, họ không ngừng tự lực khai phóng bản thân và giúp học trò của mình có khát khao và có khả năng tự lực khai phóng suốt đời.

"Rời hang" hay là câu chuyện về khai phóng

Ngoài việc học trong nhà trường, học sinh rất cần các hoạt động trải nghiệm để khám phá thiên nhiên và phát triển bản thân. Trong ảnh: học sinh đạp xe tham quan đường rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngoài việc học trong nhà trường, học sinh rất cần các hoạt động trải nghiệm để khám phá thiên nhiên và phát triển bản thân. Trong ảnh: học sinh đạp xe tham quan đường rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xin kể câu chuyện "Rời hang", lấy cảm hứng từ chuyện "Dụ ngôn hang động" trong tác phẩm Cộng hòa của Platon để tạm kết lại chủ đề thao túng và khai phóng:

"Ngày xửa ngày xưa có một cái hang và có một cộng đồng lớn sống trong cái hang đó. Vì cái hang ấy vô cùng lớn với các ngóc ngách rất lắt léo và cộng đồng ấy đã sống ở đó qua nhiều thế hệ nên lâu ngày họ mặc nhiên tin rằng cái hang ấy là cả thế giới và ánh sáng từ đống lửa trong hang là ánh sáng duy nhất mà họ có.

Cho đến một ngày nọ, có một người bỗng vô tình lọt ra được ngoài hang. Ban đầu, anh ta cảm thấy đau đớn vì bị lóa mắt trước ánh mặt trời và cơ thể chưa thích ứng được với khí hậu và thời tiết của thế giới ngoài hang.

Nhưng khi đã quen dần và cảm nhận được sự ấm áp của ánh mặt trời, sự sinh động huyền ảo của vạn vật, của cỏ cây hoa lá, anh ta nhận ra rằng đây mới thực sự là thế giới của con người.

Sau một thời gian, anh ta quyết định quay trở về hang và ra sức thuyết phục, tìm cách đưa mọi người rời hang để ra với thế giới. Thế nhưng sau khi nghe anh ta kể câu chuyện ở thế giới bên ngoài hang, những người trong hang không những không tin, mà còn quyết định giết chết anh ta vì cho rằng đó là những điều bịa đặt, và vì lo sợ rằng những nỗ lực và việc làm của anh ta sẽ gây ra sự rối loạn cũng như đe dọa cuộc sống êm ấm hạnh phúc bao đời của cộng đồng trong hang"...

Mỗi khi ngẫm nghĩ về câu chuyện này, tôi lại tự hỏi mình rằng mình đã rời hang chưa? Gia đình mình, tổ chức mình, cộng đồng mình... đã rời hang chưa? Mình thuộc kịch bản nào trong các kịch bản sau đây: Kịch bản 1. Đã rời hang và ra với ánh sáng rồi; Kịch bản 2. Chưa rời hang và biết rõ điều đó; Kịch bản 3. Còn ở trong hang nhưng lúc nào cũng nghĩ là đã rời hang rồi; Kịch bản 4. Đã rời hang thật rồi, nhưng không phải rời hang để ra với ánh sáng, mà là rời cái hang này để chui vào một cái hang khác, to hơn, tăm tối hơn, nhưng lại cứ ngỡ đó là ánh sáng và không bao giờ nghĩ đến chuyện rời hang nữa.

Nếu mình thuộc kịch bản 1 thì tuyệt vời. Nếu mình thuộc kịch bản 2 thì cũng không phải là điều tệ hại, vì mình sẽ từng bước tìm cách rời hang. Còn nếu mình thuộc kịch bản 3 thì quả là bất hạnh (dù mình không hề biết là mình bất hạnh). Nhưng nếu mình thuộc kịch bản 4 thì còn bất hạnh hơn vô vàn lần.

Mỗi người có thể có đến mấy cái hang (chứ không phải chỉ một). Gia đình mình, tổ chức mình, xứ sở mình, và thậm chí cả thế giới này, đều có thể là những cái hang. Nhưng cái hang to nhất, tăm tối nhất chính là cái hang vô minh và ấu trĩ bên trong con người của mình.

Người học không phải khách hàng, càng không phải thượng đế

Chúng ta thường nghe giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm. Nếu người học là trung tâm, là khách hàng, là thượng đế thì phải tôn thờ, phải cung phụng, phải bằng mọi cách làm hài lòng người học ư?

Theo tôi không phải. Học sinh không phải trung tâm, học sinh cũng không phải là khách hàng, học sinh càng không phải là thượng đế. Mà giáo dục phải lấy sự học khai phóng của học sinh làm trung tâm, còn dạy là làm cho sự học được diễn ra, dạy là giúp người khác học, là giúp cho học sinh tự lực khai phóng để trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú.

Thay đổi đến từ chính mình

Nhà hiền triết Mahatma Gandhi có câu nói nổi tiếng: "Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này". Nghĩa là khi mỗi người tự thay đổi chính bản thân mình trước, tự làm đúng và làm tốt việc của mình thì xã hội sẽ thay đổi theo.

Hãy bắt đầu từ chính mình, từ những đứa trẻ, từ những người xung quanh mình. Mình làm cho mình sáng ra thì đất nước sẽ bớt đi một người tăm tối. Mình làm cho mình tử tế lên thì thế giới này sẽ bớt đi một kẻ không ra gì.

Nhà giáo dục Giản Tư Trung tốt nghiệp tiến sĩ về giáo dục tại Học viện Giáo dục quốc gia Singapore và tiến sĩ về giáo dục tại Đại học London (UCL), Anh. Ông hiện là hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE và viện trưởng Viện Giáo Dục IRED. Ông cũng là tác giả sách "Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh", "Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi" và mới nhất là "Quản trị bằng Văn hóa - Cách thức kiến tạo & tái tạo văn hóa tổ chức" vừa ra mắt ngày 10-12.
Diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo" thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, thầy cô, phụ huynh... Kể từ sau số báo hôm nay, diễn đàn tạm khép lại trên nhật báo nhưng vẫn mở trên Tuoitre.vn, tiếp tục chờ đón những ý kiến hay, giải pháp - hiến kế hữu ích của bạn đọc để góp phần vun bồi tinh thần "tôn sư trọng đạo", gầy dựng văn hóa học đường. Ý kiến, phản hồi, bạn đọc email về [email protected].
Diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo": Giáo dục chạy theo điểm số, phụ huynh nhiều "quyền lực"Diễn đàn 'Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo': Giáo dục chạy theo điểm số, phụ huynh nhiều 'quyền lực'

Diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo" tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc là giáo viên, cựu giáo chức, chuyên gia tâm lý, giáo dục...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp