Phóng to |
Trở lại Điện Biên đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tất cả các khách sạn, nhà nghỉ đều cháy phòng. Sau rất nhiều nỗ lực và được sự giúp đỡ của một người bạn vốn vẫn coi Điện Biên là quê hương thứ hai của mình, chúng tôi cũng tìm được chỗ trú chân trong một phòng trọ dành cho sinh viên thuê.
Nhóm bạn đồng hành của tôi chỉ có Sơn và Jason là lần đầu đặt chân lên mảnh đất Điện Biên. Những di tích lịch sử của thành phố như tượng đài chiến thắng, hầm Đờ Cát, đồi A1… tất cả đều đã từng đến thăm quan không chỉ một lần. Nhưng ai cũng háo hức như trẻ con nông thôn lần đầu ra phố, phải chăng vì cảm xúc tự hào khi đứng trước những dấu tích oai hùng của trận đánh chấn động địa cầu năm xưa?
Điện Biên cuối tháng tư đầu tháng 5, nắng vàng, trời xanh, màu cờ đỏ tưng bừng phố xá. Đôi lúc lại gặp một đoàn xe đi bụi, áo đồng phục, cờ tổ quốc gắn trên tay lái, tự nhiên thấy trái tim loạn nhịp lạ thường. Hôm nay, không chỉ có mình, hôm nay, nhiều người đến nơi này, để được nhớ về cuộc kháng chiến đã lưu danh sử sách - chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Xác xe tăng trên cánh đồng Mường Thanh
Sau một vòng tham quan các di tích và những xác xe tăng giờ đây đang nằm dưới mái che để chống lại sự khắc nghiệt của thời gian và thời tiết, chúng tôi quyết định đi tìm đường đến với “chiếc xe tăng trên cánh đồng Mường Thanh”.
Được hướng dẫn bởi một số người dân Điện Biên nhiệt tình và tốt bụng, chúng tôi gửi xe máy lại trên vỉa hè và rồng rắn nối đuôi nhau đi bộ trên cánh đồng lúa xanh mướt dưới nắng vàng.
Phóng to |
Phóng to |
Sân bay Mường Thanh - Ảnh: Băng Giang |
Phóng to |
Chiếc xe tăng Chaffee 24, niềm tự hào của quân viễn chinh Pháp trong chiến tranh thế giới thứ 2 và trong cuộc chiến bảo vệ cụm cứ điểm sân bay Mường Thanh đã bị pháo của ta tiêu diệt vào ngày 23-4-1954. Sau hơn nửa thế kỷ, nó vẫn nằm đó, trên cánh đồng lúa gần sân bay Mường Thanh, là một trong những chứng tích đại bại của thực dân Pháp năm nào.
Năm tháng đã làm cho xác máy bay trở nên hoen rỉ bên cạnh một bức phù điêu bằng đá có khắc họa hình ảnh, không khí chiến đấu, đào hào chia cắt, giành giật sân bay Mường Thanh của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 24 đến 29-4-1954.
Hẳn chiếc máy bay đã trở nên quá quen thuộc với bà con nông dân trên cánh đồng này. Bởi lẽ, nó luôn nằm đó, im lặng và trầm tư, qua bao mùa vụ, lúa xanh, lúa vàng, rồi lúa lại màu xanh. Thi thoảng chắc cũng có vài người trẻ, như chúng tôi, sẵn sàng di chuyển một chặng đường dài, khá mệt dưới ánh mặt trời gay gắt, háo hức tìm đến, háo hức đi vòng quanh, nghiên cứu và chụp hình xác xe tăng.
Do vị trí nằm khá xa đường lộ, cùng với những năm tháng tuổi tác, sẽ có không nhiều những người lính Điện Biên năm xưa trở lại đây để ngắm nghía chiến tích của chính mình. Một chiến tích oai hùng nay đơn độc trên cánh đồng.
Nòng súng buông lơi, xa lắm rồi thời mưa bom bão đạn. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu người đã ngã xuống, để những chiếc máy bay của VietnamAirline cất cánh, hạ cánh trên đường băng thênh thang gió, mang theo những người con của Điện Biên và những lữ khách muốn đến với Điện Biên? Tôi không biết nữa.
Hôm nay, chúng tôi đứng đây, giữa cánh đồng lúa bát ngát và xanh màu hòa bình, mắt ngân ngấn lệ, lòng ngổn ngang giữa quá khứ và hiện tại. Chiến tranh đã xa lắm rồi!
Trên đèo Pha Đin
Dân đi vẫn truyền tai nhau về tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, trong đó có đèo Pha Đin. Trước khi quốc lộ 6 mới được hoàn thành, ai đã từng chạy xe từ Sơn La đi Điện Biên hẳn không thể quên những khúc cua tay áo lạnh người trên con đèo chênh vênh hiểm trở bậc nhất Việt Nam với một bên là núi cao và một bên là vực sâu thăm thẳm. Đường mới phẳng phiu, đã bớt ngoằn ngoèo, độ dốc đã hạ ít nhiều nhằm đảm bảo an toàn cho xe cộ lưu thông.
Nhưng, như thể bị ám ảnh, lần nào qua đường 6 mới, chúng tôi cũng phải ngược lên đỉnh đèo Pha Đin trên đường cũ, nhẩn nhơ chờ chiều xuống. Bóng chiều nghiêng nghiêng trên đỉnh đèo huyền thoại luôn mang đến cho tôi một cảm giác đơn độc nhưng yên bình giữa bốn bề núi rừng vắng lặng.
Từ trên đỉnh đèo, thả tầm mắt ngắm cao nguyên Tả Phìn trong ráng nắng, ngắm những căn nhà tranh cheo leo lưng đèo, ngắm con đường như một dải lụa trắng mắc qua mắc lại trên vách núi, những chiếc ô tô bé xíu như đồ chơi thoắt ẩn thoắt hiện rồi biến đi trong một chấm xa tít mơ hồ…
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Ngày hôm nay, nào ai có thể nhận ra, con đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đã oằn mình gánh bao nhiêu bom đạn, in dấu chân bao chiến sĩ, công binh, bao mồ hôi, máu xương đã đổ? Chỉ còn đó trên đỉnh đèo diễm lệ, một tấm bia giản dị ghi nhận ý chí và lòng dũng cảm của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công quân ta trong trận chiến 48 ngày đêm ác liệt chống quân thù.
Nắng tắt. Chiều nhạt dần trên dãy núi mờ xa. Màu tím hoa mua bừng lên, cô bạn đồng hành ngắt một bó cài lên sau xe máy. Đám trẻ chăn trâu thấy có người lạ mà không ngại, chúng hồn nhiên lộn nhào và trêu chọc lẫn nhau.
Màu chiều bình yên quá, nhẹ vương trên gương mặt bọn trẻ, trên đồi cỏ mà hai bạn tôi đang nắm tay nhau đi về phía mặt trời.
Đó là một buổi chiều Pha Đin huyền thoại nhất trong cuộc đời, bảng lảng gió, bảng lảng mây, bảng lảng câu hát gần xa …"Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, nơi đầu sông, đầu suối... "
Là khúc ca tháng 5: Điện Biên - mùa trở lại…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận