23/11/2024 12:38 GMT+7

Điện ảnh vừa là hàng hóa vừa là văn hóa, kinh doanh mạo hiểm phải có niềm tin

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lấy điện ảnh làm một trong các ngành trọng tâm là một hướng đi đúng đắn của Chính phủ và hòa nhịp chung với sự phát triển của thế giới.

Điện ảnh vừa là hàng hóa vừa là văn hóa, kinh doanh mạo hiểm phải có niềm tin - Ảnh 1.

Rafiki - phim đầu tay của Wanuri Kahiu (Kenya) được làm nhờ hỗ trợ bởi CNC - từng được ra mắt và nhận được nhiều tràng vỗ tay ở Cannes 2018

Tại hội nghị thế giới của UNESCO, Mondiacult 2022, đại diện của hơn 150 quốc gia ngồi lại với nhau cùng nhìn lại và hoạch định con đường phát triển tiếp theo của văn hóa, khẳng định phát triển bền vững trong tương lai không thể thiếu văn hóa.

Cũng tại hội nghị này, văn hóa được nhìn nhận theo một góc nhìn khác từ khái niệm kinh tế học: nó cũng được xem như một loại hàng hóa xã hội, mang giá trị công. Theo Charles Taylor thì văn hóa là loại hàng hóa xã hội "không thể giảm thiểu".

Việc được thụ hưởng những sản phẩm văn hóa nội địa chất lượng cao cũng không kém phần quan trọng như việc được sử dụng những dịch vụ xã hội công khác.

Điện ảnh vừa là hàng hóa, vừa là văn hóa

Ở góc độ văn hóa, cần được nâng niu và hỗ trợ, ở góc độ hàng hóa, điện ảnh là một ngành đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao. Do vậy phần lớn các đất nước có nền điện ảnh phát triển đều có sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước.

Công cụ được nhiều nhà nước sử dụng để thúc đẩy và kích thích sự phát triển điện ảnh quốc gia rất đa dạng, từ áp số ngày chiếu phim nội địa tối thiểu, "screen quota" (Hàn Quốc những năm 1990); đến ưu đãi thuế; hoàn thuế; miễn thuế; thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất; quỹ hỗ trợ phát hành; xây dựng chính sách hợp tác sản xuất giữa các quốc gia...

Tùy từng thời điểm mà sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau. Hà Lan vào những năm 1990 khi cần vực dậy điện ảnh nội địa gặp nhiều khó khăn, đã phải kết hợp cả hai chính sách bảo trợ của chính phủ và giảm thuế cho các nhà đầu tư vào phim ảnh.

Năm 1946, ý thức được việc phải gìn giữ và duy trì văn hóa bản địa và điện ảnh trước sự xâm thực của Hollywood, Chính phủ Pháp lập Tổ chức Cinema du Monde (CNC) với định hướng rõ ràng: hỗ trợ điện ảnh nội địa và các nhà sản xuất Pháp, thông qua nhiều hoạt động như giáo dục, đào tạo, sản xuất, phát hành, bán phim ra quốc tế, lưu trữ phim...

Đặc biệt, CNC tạo ra mô hình tài chính nhằm giúp giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà sản xuất với dòng phim chiếu rạp bằng những chính sách ràng buộc liên kết đầu tư tài chính từ các đài truyền hình, các nhà phát hành, các hãng đầu tư, các nhà sản xuất quốc tế...

Ở mức trung bình, một phim Pháp sẽ có 8% tài chính đến từ CNC, khoảng 34% tài chính đến từ các đài truyền hình. Ngoài ra, hỗ trợ dòng phim nghệ thuật ngân sách thấp cũng là tiêu chí quan trọng.

Mô hình này đã được các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản học hỏi và phát triển thành công. Hàn Quốc có chính sách ưu đãi thuế cho các đoàn phim nước ngoài đến quay với khoản ưu đãi lên đến 25-30%.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ điện ảnh nội địa, Cục Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic) xây dựng quỹ hỗ trợ sản xuất và phát hành cho nhà làm phim độc lập trong nước; quỹ hỗ trợ dành cho các nhà sản xuất thương mại bán phim ra thị trường nước ngoài;

Hỗ trợ ngân sách làm phụ đề; mở văn phòng đại diện Kofic tại các thị trường tiềm năng, làm cầu nối trung gian cho các nhà sản xuất trong nước và quốc tế thuận tiện giao dịch mua bán phim...

Thành công của điện ảnh Hàn Quốc hôm nay là kết quả của hơn 40 năm với những chính sách hỗ trợ kịp thời và đúng đắn.

Ngay thời điểm hiện tại, các nhà quản lý KOFIC vẫn đang đau đầu đối phó với việc làm thế nào để vực dậy điện ảnh nội địa khi thói quen ra rạp của người dân thay đổi sau Covid-19.

Điện ảnh vừa là hàng hóa vừa là văn hóa, kinh doanh mạo hiểm phải có niềm tin - Ảnh 3.

Ngày xưa có một chuyện tình được khen về chất lượng nhưng doanh thu đối mặt rủi ro khi đến nay mới chỉ thu được chưa đến 45 tỉ đồng

Để nhà đầu tư có niềm tin khi "kinh doanh mạo hiểm"

Cuối năm 2023, Chính phủ Campuchia công bố tiếp tục duy trì 5 năm miễn thuế lần thứ hai cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp điện ảnh trong nước. Từ một đất nước có số phim thưa thớt, Campuchia hiện có 30 phim nội địa chiếu rạp mỗi năm.

Chương trình miễn trừ thuế này bao gồm 15% thuế bản quyền khi chiếu các phim Campuchia sản xuất trong nước, miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp điện ảnh.

Động thái này là thành quả từ đề xuất của Bộ Văn hóa & Nghệ thuật cùng hiệp hội các nhà làm phim Campuchia.

Các nhà sản xuất trong nước hoan nghênh quyết định này, coi nó là động lực quan trọng thúc đẩy điện ảnh nội địa tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến quay, Campuchia còn ấn định mức thuế tạm nhập tái xuất cho thiết bị, vật dụng phục vụ quay phim là 0%.

Trong khi chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn để hiện thực hóa các chính sách ưu đãi thuế, hoàn thuế cho đoàn phim nước ngoài đến quay phim; khó khăn trong việc xây dựng được quỹ hỗ trợ điện ảnh; thì việc giữ nguyên thuế giá trị gia tăng 5% là động lực cần thiết cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp điện ảnh, để các nhà đầu tư có niềm tin vào ngành kinh tế rủi ro mạo hiểm này.

Trên thực tế thì sau Covid-19, tỉ lệ phim Việt chỉ chiếm dưới 20% tổng số phim chiếu rạp, so với mức 30% đạt được năm 2019 trước dịch.

Để đảm bảo sự phục hồi và phát triển của điện ảnh nội địa cùng những giá trị văn hóa mà nó mang theo thì duy trì một môi trường ổn định cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp là cần thiết.

Nỗ lực phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế của chúng ta cũng đã có được những thành quả nhất định thời gian qua.

Với góc nhìn văn hóa như một loại hàng hóa xã hội "không thể giảm thiểu" sẽ giúp các nhà quản lý không chỉ tạo cơ hội tiếp cận văn hóa công bằng cho mọi người dân mà còn không ngừng hỗ trợ, thúc đẩy hướng tới một môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định, kích thích điện ảnh phát triển, từ đó giúp nâng cao năng lực văn hóa cho toàn xã hội.

Hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời đúng đắn từ các nhà quản lý.

Văn hóa thì 'không thể giảm thiểu' - Ảnh 2.14 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Ngày 5-11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đối với các lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp