Nhưng điện ảnh Việt có thật là đáng báo động đến thế không?
Phóng to |
“Hội nghị Diên Hồng” là cụm từ vui được dành cho hội thảo điện ảnh ở Đồng Mô (Hà Nội) vừa diễn ra ngày 25-9, có lẽ bởi đến với hội thảo, góp nhiều ý kiến... là của đa số “bô lão” điện ảnh. Trong số họ có những người về hưu đã lâu, có người vẫn đang lao động nhưng tất thảy đều mang “niềm đau” về một cái chết đang được báo trước của điện ảnh Việt.
Nếu nhìn bằng con mắt “bao cấp”
... Thì đúng là điện ảnh Việt có vô số phim đắp chiếu nằm kho, hoặc chiếu dăm ba buổi nhân lễ tết rồi bỏ đó. Không hẳn trong số đó đã là phim dở, bằng chứng là phim đã đoạt giải ở liên hoan phim hoặc giải Cánh diều, đạo diễn chẳng vô danh, diễn viên ngôi sao cũng có, nhưng phim làm xong vẫn đắp chiếu nằm kho dài dài... Bài toán tư nhân - nhà nước trong cuộc chơi phim ảnh vẫn cứ là bài toán chưa có đáp số dù thế mạnh yếu thì ai cũng nhìn thấy qua hiện thực sản xuất phim ở Việt Nam mấy năm gần đây. Các hãng phim nhà nước hay mơ về thời hoàng kim của điện ảnh bán vé cháy rạp khi Gái nhảy - một bộ phim được làm bằng kinh phí quốc gia - tiền thuế của dân - đã gần như là cú hích “vĩ đại” đưa khán giả quay lại rạp chiếu, xem phim Việt Nam.
Nhưng đó là thời mà các hãng phim tư nhân và các nhà làm phim Việt kiều chưa “đổ bộ” vào lĩnh vực hấp dẫn này. Còn bây giờ, có khoảng hơn chục hãng phim tư nhân đang sản xuất phim và có lẽ sẽ còn ra đời tiếp nhiều hãng phim tư nhân khác. Phải nói thẳng ra rằng mục đích làm phim sẽ quyết định việc phim đó có bán được (phát hành được) hay không. Tại sao phim Nhà nước đầu tư thường không ra rạp được? Bởi ngay từ đầu, việc đầu tư tiền cho phim ra đời đã không quan tâm đến việc phim sẽ đến với công chúng như thế nào.
Sản xuất bộ phim là một quy trình tính toán chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, không thể tư duy theo kiểu ai làm phim cứ làm, còn chiếu là việc của người khác. Phim Nhà nước đầu tư thường là năm nay có chừng đó tiền đầu tư, chia đầu phim trên các kịch bản đã được duyệt để các hãng nhận về. Quan trọng nhất là phim phải xong đúng kế hoạch, đúng dịp kỷ niệm nào đó liên quan thì đem phim đi chiếu miễn phí, thế là xong nhiệm vụ. Quy trình đó đẻ ra quy trình lựa chọn đề tài, lựa chọn phim sao cho hợp với mục đích và bỏ qua khâu quan trọng nhất là phim sẽ ra rạp như thế nào.
Đó là lối nghĩ rất phi thị trường trong khi việc phân phối sản phẩm dường như không được coi là trách nhiệm của người cấp vốn cũng như anh sản xuất. Người ta hay đổ lỗi phim nhà nước phải phục vụ mục đích chính trị, nhưng lại quên rằng ngay cả để phục vụ mục đích đó thì cũng cần làm một phim theo tư duy thị trường lành mạnh, nghĩa là quan tâm đến yêu cầu của người xem.
Món hời của... tư nhân
Việc sản xuất phim nhà nước càng ngày càng trầm kha vì đang đối mặt với một lực cạnh tranh mạnh vận hành theo đúng quy luật cung cầu của thị trường. Đó là tư nhân. Điện ảnh Việt đương đại cho thấy đang là thời của phim tư nhân khi họ thống trị các rạp chiếu lâu nay (không chỉ mùa vàng phim tết) như một minh chứng cụ thể. Với tư nhân, đồng tiền đi liền khúc ruột. Các hãng phim tư nhân vận hành theo thị trường, điện ảnh đối với họ là một công việc kinh doanh hấp dẫn mà khó nhọc.
Để dám nhảy vào một thị trường phim còn mới mẻ đến mức tỉ lệ hệ thống rạp chiếu và số ghế trên đầu dân số cũng rất hạn chế như Việt Nam, họ luôn phải tính. Thường thì khi bắt đầu làm việc với êkip sản xuất phim, nhà sản xuất phải tính luôn thời điểm ra rạp. Ngoài việc lựa chọn đề tài, thời gian còn là việc tính xem các “đối thủ” khác sẽ làm gì, mùa phim bom tấn từ nước ngoài đã ập đến hay chưa... để bộ phim của họ được lợi thế nhất trong khả năng có thể, khi phát hành.
Dù còn nhiều chuyện hay dở đáng bàn, nhiều lộn xộn cần được mổ xẻ nhưng quả thật điện ảnh Việt chưa chết! Cứ thử nhìn vào khoảng năm năm nay thôi, phim Việt vẫn nhặt khoan ra rạp. Doanh thu phim Việt ngày càng tưng bừng, lấn lướt cả phim bom tấn của Mỹ. Avatar đắc thắng doanh thu trên 1 triệu USD thì Cô dâu đại chiến, Để Mai tính hay Long ruồi còn “khủng” hơn. Ở sân chơi bên ngoài, Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi, Bi! Đừng sợ, Cánh đồng bất tận... đều là những phim được đánh giá là phim nghệ thuật nghiêm túc, mang ra nước ngoài chiếu không phải ngượng với danh xưng phim Việt.
Gần đây nhất là phim Hotboy nổi loạnvà câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt của Vũ Ngọc Đãng cũng đã được Liên hoan phim Toronto mời công chiếu, Fortissimo mua bản quyền chiếu nước ngoài. Các đạo diễn Việt kiều từng có tên ở Hollywood cũng tấp nập trở về Việt Nam với các dự án phim. Vậy thì điện ảnh Việt cớ gì lại đang chết?
Kỳ sau: Nửa sống và nửa chết... nghiêm trọng(Vì sao đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói như vậy về điện ảnh Việt?)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận