Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc và Chị chị em em, những dự án phim lớn trong năm 2019 - Ảnh: STUDIO68/GALAXY/CGV
Trong năm 2019, điện ảnh Việt có 44 phim ra rạp. Con số này không tăng giảm đột biến so với mặt bằng chung nhiều năm nay: năm 2018 có 43 phim, năm 2017 có 36 phim, năm 2016 có 43 phim.
Trước đó, phim Việt từng có năm lên đến 50, 60 phim và đa phần là phim dở, phim nhạt, thậm chí thảm họa.
Diễn biến thị trường hiện nay cho thấy, sau quá nhiều "cái chết" của những bộ phim dở, các nhà sản xuất đã biết chọn lọc và đưa ra thị trường những sản phẩm có đầu tư hơn.
Phim 200 tỉ, phim "bom tấn"
Xét về doanh thu, độ quan tâm của khán giả và đánh giá của Tuổi Trẻ Online về chất lượng phim, có thể thấy, 2019 là một năm phát triển của điện ảnh Việt khi có dấu hiệu gia tăng số lượng phim tốt, khá, doanh thu ổn.
Theo các tiêu chí đó, những phim đáng ghi nhận của điện ảnh Việt 2019 về doanh thu và chất lượng là (xếp theo thứ tự thời gian): Chị trợ lý của anh, Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Vu quy đại náo, Chị Mười Ba, Lật mặt: Nhà có khách, Thưa mẹ con đi, Anh thầy ngôi sao, Thất sơn tâm linh, Pháp sư mù, Bắc Kim Thang, Hoa hậu giang hồ, Anh trai yêu quái, Mắt biếc, Chị chị em em.
Cua lại vợ bầu thành công cả về doanh thu lẫn giải thưởng - Ảnh: GALAXY
Trong đó, phần lớn là những phim cân bằng được yếu tố chất lượng và doanh thu. Đặc biệt, Hai Phượng và Cua lại vợ bầu, 2 bộ phim được nhà phát hành công bố doanh thu trên dưới 200 tỉ đồng, vừa cùng nhau giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019.
Còn lại là những phim chất lượng tốt nhưng doanh thu chưa tương xứng: Thưa mẹ con đi, Anh thầy ngôi sao, Anh trai yêu quái. Và trái lại, có một số phim doanh thu cao nhưng không được đánh giá cao về nội dung dù chưa đến nỗi dở tệ: Chị Mười Ba, Lật mặt: Nhà có khách, Pháp sư mù.
Hai Phượng vừa có doanh thu trên 200 tỉ, vừa có chất lượng ổn và được chọn đại diện Việt Nam dự Oscar - Ảnh: STUDIO68
Bên cạnh đó, việc phim Việt kiếm tiền quá "hẻo" vào mùa hè và dịp 2-9 năm nay cũng là điều khiến giới sản xuất cũng như phát hành đau đầu. Thị hiếu khán giả vẫn là điều khó nắm bắt khi các phim mang yếu tố ăn khách (hài, tình cảm gia đình, không khí tươi sáng, diễn xuất ổn) lại không thắng lớn như dự báo.
Mắt biếc và Chị chị em em, 2 phim cuối danh sách, chưa có tổng kết về doanh thu (do đều ra rạp vào 20-12) nhưng có vẻ như sẽ cầm chắc doanh thu từ khá đến tốt vì quá trình truyền thông thu hút được sự chú ý lớn.
Mắt biếc và Chị chị em em có xứng đáng với khái niệm phim bom tấn? - Ảnh: GALAXY/CGV
Điều đáng lưu ý là cả Mắt biếc và Chị chị em em đều quảng bá là những "bom tấn" của phim Việt cuối năm, dựa trên kinh phí sản xuất hàng chục tỉ đồng.
Nhưng khái niệm "bom tấn" trong điện ảnh Việt hiện nay vẫn gây bàn cãi. Chẳng hạn, kinh phí trên bao nhiêu tỉ thì được coi là "bom tấn"? Liệu chữ "bom tấn" chỉ nằm ở kinh phí hay nội dung và mức độ nổi tiếng cũng phải tương xứng?
Chủ đề này vẫn cần tranh luận thêm, tuy nhiên, điều đáng mừng là ngày càng có những phim Việt được đầu tư lớn với tham vọng chinh phục khán giả rộng rãi hơn.
Đạo diễn Victor Vũ đưa “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng
Cầm chắc doanh thu thấp, phim tệ giảm số lượng?
Điểm tích cực là số phim dở tệ, thảm họa dù vẫn còn nhưng không nhiều đến mức "không đếm xuể" như các năm trước.
Theo đánh giá của Tuổi Trẻ Online, các phim có thể coi là dở tệ năm nay là: Trạng Quỳnh, Táo Quậy, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Cậu chủ ma cà rồng, Cà Chớn anh đừng đi, Tìm chồng cho mẹ, Người lạ ơi, Thiên sứ không phép màu, Ngốc ơi tuổi 17, Oppa phiền quá nha...
Như vậy, con số này đã giảm so với các năm trước (thường trên dưới 20 phim dở).
Trạng Quỳnh nằm trong số phim dở của năm, nhưng khác biệt là có doanh thu rất lớn - Ảnh: CGV
Trong số đó, có những phim đáng gọi là "thảm họa" như Táo Quậy, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Tìm chồng cho mẹ, Người lạ ơi, Thiên sứ không phép màu vì nội dung ngô nghê, diễn xuất gượng gạo hoặc lố. Đặc biệt, có phim mắc những lỗi cơ bản về sản xuất như lồng tiếng không khớp, dựng phim quá nghiệp dư...
Các phim Ước hẹn mùa thu, Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Tháng 5 để dành... cũng thuộc nhóm chất lượng trung bình, cốt truyện cũ hoặc diễn xuất nhạt nhòa.
Nếu phim tốt chưa chắc đã thu lời cao, thì các phim tệ gần như cầm chắc thất bại, chỉ thu từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng. Thị trường tỏ ra khá công bằng trong trường hợp phim tệ, vì khán giả nhanh chóng quay lưng và rạp cũng không thể xếp thêm suất khi phim không có sức hút.
Chỉ riêng Trạng Quỳnh gây khó hiểu vì chất lượng không xứng với doanh thu (được công bố là trên 100 tỉ đồng), còn nhiều phim khác thất bại xứng đáng vì chất lượng thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận