25/04/2012 09:32 GMT+7

Điểm tựa Xuân Lộc

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - 37 năm hòa bình, 37 năm về với đời thường, nhắc về những ngày lịch sử ấy, họ cứ mãi nắm lấy tay nhau, thật chặt.

UwRQm8PD.jpgPhóng to

Ông Lê Tám (trái) và ông Năm Bửu cùng nhớ về “những ngày Xuân Lộc” - Ảnh: TỰ TRUNG

Trưa tháng tư nắng gắt, ông Năm Bửu (Hồ Quang Bửu, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đội nón vải chạy qua mấy con đường đất sang thăm nhà hàng xóm. Bị tai biến đã bốn năm, nằm trên võng nhưng ông Lê Tám vẫn vui mừng nhổm dậy khi thấy ông bạn già. Trò chuyện tiếng được tiếng mất nhưng câu chuyện vẫn rôm rả, từ đề tài sức khỏe sang con cái, đến mấy ông bạn già, rồi sang ký ức... Ký ức những ngày còn chiến tranh. Hai ông tiếp nhau chắp nối câu chuyện về lần đầu tiên họ gặp nhau ấy, cuộc gặp gỡ trong hoàn cảnh thật kỳ lạ.

Bức hàng đồn Bảo Chánh

Ngày ấy, xã Xuân Thọ mang tên Bảo Chánh, có vị trí quan trọng cho cả hai phía của cuộc chiến tranh. Phía quân giải phóng coi Bảo Chánh là hành lang bảo vệ căn cứ huyện ủy đang đóng tại Gia Lào, và những thửa ruộng mênh mông hàng trăm hecta chính là nơi cung cấp lương thực và nhân lực cho cách mạng. Về phía chính quyền Sài Gòn thì Bảo Chánh là tiền đồn bảo vệ thị xã Long Khánh, quốc lộ 1, tuyến đường sắt.

Bức hàng đồn, giải phóng Bảo Chánh là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của đảng bộ, quân dân xã Bảo Chánh, huyện Xuân Lộc. Bảo Chánh đã được xây dựng thành xã chiến đấu, tạo thế và lực mới, tâm lý phấn khởi, chiến thắng để quân dân Xuân Lộc tự tin phối hợp với quân chủ lực trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau Bảo Chánh, đến lượt các đồn Bảo Vĩnh A, B, ấp Suối Chồn, Bình Lộc, Bình Hòa cũng kết hợp tiến công với vận động, gọi hàng, bức hàng... Đến ngày 2-4-1975, trên địa bàn Xuân Lộc, hầu hết các xã dọc lộ 1 và 3 đã được giải phóng với trên 100.000 dân.

(trích Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Lộc)

Đồn bót ở đây được xây dựng kiên cố, thường xuyên tập trung cả đại đội bảo an, dân vệ, bộ máy hành chính được phân bổ hoàn thiện từ đồn trưởng, đồn phó đến trưởng phó ấp, an ninh xã, phòng vệ xung kích, phòng vệ dân sự... Để chuẩn bị chiến dịch mùa khô 1975, Huyện ủy Xuân Lộc chủ trương phải nắm được Bảo Chánh để làm điểm tựa cho chiến trường Xuân Lộc, chuẩn bị bản lề để mở cánh cửa thép vào Sài Gòn. Ngày ấy, ông Năm Bửu là bí thư chi bộ xã Bảo Chánh, ngày ngày lặn lội khắp các cánh rừng trên núi Chứa Chan, núi Đất, suối Kết, suối Gia Lào chỉ đạo du kích. Còn ông Lê Tám là trưởng ấp, làm việc trực tiếp với đội bảo an trong đồn Bảo Chánh. Họ đứng ở hai phía của họng súng.

Năm bệ bắn pháo cối, súng tầm xa, 105 li, 155 li đã được chuẩn bị xung quanh, chĩa thẳng vào đồn. Các đường tiếp viện từ Long Khánh, quốc lộ 1 đã được bố trí chốt chặn. Bộ phận binh vận, công tác chính trị đã khởi động tuyên truyền đến đồng bào, thân nhân binh sĩ. Ba phương án được đưa lên bàn chỉ huy và phương án thứ ba: bao vây, bức hàng đã được chọn vì hứa hẹn ít thương vong nhất dù ước lượng sẽ mất nhiều thời gian. Ông Năm Bửu được cử làm chỉ huy phó trận này.

19g30 ngày 9-12-1974, các toán du kích bí mật xé rào kẽm gai đột nhập ấp. 22g, vòng vây đã được khép kín. 2g sáng 10-12-1974, tiếng loa gọi hàng vang vọng đêm thâu. Xóm làng xôn xao thức giấc lắng nghe những thông báo về bước tiến của quân giải phóng, tình hình biến chuyển của chiến trường miền Nam, phân tích chính sách dân tộc - giai cấp, chính sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời... Tiếng loa tha thiết kêu gọi binh lính bỏ súng về với gia đình, đừng gọi pháo bắn giết hại đồng bào, phá hoại xóm làng. Từng loạt M.79 từ trong đồn bắn về phía tiếng loa vọng ra nhưng những lời kêu gọi vẫn kiên nhẫn lặp đi lặp lại.

Rạng sáng, thêm một chiến thuật nữa được tung ra: lời gọi hàng được viết sẵn, quay roneo thành truyền đơn, ông Năm Bửu tập hợp vợ con các binh sĩ trong ấp lại, phát lời gọi hàng bảo họ mang vào đồn đưa cho chồng để tránh một trận chiến đổ máu vô ích.

Hôm nay, ông Lê Tám vẫn nhớ cái ngày căng thẳng ấy: “Bên ngoài loa gọi đầu hàng, trong đồn tụi tui xuống hầm hết, vừa lắng nghe vừa bàn tán. Bị bao vây rồi, chỉ có nước chờ viện binh tới, nhưng viện binh thì xa mà pháo Việt Cộng thì gần. Trong thâm tâm tui chỉ muốn ra. Bên ngoài còn vợ, còn con, còn mẹ già, lời mấy ổng kêu gọi bỏ súng xuống, lập lại hòa bình, yên ổn làm ăn chính là ý muốn, ước mơ của tui chớ gì nữa. Nhưng tên đồn trưởng thì chưa chịu. Suốt một đêm, một ngày hôm đó dưới hầm ngột ngạt, lo lắng tưởng sắp nổ tung ra”.

Rõ ràng chỉ tuyên truyền thì chưa đủ sức mạnh. Những trái pháo bắt đầu được bắn vào. Sập hai lô cốt, một người lính thiệt mạng. Hầm trú ẩn rúng động vì sợ hãi. 19g30, trưởng ấp Lê Tám cùng đồn trưởng Thổ Sổ lên xin thương lượng. Ông Năm Bửu tiếp. Lê Tám đề nghị giao một nửa xã. Đồn trưởng Sổ đề nghị “nhường ban đêm cho quân cách mạng”. Ông Năm Bửu khẳng định chắc nịch: “Lần này chúng tôi giải phóng xã Bảo Chánh, không phải tìm đường vào lấy gạo. Đồng ý ra hàng thì ra ngay, không thì quay trở vào đồn, biện pháp mạnh hơn sẽ được triển khai”. Thêm vài tiếng đồng hồ căng thẳng trôi qua, trưởng ấp và đồn trưởng tranh cãi với nhau dữ dội. Cuối cùng, 22g ngày 10-12-1974, Lê Tám dẫn đầu đám hàng binh buông vũ khí lên khỏi hầm. Đồn Bảo Chánh đã về tay quân giải phóng. Không tiếng súng.

Dĩ nhiên những ngày sau đó bom pháo dồn dập đổ xuống nhưng Bảo Chánh đã đứng vững, làm thành một lõm giải phóng giữa Xuân Lộc đến tận ngày 21-4-1975, ngày Xuân Lộc phất phới lá cờ nửa đỏ nửa xanh.

Ân tình trọn vẹn

Ông Năm Quang (Võ Minh Quang, nguyên bí thư Huyện ủy Xuân Lộc những ngày ấy) hồ hởi kể: “Cả khu Đông Nam bộ chỉ mình Bảo Chánh ứng dụng được phương pháp bức hàng, êm thấm, không đổ máu. Những ngày sau đó là những ngày nhộn nhịp...”. Tất cả lực lượng được huy động đi gặt lúa mùa trên những cánh đồng Bảo Chánh đã đến kỳ thu hoạch. Biết trước sắp bị phản kích dữ dội, xã sắp xếp để bà con chở tôn, ván vào rừng, bộ đội chặt cây làm kho chứa lúa. Hơn 10.000 giạ lúa thu hoạch mùa ấy đã được sử dụng cho bà con khắp nơi chạy loạn về, cho quân chủ lực suốt chiến dịch mùa khô, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Đến tận hôm nay, ông Năm Quang vẫn đọc vanh vách tên từng người: “Bà Hai Ỉ mang xe vào rừng chặt cây chở ra, cưa thành ván mang vô trở lại. Ông Hai Ân lấy xe Dodge chở lúa. Tư Bốn lái máy cày đưa tôn. Bà Tư Trọc lận thư trong lai áo đi giao liên khắp các cánh quân...”.

Rất nhiều người hồi ấy nay đã không còn nữa, gần 40 năm đã qua nhưng Xuân Lộc vẫn còn rất nhiều người dân giữ trọn vẹn ân tình với những người lính Cụ Hồ từ ngày ấy đến tận bây giờ. Như bà Nguyễn Thị Nga (xã Suối Cát 1), con gái út của bà Tư Trọc, được “má dẫn vào rừng giao cho mấy chị ở trạm quân y từ năm 12 tuổi, chưa kịp học nghề thì bị miểng pháo tiện mất một bàn chân. Nằm mấy tháng, đến khi chống tó đi được thì tui học y tá rồi làm trong ngành tới lúc về hưu”. Như bà Lê Thị Nghiêu (ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa) đã theo cách mạng từ năm 18 tuổi, làm đủ mọi việc: tiếp tế, giao tài liệu, cho mượn nhà, binh vận... Những ngày tháng 4-1975, bà được giao nhiệm vụ dò la tình hình, dẫn đường cho bộ đội đánh đồn. “Hồi ấy ác liệt quá, dân chạy hết nên mình giả đi chợ như mọi lần cũng khó. Khó nhưng vẫn phải cố...” - bà cười hiền trên giường bệnh hôm nay. Hỏi bà có sợ không, bà lại cười: “Làm cách mạng thì còn sợ gì nữa, nhưng lúc đó có sợ. Sợ bom đạn dữ quá bộ đội chết hết không còn ai để vô Sài Gòn. Cũng sợ mình chết nữa thì biết lấy ai dẫn đường cho bộ đội”. Như chị Ba Thanh, ông Hai Đáo kể: “Làm rẫy, lúa bắp mang về đủ ăn trong nhà thôi, còn lại cứ để đó, mấy “ổng” tới mang về cho anh em”...

Hội thảo về chiến dịch Xuân Lộc

ZARL6Ds6.jpgPhóng to
Đại tướng Lê Đức Anh (thứ hai từ trái sang) tại hội thảo về chiến dịch Xuân Lộc sáng 24-4 - Ảnh: Tự Trung

Sáng 24-4, tại hội trường Tỉnh đội Đồng Nai, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Mặt trận hướng đông, từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Hơn 100 tham luận của các tướng lĩnh như đại tướng Lê Đức Anh, thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Thành Cung và hàng chục nhân chứng trực tiếp như trung tướng Lê Nam Phong, Nguyễn Thới Bưng đã đến tham gia phát biểu tại hội thảo.

Chiến dịch Xuân Lộc kéo dài 13 ngày (từ 9 đến 21-4-1975), hàng ngàn chiến sĩ, cán bộ, nhân dân đã ngã xuống, không khỏi có những sai lầm, hoang mang, dao động. Các ý kiến tại hội thảo đã nhìn thẳng vào thực tế lịch sử này, đưa ra cái nhìn từ các khía cạnh đến toàn diện chiến dịch, tập trung phân tích sự uyển chuyển trong nghệ thuật chuyển hóa thế trận và thay đổi cách đánh: từ trực tiếp “khẩn trương, táo bạo, đánh nhanh, thắng nhanh” sang gián tiếp, chuyển lực lượng đánh vào các đơn vị phản kích, khống chế sân bay Biên Hòa, chia cắt các đơn vị của chính quyền Sài Gòn.

Chiến thắng Xuân Lộc đã quyết định vai trò trọng yếu của mặt trận hướng đông, mở toang “cánh cửa thép vào Sài Gòn”, quyết định thế “nước lũ” của chiến dịch Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng nhấn mạnh kinh nghiệm sử dụng sức mạnh chính trị, phát huy nguồn lực tại chỗ của quân và dân Xuân Lộc để đi đến thắng lợi quyết định.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp