22/07/2018 10:09 GMT+7

Điểm tựa đứng lên: Chuyện Tí Nị vào đại học quốc tế

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Vào học lớp tình thương lúc đã 9 tuổi, cấp II, cấp III chỉ học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, Tí Nị - cô bé mồ côi sống với bà ngoại ở "nhà nổi" ven rạch - giờ đã là sinh viên năm cuối ĐH quốc tế RMIT (TP.HCM).

Điểm tựa đứng lên: Chuyện Tí Nị vào đại học quốc tế - Ảnh 1.

Tí Nị (trái) thi đấu ở câu lạc bộ thể thao của trường - Ảnh: NVCC

Bao nhiêu năm qua, số điện thoại của Tị Nị, tên ở nhà của Nguyễn Hoàng Yến, sinh viên ĐH quốc tế , luôn được cô Nguyễn Thị Minh Phương lưu trong máy là "con gái Tí Nị".

Cô Phương là quản lý nhóm Nụ Cười - một tổ chức hỗ trợ các gia đình và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cũng là người đã đồng hành với Tí Nị suốt 14 năm qua.

Lớn lên trong cơ cực

Hồi nhỏ. Tí Nị vốn không biết cha mình là ai, chỉ sống với mẹ và bà ngoại. "Mẹ Tí Nị bệnh nặng, một mình nuôi con, nuôi mẹ già nên nhóm Nụ Cười tìm đến để hỗ trợ. Ở tuổi mà bạn bè bắt đầu đến lớp, Tí Nị đã phải bươn chải bán bánh tiêu phụ mẹ, mãi đến năm lên 9 tuổi cô bé mới đi học ở một lớp học tình thương. Rồi Tí Nị lại mất mẹ, chỉ còn bà ngoại già yếu là người thân duy nhất" - cô Phương kể.

Sau khi mẹ mất, Tí Nị vẫn phải làm đủ thứ việc, từ phụ quán, osin, vừa học vừa làm nuôi hai bà cháu. Khoản đỡ đần là món tiền nhỏ hằng tháng của nhóm Nụ Cười trợ cấp.

"Cô còn dẫn em tới nhóm Nụ Cười tham gia các hoạt động nhóm, học vẽ, vui chơi với các anh chị và các bạn khác cùng cảnh ngộ, dắt đi xem phim, đi dã ngoại..." - Tí Nị kể.

"Tí Nị chịu nhiều thiệt thòi lắm. Lúc mẹ em mất, tôi cũng bàn với bà đưa Tí Nị vào nhà mở để em được đi học đàng hoàng. Nhưng vào được mấy bữa thì em lại lo bà ngoại ở ngoài không ai chăm sóc. Tôi lại đưa em ra ngoài, để em tiếp tục học ở lớp tình thương" - chị Phương nhớ lại.

Suốt mấy năm cấp I ở lớp tình thương, Tí Nị chỉ học hai môn toán và tiếng Việt. Từ lớp 6-12 cô bé học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7 với vỏn vẹn sáu môn học.

Học hành đã thiệt thòi như vậy, đến năm em vào lớp 11 thì bà ngoại Tí Nị lâm bệnh nặng, phải nhập viện hai tháng liền. Hai tháng đó, em ở bệnh viện 24/24h để chăm bà, tưởng đâu đã không còn có thể tiếp tục đi học được nữa.

Rồi bà ngoại cũng không qua khỏi. Khoản tiền đền bù từ căn chung cư cũ bị giải tỏa chỉ đủ lo viện phí, tang lễ. Sau khi ngoại mất, cô bé về ở với Phương một thời gian.

Những buổi họp phụ huynh ở trường, cô Phương chính là phụ huynh của Tí Nị. Cô bảo Tí Nị không được may mắn học ở những ngôi trường bình thường như bao đứa trẻ khác, hết lớp tình thương lại chuyển sang học bổ túc, lại phải vừa học vừa làm. Nhưng dù khó khăn, em vẫn kiên trì đeo bám.

Mối thân tình với cô Phương là điều quý giá trong cuộc đời em, là điểm tựa tinh thần của em

TÍ NỊ

Tốt nghiệp cấp III, Tí Nị được một cô giáo ở lớp tình thương giới thiệu nộp hồ sơ để xét "học bổng cơ hội" của Trường ĐH quốc tế dành cho các bạn trẻ khó khăn. Và câu chuyện của Tí Nị đã thuyết phục được hội đồng xét duyệt học bổng. Họ đồng ý trao cho cô bé mồ côi một cơ hội vào học ngành thiết kế đồ họa.

Nghị lực mang tên Tí Nị

Tí Nị trở thành sinh viên. Nhưng một đứa trẻ chỉ học lớp tình thương, không được dạy môn tiếng Anh suốt thời phổ thông tưởng chừng không thể nắm được cơ hội thay đổi cuộc đời ấy. Tí Nị kể suốt bảy tháng đầu vào trường, em hầu như "bơi đứng" với tiếng Anh.

Các thầy cô ở nhóm Nụ Cười cũng cố gắng "nhồi" Tí Nị học nhiều hơn khi đến sinh hoạt. "Nhiều lúc nản lắm nhưng tôi biết mình chỉ có cách cố gắng tiến tới, cố gắng xem phim thật nhiều để luyện nghe nói, học ngữ pháp. Nếu các bạn cùng học ở mức điểm 8-9 thì tôi xuất phát từ điểm 5 nhờ được học một chút tiếng Anh ở lớp tình thương" - Tí Nị kể.

Suốt thời gian đó, cô bé vẫn đều đặn sáng đi học tới 12h trưa, chiều đi giúp việc nhà cho người nước ngoài ở khu Phú Mỹ Hưng, làm thêm nhiều công việc khác từ phục vụ tiệc cưới, cắt hoa... để có tiền.

Vậy mà gần một năm sau đó, Tí Nị cố gắng "leo được đến level 7 tiếng Anh" để đủ điều kiện bước vào học kỳ chính thức đầu tiên của một sinh viên ngành thiết kế đồ họa ở RMIT.

Giờ thì Tí Nị là sinh viên năm cuối, đã gần hoàn thành bốn năm học ở RMIT, tháng 9 này sẽ ra trường. Lúc này Tí Nị bận rộn với công việc thiết kế đồ họa cho phòng lab của đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam.

"Lúc đầu mình chỉ làm tình nguyện viên, hỗ trợ các hoạt động truyền thông cộng đồng tại phòng lab. Đầu năm nay bắt đầu làm bán thời gian, được trả lương" - Tí Nị kể.

Cô bé bảo mình chọn hướng social design - thiết kế mang tính chất cộng đồng cũng vì tình cảm mà các thầy cô ở nhóm Nụ Cười đã mang lại cho cô suốt thời thơ ấu.

"Tôi thấy mình may mắn vì gặp được nhiều người tốt trong đời. Mối thân tình với cô Phương là điều quý giá trong cuộc đời, là điểm tựa tinh thần. Nhờ các anh chị, các thầy cô mà mình không cảm thấy mình bất hạnh" - Tí Nị nói.

Điểm tựa đứng lên: Chuyện Tí Nị vào đại học quốc tế - Ảnh 3.

Tí Nị (trái) và cô Minh Phương trong một chuyến dã ngoại cùng nhóm Nụ Cười - Ảnh: NVCC

Luôn có một nơi để về

Với cô Phương, Tí Nị như đứa con gái trong nhà. Bốn năm học ở RMIT, Tí Nị cũng được trường cấp một chỗ ở trong ký túc xá. Nhưng ngày tốt nghiệp đã gần tới, cũng là lúc Tí Nị cần tìm cho mình một chỗ ở. Cô Phương bảo Tí Nị chuyển về ở với cô.

"Tôi muốn để Tí Nị thoải mái, muốn ở đâu cũng được, thuê trọ hay về ở nhà tôi như trước đây. Nhưng dù con bé có chọn lựa như thế nào tôi cũng muốn cháu biết một điều là nó luôn có một nơi để về" - chị Phương nói. Chị cũng động viên Tí Nị tiếp tục học lên thạc sĩ để có thêm nhiều cơ hội lớn hơn trong cuộc đời.

Điểm tựa đứng lên: Cậu bé đánh giày và anh hướng dẫn viên du lịch

TTO - Đang ngồi đánh giày trước cửa một khách sạn, một người lạ tới bắt chuyện với Nam, cậu bé sống trên đường phố, hỏi cậu về mơ ước. "Em muốn được đi học" - cậu trả lời.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp