Lớp học “2 trong 1” tại điểm trường thôn 9, xã Ia Tơi - Ảnh: B.D. |
Đây là điểm trường đặc biệt nằm nơi ốc đảo, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Để có thể đến được nơi này không có cách nào khác ngoài đi xuồng máy ngược theo lòng hồ thủy điện sông Sê San hoặc đi đường rừng cả ngày trời.
Buổi chiều một buổi học bình thường, điểm trường nằm trên triền dốc gió thổi lồng lộng. Tiếng trẻ con đọc bài theo lời giảng của cô giáo lọt qua những vách gỗ rồi vọng xuống không gian.
Điểm trường ấy chỉ vẻn vẹn năm phòng học, trong đó có hai phòng được tận dụng làm chỗ ăn nghỉ nội trú cho các thầy cô giáo, ba phòng học còn lại làm nơi học chữ cho học trò vùng ốc đảo, chủ yếu là con đồng bào dân tộc thiểu số.
Tất cả phòng học được người dân dựng lên tạm bợ, thưng bằng những tấm gỗ, mái lợp tôn, mặt nền đầy bụi đất. Những ngày lộng gió, thỉnh thoảng học sinh và cả thầy cô phải dùng sách vở che mặt để tránh bụi đất bay.
Cô giáo Hà Thị Ngọc - một trong ba thầy cô giáo đang bám lớp tại điểm trường thôn 9 - cho biết điểm trường có tổng cộng 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Vì số lượng học sinh quá ít, địa bàn tách biệt hoàn toàn với bên ngoài nên ba thầy cô được giao phụ trách dạy chữ cho toàn bộ số học sinh này.
Để đảm đương hết, các thầy cô phải tổ chức học ghép cho học sinh. Mỗi giờ học được chia làm hai nửa: nửa dành cho lớp 1, nửa kia của lớp 2; ở phòng học khác cũng được chia tương tự như thế theo các lớp, học sinh được bố trí ngồi đấu lưng nhau để học chữ.
Mỗi thầy cô có hai chiếc bảng đối diện, vừa dạy học sinh lớp này vừa phải tranh thủ chạy về phía đối diện để giảng cho lớp khác.
Thầy Lê Văn Peng - giáo viên tại điểm trường này - chia sẻ thêm: “Hầu hết học sinh ở điểm trường thôn 9 là con em đồng bào dân tộc, cơm không đủ ăn nên các em phải đến trường trong điều kiện tối thiểu. Thương học trò, các thầy cô phải chịu nhiều thiệt thòi, sống nơi không điện, không nước, không đường sá, tự túc mọi thứ để bám trụ dạy chữ cho học trò”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận