Thí sinh TP.HCM vui vẻ sau khi kết thúc một môn thi tốt nghiệp năm nay vì đề thi nhẹ nhàng - Ảnh: TỰ TRUNG
Điểm thi năm nay rất cao, do vậy điểm chuẩn những trường tốp đầu dự kiến sẽ rất cao. Thí sinh không nên ngộ nhận, cần có chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng thông minh để có thể đậu vào ngành yêu thích.
PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, hôm nay (27-8), các sở GD-ĐT trên cả nước đồng loạt công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Đề nhẹ, điểm tăng
Ông Đỗ Văn Phu - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi - cho biết mặt bằng điểm thi hầu hết các môn của tỉnh đều tăng so với năm trước. Điều này dẫn đến điểm bình quân của thí sinh tăng lên. Riêng môn toán, tỉ lệ điểm giỏi lại giảm so với năm 2019. Trong khi đó điểm giỏi các môn còn lại đều tăng. Dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh là 95,7%.
Điểm thi cao cũng là nhận định từ nhiều sở GD-ĐT các tỉnh khác. Bà Huỳnh Lệ Giang - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai - cho biết mặt bằng điểm thi của tỉnh nhìn chung tăng so với năm trước. Tuy nhiên, bà Giang cũng cho hay chưa có thông tin phổ điểm của từng môn thi. "Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp, sở mới thực hiện việc thống kê điểm của thí sinh" - bà Giang nói.
Theo ông Trần Tuấn Khanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, đề thi năm nay có phần nhẹ nhàng hơn nên tỉ lệ điểm trên trung bình các môn thi của An Giang cao hơn năm 2019. Môn văn điểm 8, 9 cũng không phải hiếm. Hôm nay, sau khi công bố điểm thi, sở sẽ có thống kê điểm thi từng môn của thí sinh.
Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT Bình Định cho biết đã hoàn tất dữ liệu điểm thi, thống kê điểm từng môn. Tuy nhiên, hôm nay, khi Bộ GD-ĐT cho phép công bố điểm, sở mới công bố chính thức.
Trong khi đó, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã thực hiện khảo sát với những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vào trường.
Kết quả, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường, điểm thi của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường tăng so với năm trước. Đây chính là lý do trường đưa ra dự kiến điểm sàn xét tuyển vào trường dao động từ 20-26 điểm.
"Điểm sàn xét tuyển vào trường năm nay dự kiến tăng 2 điểm so với năm trước do mặt bằng điểm của thí sinh tăng lên. Điểm chuẩn vào các trường ĐH dự kiến cũng sẽ tăng" - ông Dũng nói thêm.
Nên điều chỉnh nguyện vọng thế nào?
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển nếu có nhu cầu. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định.
Thí sinh chỉ được sử dụng một trong hai phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển khi điều chỉnh nguyện vọng. Các thí sinh phúc khảo các bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức điều chỉnh trực tuyến, chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự thi.
Với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong đăng ký dự thi. Thí sinh điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm nhận hồ sơ.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trước kỳ thi tốt nghiệp khoảng 2 tuần, lo ngại kỳ thi không được tổ chức nên không ít trường ĐH đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho các phương thức khác nên chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp còn không nhiều. Điều này gián tiếp đẩy điểm chuẩn của trường đó lên rất cao.
Để tránh việc điều chỉnh nguyện vọng bất hợp lý dẫn đến việc trúng tuyển vào ngành không mong muốn, ông Dũng cho biết thí sinh nên để trường, ngành mình yêu thích nhất lên đầu tiên dù điểm có thể thiếu.
"Với tình hình điểm thi năm nay, thí sinh nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng. Không nên thấy khó đậu đã vội điều chỉnh nguyện vọng" - ông Dũng tư vấn.
Cũng với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết ngành nào cảm thấy mức điểm an toàn nhất thí sinh nên để sau cùng, ngành nào mình thích nhất nhưng điểm thi có thể hơi thiếu, hơi quá sức nên để lên đầu tiên (nguyện vọng 1), kế đến là trường, ngành yêu thích tiếp theo.
"Nguyên tắc xét tuyển các nguyện vọng như nhau nên nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 ở trường này, thí sinh sẽ được xét bình đẳng với các thí sinh khác ở trường đăng ký nguyện vọng 2. Việc xét tuyển căn cứ vào điểm thi của thí sinh chứ không phải thứ tự nguyện vọng của các thí sinh trong cùng một ngành.
Chẳng hạn trong cùng ngành điều dưỡng, thí sinh có nguyện vọng 1, 2, 3 hay thấp hơn đều được xét tuyển bình đẳng dựa vào điểm thi miễn là thí sinh chưa trúng tuyển vào ngành có nguyện vọng cao nhất của mình.
Không nên thấy điểm thi mình có khả năng không trúng tuyển đã vội điều chỉnh thứ tự ưu tiên trường, ngành mình yêu thích nhất, mong muốn được học nhất. Những năm gần đây, điểm chuẩn được xác định đến hai chữ số thập phân nên tiêu chí phụ về thứ tự nguyện vọng hầu như không được xét đến" - ông Khôi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận