Học sinh tham gia kỳ thi lớp 10 mới đây tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: MỸ DUNG
Điểm ở trường có "nhón tay làm phúc"?
Bạn đọc Minh Trí Trương, người tự nhận là 32 năm làm giáo viên, cho biết không bất ngờ với kết quả điểm thi vào lớp 10 môn toán và môn tiếng Anh tại TP.HCM có điểm dưới trung bình nhiều như vậy. "Bởi điểm trên lớp chưa hẳn chính xác. Điểm đang học là điểm thành tích, điểm học thêm, điểm 'đáp án', 'nhón tay làm phúc'. Rồi thi sự thật là sự thật".
Uyên Lê - một độc giả của Tuổi Trẻ Online - cho rằng: "Học sinh giờ kiến thức thì rỗng nhưng trên lớp toàn 9, 10 nên dẫn đến tình trạng ỷ y không cần học. Học sinh đến lớp ngồi nói chuyện, đi học không muốn chép bài. Ba mẹ thì cứ nghĩ con mình giỏi lắm".
Cho biết có con đang là học sinh tại TP.HCM, bạn đọc tên Tèo kể, thường để chạy thành tích trước khi thi nửa tháng thầy cô cho ôn thi, học thuộc lòng bài giải trước rồi, đến khi thi chỉ thay số liệu hoặc có khi để nguyên đề cho học sinh làm bài thi luôn. Kết quả học sinh ở trên lớp toàn 9, 10 điểm nhưng thật ra con mình không giỏi được như vậy.
"Nếu bố mẹ kiểm tra bài tập chỉ ở trong sách giáo khoa thôi, nhiều bài con còn không làm được hết thì lấy đâu mà giỏi vậy? Cho nên trừ một số em thật sự giỏi, còn lại mặt bằng chung là kết quả phản ánh chính xác trong kỳ thi này" - bạn đọc này nhận định.
Thậm chí, nhiều bạn đọc còn cho rằng điểm trên lớp của học sinh còn có thể bị ảo. "Điểm ở lớp có thể bị ảo bởi nhiều lý do. Và phụ huynh cần biết điều đó. Tôi biết hai trường hợp cách đây ba năm, một em lớp trưởng, một em lớp phó, 9 năm liền là học sinh giỏi mà trượt tuyển sinh lớp 10" - bạn đọc Nguyễn Công Điền gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ.
Nhìn nhận về việc điểm mà học sinh đạt được trên lớp có thể là điểm ảo, bạn đọc tên Lý Ân nêu rằng: "Ở lớp thì giáo viên ra đề giống với đề được học thêm ở nhà giáo viên. Khi thi vào lớp 10 thì giáo viên làm gì biết đề mà cho học sinh biết trước nên kết quả thấp là đúng rồi. Nói chung kết quả năm nay phản ánh đúng thực lực của học sinh".
Điểm do áp lực từ thi đua, ban giám hiệu?
Nhìn ở góc độ ảo vì lý do khác, bạn đọc tên Minh Tú thẳng thắn: "Học trên lớp thường thì đề kiểm tra, đề thi rất dễ để nâng cao tỉ lệ trung bình môn trên 5, như thế giáo viên sẽ không bị ảnh hưởng, không bị cắt giảm thi đua... Nhưng khi đi thi thì tùy các em thôi. Thầy cô đã hết trách nhiệm, việc thi được hay không là do các em. Vả lại phụ huynh và các em lại hay tự tin thái quá vào sức học của các em nên kết quả mới thế. Những gì mình nói là từ thực tế vợ mình cũng là giáo viên cấp 3, nên mình cũng biết được đôi chút những áp lực từ ban giám hiệu đặt ra cho giáo viên".
Bạn đọc tên Hải khẳng định "điểm thi như vậy đã nói đúng bệnh thành tích của các trường. Khu vực nơi tôi ở có nhiều em học sinh của các trường, cuối năm học em nào cũng giỏi. Tôi hỏi thăm thì được biết là hơn nửa lớp học sinh giỏi. Mượn xem mấy bài kiểm tra toán thấy thầy cô cho những bài quá cơ bản, chỉ ráp công thức vào là xong nên em nào cũng 9, 10. Tôi cho thử một bài cần suy luận một chút là ngồi cắn bút. Cứ học với bài kiểm tra ở trường đơn giản như vậy khiến các em bị ảo tưởng về sức học của mình".
Bạn đọc tên Công Bình có cháu học tại quận Phú Nhuận cho biết, điểm số trung bình của người cháu cả năm là 9,6 điểm, đứng nhất lớp. "Trước khi thi cháu đoán chắc chỉ được 5 điểm (làm thử các bài thi năm trước). Vì vậy kết quả thi hôm nay hoàn toàn không bất ngờ với cháu! Đây là hậu quả của việc học trên trường lúc nào cũng khen và khuyến khích học sinh cả lớp", bạn đọc này nói.
Tương tự, bạn đọc tên Hiệp phân tích: "Do bệnh thành tích đã ăn sâu vào máu nên nhà trường và thầy cô luôn muốn học sinh của mình đạt điểm cao, không loại trừ khả năng ra đề dễ và chấm nới tay dẫn đến điểm trong năm chỉ là điểm ảo. Phụ huynh và các em thì cứ nghĩ mình là nhất cho đến khi va chạm thực tế thì mới biết được mình chưa là gì cả".
"Để nâng cao thành tích dạy học của trường nên nhiều thầy cô giáo đã chấm điểm không đúng thực tế, cứ cho toàn điểm cao, khiến cho học sinh ảo tưởng với học lực của mình!" - bạn đọc Trần Đăng Hiến thêm vào.
Phản biện lại quan điểm năm nay học online không chất lượng nên học sinh khi học tại lớp thì được điểm 9, điểm 10 nhưng đi thi lại chỉ được điểm 4, điểm 5, bạn đọc tên Hà phản bác: "Đừng đổ lỗi cho học online không chất lượng. Online hay trực tiếp thì trò lười vẫn là lười, chăm vẫn là chăm. Trò chăm học thì vẫn điểm 9, 10 đó thôi. Cấu trúc đề vẫn ổn định như các năm trước, điểm thấp vì các em không cố gắng ôn tập chứ không vì lý do khách quan nào khác".
Trong khi đó, một bạn đọc khác tên Chương - một phụ huynh có con đã trải qua bậc THCS và THPT, ĐH dễ dàng - đã xem qua đề toán và tiếng Anh thì cho rằng "đề không khó, khả năng trên 5 điểm là dễ dàng cho các em học lực trung bình".
"Nhưng theo tôi nghĩ điểm thấp là do các em mất căn bản từ các năm trước, không được thầy cô rèn luyện kỹ năng logic. Một điều quan trọng nữa, các em còn mê chơi (nhất là chơi game, chat Facebook...) không tự rèn luyện. Các em đến trường thì học cho có, khi về nhà thì ôm iPad, máy vi tính. Như vậy làm sao vượt qua được các câu hỏi cơ bản trong bài thi. Trường học và thầy cô là một phần, ý thức học của các em mới là quan trọng" - bạn đọc này viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận