Trong bối cảnh cuộc chiến Israel - Hamas ngày càng leo thang, Mỹ có nguy cơ vướng vào cuộc xung đột lớn trong khu vực Trung Đông.
Quan trọng hơn, theo trang tin Axios (Mỹ), diễn biến ở Trung Đông có thể đảo ngược nỗ lực giảm hiện diện trong khu vực, đồng thời xoay trục sang Thái Bình Dương của Washington trong những năm gần đây.
Căn cứ ở Iraq và Syria
Theo Lầu Năm Góc, nhân viên căn cứ quân sự Mỹ ở Syria đã trở thành mục tiêu của ít nhất 3 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) và tên lửa. Drone và tên lửa đã nhắm vào cơ sở của Mỹ ở Iraq ít nhất 10 lần kể từ ngày 17-10.
Khoảng 900 binh sĩ Mỹ đang đóng ở Syria để tiến hành hoạt động chống khủng bố, cụ thể là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Lầu Năm Góc chưa công khai số binh sĩ ở Iraq. Gần nhất vào năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ nói số lượng nhân sự tại nước này giảm xuống còn 2.500 người.
Căn cứ ở Israel và Jordan
Hiện chưa rõ Mỹ có bao nhiêu quân ở Israel, nhưng Mỹ duy trì ít nhất một căn cứ quân sự tại nước này.
Căn cứ có mật danh "Địa điểm 152" (Site 512) được cho là nơi đặt hệ thống radar giám sát có thể phát hiện và theo dõi các mối đe dọa tên lửa chống lại Mỹ.
Ở Jordan, nơi 3 binh sĩ Mỹ vừa thiệt mạng do bị drone tập kích, tính đến tháng 6-2023, có khoảng 2.900 quân nhân Mỹ hiện diện ở nước này theo yêu cầu của chính quyền sở tại.
Binh sĩ Mỹ ở Jordan để hỗ trợ hoạt động chống IS, nhằm tăng cường an ninh và thúc đẩy ổn định trong khu vực. Đặc biệt, căn cứ không quân của Jordan đóng vai trò quan trọng đối với các nhiệm vụ tình báo của Mỹ ở Syria và Iraq.
Căn cứ ở Qatar
Đáng chú ý nhất là căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar, nằm ở phía tây Doha. Đây là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và rất quan trọng đối với các hoạt động của nước này trong khu vực.
AI-Udeid cũng là nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ (CENTCOM).
Căn cứ không quân này có khoảng 8.000 người và được trang bị đầy đủ máy bay chiến đấu. Lực lượng không quân Mỹ đã triển khai 5 chiếc F-22 Raptor thế hệ thứ 5 do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển tới căn cứ này vào năm 2020.
Đáng chú ý, Qatar cũng cho phép Hamas mở văn phòng chính trị ở Doha trong hơn một thập kỷ qua. Nơi đây có nhiều quan chức cấp cao của Hamas, gồm cả lãnh đạo tối cao của tổ chức, Ismail Haniyeh.
Qatar đã bị chỉ trích nặng nề vì cho mở văn phòng của Hamas, nhưng nước này khẳng định làm như vậy sẽ giúp họ làm trung gian hòa giải mối quan hệ với Hamas và phương Tây, đồng thời có thể giúp thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ gần đây cho biết Qatar có thể xem xét lại sự hiện diện của Hamas tại nước này, sau khi hơn 200 con tin bị Hamas bắt giữ được trả tự do.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận