Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Văn Thắng - phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết nhằm tri ân những công lao, hy sinh to lớn của thế hệ cha ông trên con đường trường chinh cứu nước cũng như sự đóng góp của nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tỉnh Đồng Tháp huy động mọi nguồn lực xây dựng tượng đài tưởng niệm.
"Ngày 24-2-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh. Tôi đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ tập kết và thân nhân gia đình cán bộ được chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm.
Tôi đề nghị thành phố Cao Lãnh và các đơn vị phối hợp tiếp tục bảo vệ, giữ gìn phát huy giá trị di tích, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước gắn với phát triển du lịch địa phương", ông Thắng nói.
Cách đây 69 năm, ngày 29-10-1954, tại bến bắc Cao Lãnh, thị trấn Cao Lãnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) diễn ra cuộc đưa tiễn hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Bến bắc Cao Lãnh là điểm tập kết chuyển quân của khu vực Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh: Mỹ - Tân - Gò, Long Châu Sa, Gia - Định - Ninh, Phân liên khu miền Đông và quân tình nguyện.
Cuộc tập kết diễn ra trong ba đợt (từ tháng 8 đến 10-1954) với tổng số 13.508 người, trong đó tỉnh Long Châu Sa là 2.655 người.
Tỉnh Đồng Tháp được sự hỗ trợ kinh phí của TP.HCM và các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh đã xây dựng tượng đài kỷ niệm diện tích trên 12.000m2, xây dựng từ năm 2017 và khánh thành vào ngày 29-10-2019, kinh phí gần 49 tỉ đồng.
Tổng thể công trình di tích lịch sử Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được xây dựng gồm nhiều hạng mục như: tượng đài và phù điêu, bờ kè, sân lễ đài, đường nội bộ, hoa viên cây xanh, hồ nước…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận