05/08/2019 08:27 GMT+7

Điểm sàn, điểm chuẩn thấp, lo chất lượng giáo dục đại học

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Kỳ tuyển sinh đại học năm học 2019-2020 gần đi đến cuối chặng đường, nhưng đã không tránh khỏi nghi ngại trong xã hội về việc một số trường đại học công bố điểm sàn quá thấp, thậm chí còn thấp hơn cả trường cao đẳng.

Điểm sàn, điểm chuẩn thấp, lo chất lượng giáo dục đại học - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu nhiều năm thì có đến trên 70% các trường lấy điểm chuẩn sát với điểm sàn đã công bố.

Bỏ qua nhu cầu nhân lực

Nguyên nhân tụt điểm chuẩn tuyển sinh của khá nhiều trường trong khi đề thi năm nay được nhiều thí sinh cho là dễ thở hơn mọi năm chắc nhiều người biết là do chỉ tiêu được xác định lớn, do "khát" về tài chính, do sự cạnh tranh nguồn tuyển sinh, do xu hướng tự chủ thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước, do hệ thống các trường nghề chưa đủ sức thu hút người học để có thể lập thân lập nghiệp trong tương lai.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay theo điều kiện đảm bảo chất lượng - quy mô phụ thuộc hai thành tố chính là đội ngũ giảng dạy và tổng diện tích sàn lớp học mới chỉ nói lên một nửa vấn đề về giáo dục đại học (ĐH).

Đó là chưa kể đến việc một số trường gian lận trong kê khai nguồn lực để được xác định nhiều chỉ tiêu và hi vọng tăng nguồn thu cho trường. Việc xác định chỉ tiêu theo cách này đã có từ nhiều năm trước đây, vốn đã quên đi điều kiện đảm bảo đào tạo nhân lực hiệu quả, hài hòa các trình độ và cơ cấu ngành đào tạo.

Cách xác định chỉ tiêu đó có mặt tích cực nhưng vẫn phản ánh kiểu tư duy có gì dạy nấy, nặng nề về bên cung đào tạo mà bỏ qua nhu cầu nhân lực của nền kinh tế. Hệ quả xấu của việc này dẫn đến các trường công lập vốn lợi thế hơn về con người, cơ sở vật chất và tên tuổi từ lâu chiếm mất thị phần tuyển sinh của một số trường ĐH ngoài công lập, ĐH công mới nâng cấp hoặc các trường ĐH đóng ở vùng kinh tế chưa phát triển.

Có thể coi đây là lỗ hổng chính sách, mặc dù một thập kỷ trước chúng ta từng làm quyết liệt đào tạo theo nhu cầu nhân lực của xã hội.

Phải phát triển ĐH đúng nghĩa

Cần khẳng định rằng nhu cầu nhân lực trình độ ĐH ở nước ta còn rất lớn. Theo thống kê mới nhất năm 2018, tỉ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ ĐH trở lên mới chỉ trên 10%. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới tỉ lệ này chiếm trên 25% đến dưới 40% thì Việt Nam còn phải rất cần phát triển giáo dục ĐH, nhưng phải là ĐH đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, việc phát triển ấy không phải bằng bất cứ giá nào.

Người ta thường nói bóng bẩy rằng không có trò dốt mà chỉ có thầy dở, ý muốn nói thầy giáo có vai trò quan trọng trong đào tạo. Nhưng kinh nghiệm trong giáo dục ĐH cho thấy năng lực học tập của thí sinh hạn chế, chất lượng đội ngũ giảng viên thấp (nhất là giảng viên vừa "lớn vụt" từ các trường trung cấp, cao đẳng và vội vã có được cái bằng TS cho đủ chuẩn), văn hóa chất lượng yếu, cơ sở vật chất xập xệ, trách nhiệm giải trình rất thấp thì việc đào tạo ra một đội ngũ nhân lực ĐH có chất lượng với năng lực đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) có lẽ là chuyện trong mơ.

Do phải duy trì đội ngũ và tên tuổi của trường rất vất vả mới thành lập được, việc hạ thấp sàn tuyển và hạ thấp sàn thi kiểm tra đánh giá là khó tránh khỏi, để các trường giữ chân người học, chiều "thượng đế". Chất lượng đào tạo, do vậy, còn xuống thấp hơn nữa và con đường thất nghiệp hoặc làm việc với thu nhập thấp chỉ còn là thời gian.

Nhưng mặt kia của vấn đề cũng cần phải xét đến là nếu nhà trường làm nghiêm trong khâu kiểm tra đánh giá theo đúng chuẩn đầu ra thì nguy cơ bật bãi của sinh viên rất rõ ràng ở năm thứ nhất, hai hoặc ba. Điều này cho thấy chất lượng tuyển đầu vào lại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Vậy nên làm thế nào?

Ở đây cần giải quyết bài toán mang tính hệ thống dài hơi hơn chứ không chỉ đi thanh tra, kiểm tra, vì làm việc này không xuể và không giúp hình thành chính sách giáo dục khôn ngoan. Trước hết, cần điều chỉnh nguyên tắc và cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

ĐH tự chủ nhưng thiếu bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý thì tự chủ dễ trở thành vô "chính phủ". Cơ quan quản lý nhà nước vừa khuyến khích tự chủ sáng tạo nhưng phải đủ tầm điều tiết qua các cơ chế, định ra các tiêu chuẩn, kiểm soát việc thực thi và đi kèm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển giáo dục ĐH đúng hướng.

Hai là, triển khai sớm việc quy hoạch, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục ĐH theo nghị quyết 19 của Hội nghị T.Ư 6 khóa 12, góp phần nâng cao hiệu quả nhờ tập trung nguồn lực xã hội.

Ba là, việc tuyển sinh không phải chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường ĐH và của Bộ GD-ĐT, mà mỗi giảng viên cần tận tâm cống hiến, liên tục học hỏi, đóng góp sáng kiến cho đổi mới chương trình, mở ngành mới tăng độ hấp dẫn cho người học...

Chính giảng viên mới là "diễn viên" chính trong việc nâng chuẩn tuyển sinh và duy trì sứ mệnh giáo dục ĐH của nhà trường.

Di hại nặng nề

Việc tự chủ tuyển sinh là xu hướng đúng, nhưng sứ mệnh của giáo dục ĐH lớn lắm, đừng vì những cơn khát tài chính và quản trị yếu kém mà làm lệch lạc sứ mệnh qua tuyển sinh với những tổ hợp xét tuyển, phương thức và điểm chuẩn tuyển sinh. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cả việc dạy và học ở giáo dục phổ thông do học lệch để bằng mọi cách vào ĐH.

Tự xác định điểm sàn không phải được quyền đưa ra mức điểm thấp

TTO - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT về việc các trường đại học công bố điểm sàn thấp.

TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp