11/07/2017 10:39 GMT+7

Điểm sàn cũng cần nâng cấp

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Trong điều kiện và bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như hiện trạng giáo dục ĐH, việc duy trì điểm sàn là điều kiện cần, nhưng điểm sàn bao nhiêu để đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu mới là điều đáng bàn.

Trước đây, Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 10 điểm. Một trong 10 điểm đó là bỏ điểm sàn trong tuyển sinh vào ĐH để có điều kiện mở rộng quy mô tuyển sinh vào các trường ngoài công lập. 

Về quy định điểm ngưỡng đầu vào (điểm sàn) có hai luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng việc quyết định điểm trúng tuyển đầu vào là quyền tự chủ chính đáng của các trường ĐH và là điều kiện để duy trì và phát triển quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập.

Luồng ý kiến còn lại cho rằng phải duy trì điểm sàn để đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu ở đầu vào nhằm có thể nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tạo điều kiện phân luồng đảm bảo cơ cấu trình độ hợp lý mà hiện nay rất mất cân đối.

Một mặt, bỏ điểm sàn có thể giúp các trường thuộc nhóm giữa và cuối dễ dàng hơn trong công tác tuyển sinh, nhưng cũng nảy sinh lo ngại về chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến lợi ích của người học.

Khi tuyển sinh vào học đồng thời cũng phải đảm bảo sinh viên có thể học được, khi tốt nghiệp ra trường làm được việc và cải thiện được cơ hội việc làm.

Vì thế nếu mở thoáng đầu vào thì buộc phải tăng cường đầu tư nguồn lực, thi kiểm tra đánh giá nghiêm túc, siết chặt đầu ra, loại bỏ những sinh viên thiếu năng lực trong quá trình đào tạo để đảm bảo sản phẩm đào tạo ra là sản phẩm dùng được.

Những sinh viên năng lực yếu, “lỡ” được vào ĐH sẽ có nguy cơ thất bại cao, bỏ cuộc giữa chừng. Điều đó để lại những hệ quả tiêu cực nặng nề lâu dài cho họ do mất đi những lựa chọn khác có thể thành công hơn.

Đó là chưa kể đến tâm lý thất bại ám ảnh suốt cuộc đời của họ và những hệ lụy xã hội khác.

Nhưng mặt khác, trong môi trường cạnh tranh không bình đẳng, thông tin đảm bảo chất lượng thiếu minh bạch, người học thiếu thông tin lựa chọn, tâm lý thích văn bằng hơn là giá trị đích thực của trình độ... thì các trường sẽ tận dụng những điều này để tuyển sinh, hạ thấp tiêu chuẩn đào tạo, dẫn đến các sản phẩm sẽ không đảm bảo chất lượng.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của sinh viên và xã hội.

Phân tích hai trường hợp trên, Bộ GD-ĐT quyết định duy trì điểm sàn là giải pháp hợp lý trong bối cảnh này, thể hiện rõ vai trò chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vậy điểm sàn bao nhiêu để đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu, giúp sinh viên học được và ra trường làm được?

Điểm sàn hợp lý là 15 điểm hay 12 điểm cho 3 môn xét tuyển? Tại sao không phải là 10 điểm?

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào để chỉ ra điểm sàn tối thiểu là bao nhiêu để đảm bảo sự thành công của sinh viên trong giáo dục ĐH, nhất là trong tình hình thay đổi chính sách thi cử như vừa qua.

Vì thế, các cơ quan quản lý và nghiên cứu giáo dục cần xác định mối tương quan giữa điểm sàn trong kỳ thi chuẩn và khả năng thành công trong học ĐH của sinh viên để có cơ sở khoa học và thực tiễn quyết định mức sàn.

Cách xác định điểm sàn như những năm vừa qua mới chỉ dựa theo tổng quy mô tuyển sinh dự kiến do các trường xác định theo hai tiêu chí đảm bảo chất lượng và không ăn nhập với điểm sàn xét theo năng lực của học sinh, để đảm bảo học được ĐH.

Tóm lại, trong điều kiện và bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như hiện trạng giáo dục ĐH, việc duy trì điểm sàn là điều kiện cần.

Trong khi đó siết chặt cả quá trình đào tạo, kiểm soát đầu ra, đổi mới cơ chế quản trị, tài chính ĐH và tạo việc làm tốt hơn trong thị trường lao động có thể sẽ là điều kiện đủ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và cơ hội tiếp cận đến giáo dục ĐH bình đẳng.

TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp