Thí sinh trong kỳ thi đánh giá năng lực 2020 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: H.AN
Sau năm thi đầy biến động, chúng ta mới thấy sự ổn định là vô cùng cần thiết. Lời khuyên của tôi cho thí sinh là cần xác định rõ mình mạnh nhất ở phương thức xét tuyển nào thì đầu tư cho phương thức đó, đồng thời tìm hiểu rất kỹ phương thức xét tuyển của những trường ĐH mà thí sinh muốn vào.
TS NGUYỄN ĐÀO TÙNG
Các chuyên gia đều cho rằng vì không hiểu quy luật "nước lên thì thuyền lên" nên nhiều thí sinh đã đặt nguyện vọng vào những ngành, trường vượt quá khả năng.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết năm nay do dịch COVID-19 nên đề thi được giảm tải, điểm thi THPT cao. Ngoài ra, do các trường dùng nhiều phương thức tuyển sinh hơn dẫn đến chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT bị giảm đi, nên tính cạnh tranh của phương thức này cao hơn bao giờ hết.
"Điểm chuẩn ĐH năm nay cao đã được dự báo ngay từ đầu. Ngay khi có phổ điểm các chuyên gia đã cảnh báo điểm năm nay ngả về phía điểm cao, điều này sẽ làm khả năng phân loại thí sinh thua xa mọi năm. Chính tôi cũng đã thông tin trên báo chí khối A năm nay tăng 3-4 điểm. Nhưng tâm lý thí sinh thấy mình đạt điểm thi cao nên đặt nhiều hi vọng, không chịu nghe tư vấn dẫn đến không đạt được mục tiêu", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo phân tích.
Trong hôm qua (5-10), TS Nguyễn Đào Tùng, phó giám đốc Học viện Tài chính, cho biết sau khi công bố điểm chuẩn, suốt cả ngày ông nhận được rất nhiều cuộc gọi của người nhà thí sinh đạt điểm thi THPT tương đối cao nhưng vẫn trượt.
"Nếu năm 2017 điểm 10 nhiều, còn năm nay điểm 8 và điểm 9 nhiều. Mặc dù đã có cảnh báo của các chuyên gia nhưng phụ huynh và thí sinh thấy mức điểm thi cao nên phán đoán sai, "đặt cửa" vào ngành "hot", dẫn đến nhiều bạn đạt 26 điểm có thể đậu Học viện Tài chính rồi nhưng lại muốn tìm đến những ngành cao hơn ở Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đến lúc muốn quay về lại lỡ mất một cơ hội. Cả ngày 5-10, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi của những trường hợp như thế", TS Nguyễn Đào Tùng nói.
TS Nguyễn Đào Tùng cho biết thêm với điểm chuẩn cao như năm nay, năm sau những trường lấy điểm chuẩn 24 trở lên sẽ khó tuyển sinh hơn vì thí sinh "sợ" không dám đăng ký, còn các trường lấy từ 21 đến 24 điểm sẽ có nhiều cơ hội được lựa chọn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận