Thí sinh Nguyễn Ngọc Vân Trang xem điểm thi THPT năm 2020 cùng phụ huynh trên Tuổi Trẻ Online, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi sáng 27-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh nên đợi các trường công bố điểm chuẩn dự kiến và bám theo đó để điều chỉnh nguyện vọng.
ThS PHẠM THÁI SƠN (giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Thí sinh hiện có nên điều chỉnh nguyện vọng để chắc cơ hội trúng tuyển?
Điểm chuẩn dự kiến tăng
Theo ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), phổ điểm năm nay cho thấy mức điểm mỗi môn tăng hơn năm ngoái 1 điểm. Do đó, mức điểm dự kiến của các khối thi tương ứng: khối A00 tăng khoảng 3 điểm, A01 tăng 2,5 điểm, B00 tăng 3 điểm, D01 tăng 2,5 điểm, C01 tăng gần 3 điểm.
Tổng thể khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, điểm chuẩn tăng không nhiều (riêng ngành công nghệ sinh học sẽ tăng nhiều hơn); trong khi khối ngành toán, CNTT, kỹ thuật công nghệ, chế biến, xây dựng, kiến trúc, nông lâm, thủy sản, thú y... điểm chuẩn tăng nhiều hơn và tăng ít nhất 1 - 2 điểm (nhóm ngành CNTT không nhiều); khối ngành sức khỏe tăng ít nhất 2 - 3 điểm.
"Như vậy, ngoài các ngành như CNTT, công nghệ sinh học, hóa học, quan hệ quốc tế, truyền thông, kinh doanh quốc tế, kinh tế đối ngoại, luật... điểm chuẩn sẽ tăng thì các ngành khác điểm không tăng nhiều và thậm chí nhiều ngành có thí sinh đăng ký điểm sẽ không biến động" - ông Quán nhận định.
ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - phân tích mặt bằng điểm các môn thi tăng, riêng tiếng Anh là môn thấp nhất với điểm trung bình khoảng 3,8 - 5 điểm.
"Trường chúng tôi dự kiến điểm chuẩn tăng với mức 16 - 20 điểm. Các ngành công nghệ thực phẩm và các ngành thuộc khối kinh tế sẽ từ 18 - 20 điểm, các ngành khác dưới 18 điểm" - ông Sơn nói.
Khi nào cần điều chỉnh nguyện vọng?
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định: "Với điểm thi tăng, thí sinh không nên lo lắng nhiều vì kết quả này phản ánh cục diện của toàn bộ thí sinh.
Hiện nay có thể nhiều thí sinh thấy điểm tăng nên lo lắng, sốt ruột, muốn điều chỉnh nguyện vọng. Theo tôi, nếu các em đã xác định kỹ ngành học yêu thích, mức điểm không thấp hơn điểm chuẩn năm trước thì không cần thiết phải điều chỉnh nguyện vọng".
Ông Hạ nói thêm: "Cách thức xét tuyển năm nay, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét tiếp các nguyện vọng theo thứ tự thí sinh đã đăng ký. Nếu trước đây các em đăng ký ngành chưa yêu thích thì nay có thể điều chỉnh lại, hoặc nếu chưa tự tin với mức điểm của mình có thể đăng ký thêm một số nguyện vọng nữa ở các trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển".
Về điểm chuẩn dự kiến của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ông Hạ dự báo sẽ tăng nhẹ. Những ngành "hot" mọi năm điểm đã cao rồi nên cũng chỉ nhích nhẹ.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - khuyên thí sinh có điểm thi cao hơn mong đợi thì nên điều chỉnh bổ sung vào ngành, trường mình yêu thích mà trước đây chưa đăng ký.
Còn với thí sinh có điểm thấp hơn mong đợi cũng cần điều chỉnh nguyện vọng theo cách bổ sung thêm ngành và trường có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần tính toán các tổ hợp môn thi nào của mình đạt điểm cao nhất để điều chỉnh cho phù hợp.
"Điểm chuẩn trường chúng tôi khả năng sẽ cao hơn năm trước 1 điểm như CNTT, quản trị kinh doanh, du lịch và lữ hành, công nghệ kỹ thuật ôtô... Nhà trường cũng dự kiến đưa ra mức điểm sàn tương đương năm 2019. Sau ngày 3-9, sau khi thí sinh trúng tuyển bằng phương thức học bạ nhập học, nhà trường sẽ xác định chính xác số chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi" - ông Nhân cho hay.
TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng mức tăng của điểm chuẩn bị giảm xuống bởi các yếu tố "ảo" do trùng lắp thí sinh tham gia nhiều phương thức xét tuyển, một thí sinh đăng ký vài nguyện vọng của một hay nhiều trường. Đáng chú ý, đỉnh nhọn của phổ điểm toán năm nay nghiêng về bên phải cho thấy điểm thi môn này khá cao, khác biệt so với những năm gần đây.
Sẽ cạnh tranh hơn
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết năm nay do COVID-19, hầu hết các trường bổ sung nhiều hình thức xét tuyển thẳng nên đều dùng hết số chỉ tiêu, không còn dư ra để bổ sung chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT như mọi năm.
Năm ngoái có khoảng 10.000 thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển ĐH trong nước xong thì ra nước ngoài học. Năm nay do dịch bệnh, phần lớn thí sinh chọn học ở trong nước. Ngoài ra, năm nay có 71% thí sinh đăng ký xét tuyển bằng thi tốt nghiệp THPT, cao hơn hẳn năm ngoái. Do đó, năm nay thí sinh nào chọn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ phải chịu nhiều cạnh tranh hơn.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - nói: "Mọi năm các trường phần lớn sử dụng hai phương thức là tuyển thẳng và xét điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhưng năm nay do dịch bệnh nên phương thức xét tuyển đa dạng hơn. Nhiều trường xét cả chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng như giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều trường đã công bố lượng thí sinh được tuyển thẳng tương đối nhiều nên chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn một ít".
Số lượng điểm 10 ở các môn
Giáo dục công dân: 4.163
Hóa học: 399
Lịch sử: 371
Toán: 273
Địa lý: 248
Tiếng Anh: 225
Sinh học: 121
Vật lý: 10
Ngữ văn: 2
ĐH Bách khoa Hà Nội: có thể tăng 0,5 đến 1 điểm
PGS.TS Trần Trung Kiên - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định: "Với các ngành tốp trên của trường, năm ngoái điểm chuẩn đã cận 27,4. Năm nay nếu có tăng có lẽ cũng chỉ tăng 0,5 đến 1 điểm. Nhìn phổ điểm, chúng tôi dự đoán các ngành tốp giữa sẽ phải tăng khoảng 2 điểm trở lên. Những ngành năm ngoái lấy 20 điểm, năm nay có thể điểm chuẩn sẽ tầm 22 và 23 điểm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận