Học sinh ra về sau khi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG
Cứ đến giữa tháng 5, đâu đâu cũng nghe nói về chuyện “học sinh giỏi”, “lạm phát học sinh giỏi”. Chuyện này đã có từ khoảng 15 năm trước. Nhưng vì sao tỉ lệ học sinh (HS) xếp loại khá, giỏi luôn cao ngất ngưởng hàng chục năm qua? Điểm 9, điểm 10 ở đâu ra mà nhiều kinh khủng vậy? Tôi đã tự hỏi và tự đi tìm câu trả lời.
Từ nỗ lực của... người lớn
Ở góc nhìn một phụ huynh có hai con đang đi học và công việc cũng liên quan ít nhiều đến ngành giáo dục, tôi nhận ra sự thật là: điểm 9, điểm 10 nhiều khi là kết quả nỗ lực của người lớn chứ không phải là thước đo đúng học lực của học sinh.
Học kỳ 2 năm lớp 1, con tôi đã hỏi: "Thi học kỳ, nếu bị 8 điểm là học dở, sẽ ở lại lớp phải không mẹ?". Tôi đã giải thích không phải nhưng con vẫn quả quyết: Các bạn con nói mẹ bạn nói vầy, cô giáo cũng nói vầy...
À, thì ra con đang học lớp 1 có tuyển chọn đầu vào, được xem là lớp giỏi nên không ai muốn học sinh chỉ dừng lại mức khá.
Cô là cô giáo giỏi, 31/40 bạn học thêm với cô sau giờ học bán trú ở trường, không có bài tập về nhà nhưng mẹ vẫn bảo làm thêm. Có bạn "học chậm" nhất lớp, cô từng chân thành góp ý với mẹ của bạn: "Sang năm nên chuyển cháu qua lớp thường, lớp này toàn bạn giỏi tội nghiệp cháu".
Nhưng thực tế thì cuối học kỳ bạn ấy vẫn đạt hai điểm 10 tròn trĩnh, lớp 100% HS giỏi... Ba bạn ấy đã nói: "Con tôi hai con 10 vầy mà phải ra lớp thường là sao!".
Điểm 10 này của ai mà sao bạn kia khổ vậy? Lên lớp 2, bạn được xếp loại khá, lớp 5 loại trung bình, lớp 7 rồi lớp 8 là thi lại... trong sự thất vọng, chê bai của người lớn.
Tôi lại nhớ đến cháu mình học tiểu học ở quê, mỗi ngày tự đạp chiếc xe mini cà tàng qua đò đi học mình ên. Cháu chỉ học buổi sáng, chiều nghỉ ở nhà giữ em, học thêm là chuyện xa xỉ, ba mẹ làm lụng cũng không kèm cặp gì thêm, trên điểm 5, được lên lớp cũng đủ vui...
Cùng một chương trình, điều kiện học tập và thời gian dành cho việc học của HS khác xa nhau vậy, nếu con mình điểm cao hơn có phải do giỏi hơn không, điểm 10 có phải là siêu không? Nhất là khi HS tiểu học ở quê cũng đâu có thiếu điểm 10!
Phòng GD-ĐT ra đề: khó kiếm 9, 10
Ở bậc THCS, khi trẻ phải học đến 14 môn với 14 thầy cô, khi không còn thầy cô nào kèm từng chút một và hẳn nhiên không ai có thể giỏi đều tất cả các môn, chuyện gì xảy ra? Xin thưa: điểm 10 khó kiếm nhưng điểm 8, điểm 9 thì vô tư.
Nếu con bạn có điểm bình quân các môn là 9.0, có thể được xếp hạng 20, điểm bình quân 8.5 vẫn có thể ở hạng 30. Chuyện này không phải là cá biệt ở trường nào, quận huyện nào, tỉnh thành nào.
"HS vẫn hay than thở: chương trình nặng quá, nhiều môn, nhiều bài quá, khó nhớ quá, học ngán quá! Nhưng khi thử hỏi: Vậy sao có nhiều điểm 9, điểm 10 vậy? HS bí, không biết trả lời!" - bạn tôi, một giáo viên THCS, kể.
HS có thể không biết lý do hoặc không đủ lý lẽ giải thích nhưng hẳn nhiên giáo viên thì biết. Kiểm tra 15 phút luôn được thầy cô báo ngày giờ, kiểm tra bài nào. Kiểm tra một tiết thì có đề cương, câu hỏi và trả lời in sẵn, chỉ cần học thuộc lòng thì khó thoát điểm cao.
Thế nên, khi thi học kỳ các môn, hầu hết đều do phòng GD-ĐT ra thì điểm 9, 10 lại ít đi. Không sao, thường ngày thầy cô sẽ tìm cách nâng điểm kiểm tra miệng, điểm thực hành (hệ số 1) lên cao nhất, kiểm tra một tiết (hệ số 2).
Đó là không muốn nói đến chuyện ở lớp học thêm, bằng cách này, cách khác, thầy cô sẽ cho HS biết trước dạng đề kiểm tra một tiết.
Không ít phụ huynh vẫn kiên trì mỗi tối ngồi bên đứa con lớp 8, lớp 9 để dò coi con thuộc lòng chưa. Rồi thì đưa con đi học thêm nhiều môn, nhiều nơi, tình trạng phổ biến từ khi trẻ lên lớp 4... Có khi một môn học hai thầy cô, một thầy cô giỏi để làm bài nâng cao và luôn phải theo thầy cô đang dạy ở lớp để có điểm tốt nhất.
Tôi lại nghĩ về những bài kiểm tra hồi mình đi học. Nhớ như in cảm giác hồi hộp khi thầy cô bước vào lớp và bất ngờ nói: "Lấy giấy ra, kiểm tra 15 phút" (tức là HS không hề được báo trước).
Kiểm tra một tiết thì có thể biết ngày, có thể biết đề ra những bài nào nhưng không ai biết trước sẽ có câu hỏi gì, bài tập dạng nào. Và vì thế, điểm 8 đã thật sự là học giỏi, học hiểu và nắm chắc kiến thức lắm rồi.
Cuối năm, cầm giấy khen HS tiên tiến về dán lên vách đã đủ hãnh diện. Những HS điểm 7, điểm 8 ngày đó giờ là kỹ sư, cử nhân.
Cảm ơn vì ban giám hiệu trường đã nhắn tin
Phụ huynh Lê Ngọc Hạnh chia sẻ câu chuyện của cháu mình: "Cháu gái tôi học lớp 7, trước kỳ thi kiểm tra học kỳ 2 vừa qua, cháu bày tỏ lo lắng: Kỳ này con phải ráng thi được loại giỏi chứ loại khá thì con sợ mẹ lắm!. Tôi trấn an cháu cứ cố gắng hết sức thì thôi. Mẹ muốn con thi tốt nên mới đặt ra "chỉ tiêu" vậy, chứ không phải gây áp lực cho con cái...
Chị dâu tôi tính hơi bảo thủ và khắt khe trong việc học của con nên lúc nào cũng lèo nhèo bắt con phải học thế này, thế nọ. Cháu tôi vì thế nên càng thấy bị áp lực, đến nỗi có lần con bé đã nói với tôi rằng: Con lên trường không thấy sợ cô giáo, mà về nhà con sợ mẹ gì đâu. Hễ cứ gặp mặt con là mẹ có một câu: lo học bài đi con, lo học bài đi....
Chủ nhật mới vừa đây, tôi đưa cháu cùng vài người bạn của cháu đến một quán ăn, cốt ý cho các cháu thoải mái một bữa sau những ngày học hành, thi cử mệt mỏi. Trong lúc ngồi ăn, tôi tình cờ nghe các cháu nói chuyện về một bạn trong lớp, vừa xong ngày thi cuối cùng, do thấy làm bài thi không tốt, sợ ba mẹ nên bỏ nhà đi... Cháu còn kể, có khuyên bạn về nói thật, rồi xin lỗi ba mẹ sẽ cho qua nhưng bạn đó đã trả lời rằng ở nhà không có ai thông cảm cho bạn hết!.
Cháu và các bạn thay nhau trần tình rằng "năm nay đề thi khó quá, nhiều bạn làm bài không được, tụi con cũng vậy nè". Mà tụi con đã "lên kế hoạch" từ trước khi thi, nếu thi làm bài thấy không được tụi con sẽ rủ nhau... đi trốn. Nhưng may mắn nhà trường gửi nhắn tin cho phụ huynh, nên tụi con mới được ổn.
Rồi cháu đọc nội dung tin nhắn: Năm nay đề kiểm tra học kỳ 2 có hơi khó nên điểm học sinh đạt không cao. Phụ huynh lưu ý, tránh để học sinh chịu áp lực, lo lắng và suy nghĩ tiêu cực.... Cháu gái tôi cười toe, hồn nhiên: Con mừng lắm luôn, nhờ nhà trường nhắn tin nên mẹ con... im re, chứ mà bị mẹ chửi chắc con cũng bỏ nhà đi giống bạn đó rồi, đâu được đi chơi vầy!.
Tôi nghe xong chuyện thì thở phào. Nhìn cháu và các bạn hồn nhiên, nói chuyên vui đùa, tôi thầm cảm ơn vì ban giám hiệu trường đã gửi đi những tin nhắn rất kịp thời''.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận