Giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng làm cho mọi người dân, tất cả các doanh nghiệp phải tính toán lại chi tiêu: sinh viên phải bớt ăn sáng để có tiền chạy xe, bà nội trợ tính lại tiền đi chợ, bệnh viện lo tiền xăng cho ôtô cấp cứu, các doanh nghiệp lo cắt giảm mọi chi phí có thể...
Tin các quan chức Vĩnh Phúc xài sang xe công xuất hiện đúng vào thời điểm này, khi cả nước đang thực hiện Luật tiết kiệm, chống lãng phí làm mọi người giật mình, khác nào như một hành vi “trêu ngươi” người dân đang lo toan.
Quan chức có lo cái lo của nền kinh tế không nhỉ, tiền xăng tăng lên mà vẫn sài sang như vậy? Việc thực thi Luật tiết kiệm, chống lãng phí có “ngoại lệ” cho cái xe công này không? Tại sao những việc như thế này có thể trường diễn mãi trước mắt người dân đang lo cắt giảm chi tiêu. Cấp ủy Đảng, thanh tra, Mặt trận Tổ quốc có ý kiến gì chưa?
Liệu VN có thể tham khảo kinh nghiệm các nước? Các bạn Thụy Điển cương quyết cự tuyệt yêu cầu bố trí xe riêng theo cấp bậc và coi đó là một việc rất xa lạ đối với họ. Mọi chi tiêu của chính phủ đều được kiểm toán nghiêm ngặt, thủ tướng, bộ trưởng tự đi đến công sở theo cách thuận lợi nhất đối với mình, không cần xe công đón rước.
Vua Thụy Điển đi thăm chính thức các nước cũng chỉ đi máy bay thương mại, không dùng chuyên cơ. Và các bạn Thụy Điển nói chính vì chính phủ và quan chức chúng tôi tiết kiệm như vậy mà nước chúng tôi mới duy trì được phúc lợi xã hội cao và có tiền để giúp các nước khác, trong đó có VN.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai trên hành tinh này, cũng tổ chức một công ty dịch vụ xe công cho chính phủ. Thủ tướng, các bộ trưởng cần xe luôn được phục vụ kịp thời, nhưng không phải là lái xe riêng cố định mà là xe do công ty điều đến. Công ty cũng phục vụ luôn cả khách mời của chính phủ, cơ quan mời thanh toán chi phí.
Mọi chuyến đi đều được ghi vào máy tính, chi phí được truyền trực tiếp cho kho bạc và kiểm toán của Quốc hội cùng theo dõi cho khách quan. Những chuyến đi không vì mục đích công vụ đều bị xuất toán và người sử dụng phải tự trả.
Các nước đã làm được, chúng ta cũng phải làm được và không nên chờ đến năm 2015 mới áp dụng mô hình này như đề án của Bộ Tài chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận