05/11/2024 09:38 GMT+7

Dịch vụ thám tử tư 'chui' - Kỳ 3: Những thám tử tự phong, chỉ hưởng hoa hồng

Theo tìm hiểu, các công ty thám tử hiếm khi từ chối yêu cầu của khách hàng. Những vụ theo dõi, giám sát con cái, vợ chồng, bắt ghen giao các thám tử xe ôm.

Dịch vụ thám tử tư 'chui' - Kỳ 3: Những thám tử tự phong, chỉ hưởng hoa hồng - Ảnh 1.

Thông tin dịch vụ thám tử có vẻ rất bài bản, chuyên nghiệp nhưng nhiều người thực chất lại là dân... chạy xe ôm - Ảnh: YẾN TRINH

"Trước đây tôi có chở mấy bà khách đi bắt ghen nên quá rành mấy vụ này. Chạy xe, đeo bám, theo dõi là nghề của tôi mà", anh Lê Từ (40 tuổi, quê Đồng Tháp) hào hứng nói. Đang chạy xe ôm công nghệ, anh đùng cái chuyển sang làm... thám tử.

Tuyển một lần 30 thám tử

Thấy công ty thám tử trên đường Phùng Văn Cung (quận Phú Nhuận, TP.HCM) tuyển nhân viên, anh Từ đến xin việc.

Địa chỉ công ty tại một căn hộ dịch vụ, không có bảng hiệu. Chủ nhà cho biết trước đây công ty này có thuê phòng, sau dọn đi đâu không rõ. Gọi vào số máy trên trang web, anh Từ được hẹn phỏng vấn tại quán cà phê gần đó.

Tại điểm hẹn, một người tên Trí cho biết công ty đang tuyển 30 thám tử, ưu tiên người trong ngành bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu. Số còn lại trẻ tuổi, sẵn sàng "đánh án" xa.

Anh Từ nói ngoài chạy xe ôm anh không có bằng cấp gì. Nghe vậy, Trí nói bằng cấp là chuyện nhỏ, quan trọng là hiệu quả công việc.

Phi vụ đầu tiên của anh Từ là theo dõi chủ một tiệm làm đẹp ở gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh).

Trọn một tuần bám theo cô gái, anh không phát hiện điều gì bất thường. Anh được lệnh chuyển sang mục tiêu khác. Lần này là con trai của một đại gia vận tải ở TP Thủ Đức. Sau vài ngày đội nắng đội mưa theo dõi, anh Từ nắm được các tụ điểm ăn chơi của cậu này.

Thành công vài vụ, chưa kịp mừng thì anh Từ bị đồng nghiệp chơi xỏ khiến anh chán nản bỏ việc.

"Nói là thám tử cho sang chứ thật ra toàn tay ngang. Xe ôm, công nhân thất nghiệp... có đủ. Lương không có, thu nhập dựa trên mỗi đầu vụ. Mà hợp đồng trị giá nhiêu tụi tôi không được biết", anh Từ trải lòng.

Các công ty thám tử giới thiệu lực lượng hùng hậu nhưng thực tế thì khác. Có nơi lèo tèo vài anh xe ôm chuyên bắt ghen nhưng quảng cáo có cả trăm thám tử.

"Chỉ là con số ảo. Đa số nhân viên làm không lương. Họ ăn từng vụ, chủ cho nhiêu biết nhiêu. Có nơi bán hợp đồng như bán thầu để ăn chênh lệch" - anh Đỗ Thọ, phó giám đốc công ty thám tử T.K. (quận Phú Nhuận), tiết lộ.

Theo tìm hiểu, các công ty thám tử hiếm khi từ chối yêu cầu của khách hàng. Những vụ theo dõi, giám sát con cái, vợ chồng, bắt ghen giao các thám tử xe ôm.

Hợp đồng nặng ký hơn như xác minh nhân thân, đối tác làm ăn, gian lận thương mại... thì chuyển cho thám tử có kinh nghiệm và kiến thức pháp luật. Khó nữa thì nhận bừa, tạm ứng rồi cù cưa cho đến lúc khách mỏi mệt, tự buông.

Đắng cay vào nghề

Hầu hết nhân viên các công ty thám tử không được qua đào tạo. Người mới học việc từ người cũ vài hôm rồi tự phong. Điều đó lý giải vì sao chất lượng nhân viên không ít công ty thám tử hiện nay có vấn đề về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Anh Lê Triệu (quê Lâm Đồng) đang làm bảo vệ cho một bãi xe thì bị cho nghỉ việc. Thất nghiệp, có người bạn rủ anh về làm cho một công ty thám tử.

Ngày đầu, anh Triệu đi cùng thám tử Minh và một đồng nghiệp tập sự tên Tín (ngụ quận 8). Tín có tiền án tội giết người lúc đang tuổi vị thành niên. Mãn hạn tù, anh chàng theo nghề phụ xe. Mới đây, Tín đánh nhau với tài xế nên bị đuổi. Sẵn có người quen làm trong công ty thám tử K., Tín xin vào học việc.

Ngày đầu ra quân, họ được phát mỗi người một bộ đồ xe ôm công nghệ. Nhiệm vụ đeo bám một người đàn ông ngụ đường Tôn Thất Tùng (quận 1). Tín hỏi theo làm gì thì Minh cảnh cáo "không phải chuyện của mình".

Hôm sau, Minh để anh Triệu và Tín ngồi rình con mồi, còn mình đi đâu không rõ. Chừng nửa tiếng anh Triệu phải gọi điện báo cáo tình hình cho Minh. Chập tối, Tín chở Triệu bám theo người đàn ông qua mấy con đường quận 7 sau đó mất dấu. Minh tỏ ra không hài lòng.

Ngày tiếp theo, người đàn ông tạt vào nhà hàng trên đường Tạ Hiện (TP Thủ Đức). Minh lệnh phải vào theo.

Ngặt nỗi, trong túi anh Triệu chỉ còn hơn 300.000 đồng, đủ gọi mấy chai bia. Tín góp dĩa tàu hũ chiên. Ngồi canh gần nửa tiếng, một phụ nữ nũng nịu sà vào bàn kia. Họ chụp hình gửi cho Minh rồi rút êm.

Cặp đôi thám tử cày thêm vài "chuyên án" thì Tín bỏ ngang. Anh ta chua chát: "Thời gian đầu không lương cũng đành.

Đằng này tiền xăng xe, điện thoại, chi phí ăn nhậu khi theo dõi cũng không có thì làm sao trụ nổi. Rình mò cực khổ cho người khác hưởng hết". Từ đó anh Triệu phải tự xoay xở. Sau vài lần té ngã xém mất mạng, anh cũng từ biệt nghề này.

Cũng giống như Triệu, Tín, nhiều người làm việc cho các công ty thám tử không được trả công tương xứng. Từ chỗ bất mãn, họ sẵn sàng bắt cá hai tay, bán thông tin để tồn tại. Một số thì ra riêng, sao chép theo mô hình công ty mẹ để hoạt động.

Dịch vụ thám tử tư 'chui' - Kỳ 3: Những thám tử tự phong, chỉ hưởng hoa hồng - Ảnh 2.

Thạo đường và chạy xe cứng để đeo bám đối tượng là một trong những kỹ năng cơ bản mà thám tử phải có - Ảnh: YẾN TRINH

"Công việc nhàn như đi chơi"

Vừa nghỉ việc ở quê, anh Thế Thi (40 tuổi, quê Đồng Nai) lên Sài Gòn. Thời gian đầu anh làm đủ nghề kiếm sống. Bữa nọ ngồi nhâm nhi cà phê, anh tình cờ nghe thanh niên bàn bên trò chuyện với một vị khách.

"Qua câu chuyện lõm bõm, tôi biết người này đang làm cho một công ty thám tử. Đợi khách đi, tôi bắt chuyện và ngỏ ý nhờ người này giới thiệu vào công ty học nghề", anh kể.

Người này tên Trần Nhân, đang làm sếp của gần 50 thám tử. Nhân nói nếu muốn làm việc trực tiếp dưới quyền Nhân thì ngay ngày mai nhận việc luôn.

"Tôi hỏi có cần ký hợp đồng lao động không, lương thưởng, chế độ làm việc ra sao. Nhân nói thời gian đầu không lương, chỉ hỗ trợ tiền xăng mỗi tháng 1 triệu. Làm việc hiệu quả thì được thưởng theo từng vụ", anh kể.

Hỏi có phải qua lớp đào tạo nào không, Nhân cười: "Công việc nhàn như đi chơi. Chỉ cần chạy xe giỏi, rành đường, quay phim, chụp hình sao cho tránh bị phát hiện là được. Làm riết sẽ quen, nghề dạy nghề".

Phân vân, anh Thi hỏi tên công ty, địa chỉ, Nhân nói "có gì liên lạc trực tiếp, không cần tới công ty. Công việc hằng ngày trao đổi qua điện thoại hoặc gặp ở quán cà phê".

Thực tế, nhiều công ty thám tử tuyển nhân viên một cách dễ dãi, không cần xác minh lý lịch, bằng cấp... Thủ tục đơn giản: photo căn cước công dân, ai không có thì khỏi. Những yêu cầu mang tính nghiệp vụ chỉ cần có điện thoại thông minh, xe máy, rành đường, không ngại va chạm.

Chính vì dễ dãi trong tuyển dụng, đào tạo, nhiều công ty sở hữu đội ngũ thám tử... đặc biệt. Như công ty thám tử Q. (quận Phú Nhuận), đa số thám tử lý lịch khá ấn tượng:

- Ba người đứng đầu công ty có tiền án.

- Một người từng làm trong ngành bảo vệ pháp luật bị sa thải do cờ bạc, nợ nần.

- Người nguyên là công chức vi phạm lối sống bị cách chức.

- Những người còn lại từng làm đủ nghề phổ thông như bảo vệ, chạy xe ôm...

Khác mô hình gốc của các nước

Theo luật sư Lê Trung Phát (giám đốc hãng luật Lê Trung Phát), ở một số nước phương Tây, thám tử gắn bó với các vụ án, tham gia thu thập, tìm chứng cứ. Tính ràng buộc rất lớn, được đào tạo chuyên môn, trang bị thiết bị... Tại Việt Nam, thám tử tư đang theo hướng dịch vụ cá nhân nhằm thu thập thông tin riêng tư.

Căn cứ các quy định hiện hành, nếu để nghề này phát triển tự phát, nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao.

Luật sư Phát cho rằng xét toàn diện, chưa đến lúc đưa dịch vụ thám tử vào ngành nghề kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, vì phải tính đến nhu cầu xã hội có thực sự cần thiết không. Thực tế một số nhu cầu chưa phản ánh đúng đó là nhu cầu xã hội để luật hóa.

"Trong tương lai, khi nhu cầu xã hội đủ lớn, chúng ta có thể xem xét để luật hóa dịch vụ thám tử thành một nghề và quy định cụ thể các tiêu chí cho người hành nghề, phạm vi hoạt động...", luật sư Phát bày tỏ.

------------------

Thuê dịch vụ thám tử kiêm đòi nợ thuê, giám đốc Hạ không những không đòi được đồng nào mà còn bị "phản kèo" mất tiền tỉ và phiền phức suốt gần cả năm.

Kỳ tới: Khi thám tử trở mặt xã hội đen

Dịch vụ thám tử tư 'chui' - Kỳ 3: Những thám tử tự phong, chỉ hưởng hoa hồng - Ảnh 3.Dịch vụ thám tử tư 'chui' - Kỳ 2: Thám tử hai mang và 'trò ma' moi tiền

Các công ty thám tử tư luôn cam kết giữ bí mật cho khách hàng nhưng lại chơi trò hai mang. Có nơi còn gợi ý bán thông tin cho bên bị theo dõi để ăn hai đầu hoặc đe dọa khách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp