"Ký hợp đồng bắt ghen 30 triệu đồng, tôi phải ứng trước 5 triệu. Vài ngày sau thám tử xì ra tấm hình rất mơ hồ rồi đòi ứng tiền nữa. Họ lấy lý do chồng tôi cảnh giác, cắt đuôi giỏi nên cần thêm thời gian. Số tiền còn lại họ đòi đưa đủ mới làm tiếp", bà Hồng Hoa (55 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) chán nản nói.
Câu giờ, nhá hàng để moi tiền
Qua giới thiệu của người bạn, bà Hoa liên hệ Công ty thám tử K. (quận Phú Nhuận) nhờ tìm chứng cứ ngoại tình của chồng. Công ty này không có văn phòng, mọi giao dịch thông qua các ứng dụng di động.
Sau cuộc trao đổi qua điện thoại, công ty ra giá cái rẹt 30 triệu đồng. Trong hai tuần bà Hoa sẽ được cung cấp thông tin, hình ảnh đầy đủ. Ký hợp đồng, bà ứng trước 5 triệu.
Một tuần trôi qua cái vèo. Thám tử tư chỉ cung cấp được lộ trình đi lại cơ bản của đức ông chồng. Sáng đánh cầu lông, chiều đi câu đến tận nửa đêm mới về. Tréo ngoe là bên phía thám tử đòi ứng tiếp 10 triệu đồng.
Hết tuần thứ hai, họ gửi bà Hoa vài tấm ảnh chồng ngồi câu ở hồ cá tuốt quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), sẩm tối gom cần ra về. Khoảng thời gian còn lại "cần thủ" đi đâu gặp ai có trời mới biết.
Vài hôm sau, phía thám tử chuyển cho bà "hàng nóng" là đoạn clip chồng cua xe vào con hẻm hun hút đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Dĩ nhiên vẫn bài cũ: than khó và đòi thêm tiền.
"Phim" đang hay, bà Hoa phải chiều theo. Họ gửi cho bà đoạn phim ngắn tủn ngủn chồng chở một phụ nữ che kín mặt. Bà nóng ruột hỏi địa chỉ, hình ảnh quả tang thì thám tử nói "cần theo dõi thêm". Quá quen với kiểu nhá hàng vòi tiền, bà Hoa tức khí bỏ ngang...
Hiện có không ít công ty thám tử làm ăn chụp giật, nhận tiền xong trầy trật để câu giờ. Nhiều nơi được ứng tiền rồi lặn mất tăm. Khách đòi bóc phốt lên mạng thì họ giở quẻ, dọa tố ngược lại người bị theo dõi. Có thám tử đưa ra thông tin "ma", đánh vào tâm lý nôn nóng của khách để moi tiền. Nhiều lần đưa tiền nhưng kết quả không như mong muốn, khách nản lòng đành bỏ cuộc.
Có cô bạn gái ở Việt Nam, anh Văn Bảo (40 tuổi, Việt kiều Canada) lên mạng thuê thám tử điều tra nhân thân người trong mộng. Thỏa thuận xong, công ty thám tử đòi ứng 20 triệu đồng, hứa hai tuần có kết quả.
"Tiền trao nhưng chờ hoài không thấy thông tin gì. Gọi điện hỏi, họ cung cấp thông tin mơ hồ, kiểm chứng lại thì trật lất. Biết gặp phải thám tử tào lao, tôi đòi lại tiền, nhưng họ chặn hết các ứng dụng liên lạc", anh Bảo thở dài.
Bắt cá hai tay, ăn tiền hai phía
Các công ty thám tử luôn cam kết giữ bí mật cho khách hàng nhưng lại chơi trò hai mang. Có nơi còn gợi ý bán thông tin cho bên bị theo dõi để ăn hai đầu hoặc đe dọa khách để thu lợi...
Mới đây, Công ty thám tử K. cử nhân viên Quốc Triều (quê Lâm Đồng) truy tìm một chiếc xe hơi đắt tiền. Ngoài biển số xe, thám tử không được cung cấp gì thêm vì đó là nguyên tắc của nghề. Phát hiện xe ở đâu báo về là xong, các bước tiếp theo do người khác đảm nhận.
Hồ sơ khách hàng thì rõ ràng hơn. Anh Ngô Kiên (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho bạn mượn xe nhưng bạn lại lấy xe đem cầm. Tiệm cầm đồ bán thanh lý cho nhiều người. Kiên tìm tới làm lớn chuyện, chủ tiệm đành nhờ thám tử tìm xe chuộc về trả khổ chủ.
Một ngày đẹp trời, Triều phát hiện xe gửi tại một bãi xe ở TP Thủ Đức. Anh chụp hình, định vị bãi xe nhưng hôm sau mới báo cho công ty. Khi bên công ty, chủ tiệm cầm đồ và anh Kiên đến thì chiếc xe không bao giờ quay về nữa.
Nhân viên bãi xe cho biết "Cách đây một ngày, có người đến gặp tài xế. Họ trao đổi gì đó rồi tài xế lên xe chạy đi". Ai cũng cười mếu khi kiểm tra camera phát hiện người đàn ông kia chính là Triều. Anh chàng thám tử hai mang bị sa thải ngay sau đó.
Anh Quốc Huy, giám đốc Công ty thám tử Q. (quận Phú Nhuận), cho biết làm nghề này không tránh khỏi việc bị nhân viên chơi trò bắt cá hai tay. "Có người ém lại thông tin để đi đêm với khách. Người thì nhận tiền của khách sau đó bí mật tiếp cận, gợi ý bán thông tin cho bên bị theo dõi để ăn hai đầu. Cao tay hơn, có người dùng thông tin khống chế, đe dọa chính khách hàng hoặc người bị giám sát để moi tiền", anh tiết lộ.
Mới đây, một nhân viên của anh Huy nắm được chứng cứ ngoại tình của một vị giám đốc ở Bình Dương đã nhắn tin gạ bán lại. Tưởng dễ ăn, anh này bị vị giám đốc kia đưa vào bẫy, buộc tiết lộ thân phận, nơi làm việc.
Sau khi "nựng" nhẹ thám tử, vị giám đốc đưa người đến công ty anh Huy quậy tưng bừng và dọa tố cáo hành vi xâm phạm đời tư.
Các công ty thám tử thừa nhận rất khó kiểm soát hoạt động của nhân viên mình. "Do tính chất công việc nên không thể quản lý, giám sát họ mọi lúc mọi nơi. Có khi họ nắm được mười nhưng báo cáo về một cũng chịu. Mình lớ ngớ là bị qua mặt ngay", anh Huy nói.
Ranh giới mong manh
Các dịch vụ mà các công ty thám tử cung cấp khá nhạy cảm vì liên quan bí mật đời tư, quyền công dân. Họ ngang nhiên công bố hình ảnh đời tư, giám sát chuyện đi lại, sinh hoạt, thư tín... Vì vậy, ranh giới giữa việc theo dõi, cung cấp thông tin với xâm phạm đời tư là rất mong manh.
Theo luật gia Phạm Văn Chung, pháp luật quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan phải được người đó đồng ý.
Mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật. Người cung cấp thông tin và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi, công bố hình ảnh đời tư... của người khác đều có thể bị xử lý. Mức phạt cho hành vi này từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và 40 - 60 triệu đồng đối với tổ chức.
"Nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác", ông Chung phân tích.
Nghiêm trọng hơn, nếu ai đó cố tình phát tán thông tin lên mạng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của "khổ chủ" thì có thể bị xử lý theo Luật An ninh mạng. Tùy tính chất, mức độ, thiệt hại do hành vi vi phạm mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng.
Ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội
Theo luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề thám tử đang là nỗi băn khoăn của nhiều người.
"Nếu thừa nhận dịch vụ thám tử là ngành nghề kinh doanh chính thức mà không có tiêu chuẩn về chất lượng và đạo đức nghề nghiệp dễ dẫn đến tình trạng thám tử hành nghề không đúng mực, gây ảnh hưởng tiêu cực cho khách hàng và xã hội", ông nói.
--------------------------
Tại điểm hẹn, một người tên Trí cho biết công ty đang tuyển 30 thám tử, ưu tiên những người làm trong ngành bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu. Số còn lại trẻ tuổi, sẵn sàng "đánh án" xa. Nghe vậy, anh Từ nói ngoài kỹ năng chạy xe ôm, anh không có bằng cấp gì.
Kỳ tới: Thám tử tự phong, không lương, chỉ hưởng hoa hồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận