Một quán cơm bình dân trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bán cho giới nhân viên văn phòng và sinh viên vẫn giữ nguyên giá - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Giá xăng giảm kỷ lục đã kéo theo một số mặt hàng rau quả, thực phẩm liên tục giảm giá thời gian gần đây nhưng các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn chần chừ không chịu giảm, thậm chí có nơi còn tăng.
Và một trong những lý do quen thuộc lý giải cho việc chưa giảm giá là nguyên liệu đầu vào không giảm...
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng vừa được Tổng cục Thống kê công bố thì nhóm ăn uống ngoài gia đình tiếp tục tăng, bất chấp giá thực phẩm và xăng dầu giảm sâu.
Chỉ tăng, không giảm
12g một ngày giữa tháng 11-2014, quán cơm trưa văn phòng Châu café (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1) nhộn nhịp bóng dáng những nhân viên văn phòng. Thực đơn được mặc định sẵn, giá mỗi phần rẻ nhất từ 30.000 đồng. Mức giá này được giữ nguyên trong khoảng hai năm gần đây.
Đặt câu hỏi giá xăng dầu, giá gas thời gian qua đồng loạt giảm sâu sao quán không điều chỉnh giảm giá cơm, bà Bảo Vân - quản lý quán này - phân trần: “Mình mà giảm giá được sẽ càng thu hút khách nhưng thực tế có cái gì giảm đâu để mình giảm giá.
Nói là giá xăng dầu giảm nhưng ngày nào chúng tôi cũng lấy nguyên liệu thịt cá, rau củ đủ loại mà có thấy thứ nào giảm đâu. Thậm chí còn tăng đều đều. Giá thịt bò thời gian trước chúng tôi mua khoảng 200.000 đồng/kg giờ lên 220.000 đồng/kg rồi, các loại cá cũng thế, trước khoảng 60.000 đồng/kg giờ cứ đều đều trên 70.000 đồng/kg hết”.
Cũng theo bà Vân, chỉ có giá gas là lên xuống thấy rõ ràng nhất. Tháng 11 giá gas giảm 40.000 đồng/bình 12kg, theo đó quán tiết giảm được khoảng 200.000 đồng chi phí nhiên liệu (dùng 5 bình/tháng). Tuy nhiên, chi phí giảm này bù lại cho các chi phí điện, nước phát sinh tăng.
Tìm đến một tiệm ăn khác có tên Góc Nhỏ trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), thực đơn cũng được in sẵn, sang trọng lồng trong tấm kính từ khá lâu. Mỗi phần ăn từ 79.000 đồng trở lên, combo tiết kiệm cũng xấp xỉ 100.000 đồng/phần.
Dạo một vòng quanh khu vực ăn uống ở nhiều trung tâm thương mại tại Q.1, Q.3, nhiều người giật mình khi nhìn vào thực đơn. Giá các loại đồ ăn như bún, phở hay hủ tiếu ở mức 70.000-90.000 đồng/tô, mức giá này vẫn được giữ nguyên nhiều tháng nay.
Các chủ quầy đồ ăn đều giải thích với lý do giá nguyên liệu nhập vào đều được đặt hàng trước, nên giá xăng, giá thực phẩm giảm tác động không nhiều, bên cạnh giá mặt bằng đắt đỏ đã khiến các loại đồ ăn ở đây luôn có xu hướng tăng giá chứ không giảm.
Trong khi đó, khảo sát của chúng tôi tại các quán ăn gia đình, quán nhậu từ khu vực trung tâm TP đến vùng ven như Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức... hầu như không có việc hạ giá bán. Cụ thể, tại hàng loạt quán ăn nhậu dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) được mở khoảng một năm nay, giá thành các món ăn đều được giữ như thời điểm khai trương.
Các món ốc, lẩu hay nướng trước đây có giá 45.000-120.000 đồng/món nay vẫn giữ nguyên. Anh Huy, chủ quán chuyên các món nướng (BBQ) tại đây, cho biết không giống như các quán cơm có sẵn lượng khách ổn định nên dễ hoạch tính chi phí, doanh thu, quán nhậu rủi ro lớn, việc tính toán giá cho mỗi món ăn không dễ thay đổi.
“Chúng tôi sẽ linh động mức lợi nhuận trong việc tăng lượng thức ăn, chất lượng phục vụ... để lôi kéo và làm hài lòng thực khách thay vì điều chỉnh giá” - anh Huy bày tỏ.
Giảm giá hàng bình ổn
Qua khảo sát, Sở Tài chính TP.HCM nhận định lượng hàng ngoài thị trường đang dư thừa, đặc biệt là giá xăng dầu giảm, giá nguyên liệu giảm, do đó cơ quan này đã quyết định giảm giá hàng loạt mặt hàng bình ổn thị trường, từ thịt heo, thịt gà đến thịt vịt, trứng gia cầm, có sản phẩm giảm lên tới 5.000 đồng/kg so với trước đó. Bản thân chỉ số giá tiêu dùng cũng phản ánh nhóm thực phẩm của cả nước đã giảm 0,1% so với tháng 10-2014, tuy nhiên nhóm ăn uống ngoài gia đình lại tăng thêm 0,03%. |
Đầu vào đã giảm mạnh
Hầu hết quán ăn, nhà hàng đều giải thích giá nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể hoặc chi phí nhiều thứ đội lên. Điều này là trái với thực tế bởi suốt nhiều tháng qua, giá thực phẩm từ rau củ, thịt cá đều có xu hướng giảm.
Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều chợ ở TP.HCM, từ tháng 6 mặt hàng rau phổ biến trong chế biến là bắp cải khi mua tại nhà vườn ở Đà Lạt có giá 5.000-7.000 đồng/kg, ra đến chợ lẻ tại TP.HCM bán ở mức 15.000-17.000 đồng/kg.
Tuy nhiên đến đầu tháng 11, khi giá mặt hàng này giảm mạnh do nguồn cung dư thừa, mua tại vườn chỉ 3.500 đồng/kg, ra đến chợ lẻ ở mức dưới 10.000 đồng/kg thì các nhà hàng, quán ăn vẫn giữ nguyên mức giá cũ.
Trước đó vào thời điểm từ ngày 20 đến 25-10, giá hàng loạt mặt hàng rau củ, thực phẩm giảm mạnh. Điển hình là cà chua, bắp cải, cải thảo xuống dưới 10.000 đồng/kg, cà chua cũng được các đầu mối mua chưa đến 5.000 đồng/kg, so với thời điểm 10 ngày trước đó, giá các mặt hàng này đã giảm một nửa.
Theo giải thích của nhiều nhà vườn, thời điểm này các mặt hàng rau củ đang rộ vụ nên giá giảm. Bên cạnh đó, do việc siết tải trọng vận chuyển đã khiến một lượng lớn hàng hóa tồn ứ, không thể phân phối kịp đi các tỉnh phía Bắc nên tràn về TP.HCM, lượng rau củ tại các chợ đầu mối rất dồi dào nên giá giảm mạnh so với trước đó.
Chủ vựa rau củ Ánh Phương (chợ Hóc Môn) cho biết giá các loại rau về chợ đã giảm mạnh.
Tương tự ở nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đến đầu tháng 11 nguồn cung thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm trên thị trường rất dồi dào. Các đơn vị sản xuất như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đều khẳng định sản lượng dồi dào.
Dữ liệu: Dũng Tuấn (từ các chợ lẻ và đầu mối) - Đồ họa: Vĩ Cường |
Đại diện Công ty Vissan cho rằng so với lúc cao điểm, giá thịt heo ngoài thị trường hiện đã giảm từ 10-15%, mức giá này có được do tác động từ nhiều yếu tố, kể cả việc vận chuyển.
Nhiều chủ sạp tại chợ Hóc Môn cũng thừa nhận giá thịt heo về chợ từ các trang trại ở Đồng Nai đã giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với một tháng trước.
Tương tự, các doanh nghiệp cung ứng trứng gia cầm bán lẻ, quán ăn, nhà hàng cũng khẳng định giá bán hiện đã giảm 5-7% so với trước đây khoảng một tháng.
Theo lý giải của các chuyên gia hàng tiêu dùng, việc kềm giữ giá cả hàng hóa để bù chi phí cũng không thật sự hợp lý.
“Người tiêu dùng bây giờ đi ăn nhà hàng, ngoài việc phải trả chi phí cho giá trị nguyên liệu làm nên tô phở, tô bún thì cũng bắt buộc phải gánh thêm chi phí mặt bằng, quảng cáo... đủ thứ, nên không có chuyện giữ giá để bù chi phí qua lại giữa các khoản chi” - một chuyên gia cho biết.
Thêm nhiều doanh nghiệp vận tải giảm cước Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo HĐND TP và UBND TP về tình hình thực hiện điều chỉnh giá cước vận tải đường bộ của các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, đến hết ngày 24-11, đối với vận tải hành khách bằng taxi đã có 11/26 doanh nghiệp taxi kê khai giảm với mức giảm giá cước từ 2,7-4,8% tùy theo từng đơn vị và từng loại xe. Trong đó, taxi Mai Linh có mức giảm cao nhất là 2,7-4,8%... Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định, có 28/57 đơn vị kinh doanh vận tải kê khai giảm giá cước với mức giảm từ 2-11%. Trong đó, Hãng xe Thuận Thảo giảm 11%, Hợp tác xã xe khách liên tỉnh - du lịch & dịch vụ Thống Nhất giảm từ 5,45-11%, Công ty cổ phần xe khách & dịch vụ Miền Tây giảm từ 5-11,25%... Một số hãng xe khác có kê khai lại giá cước nhưng vẫn giữ nguyên mức giá do các nhà xe này đã giữ mức giá cước ổn định từ năm 2012 đến nay. Riêng đối với Công ty cổ phần xe khách Phương Trang vẫn kê khai lại với mức giá không giảm với lý do nâng cao chất lượng dịch vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận