Bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm ở hành lang Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Ảnh: T. LŨY
Đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, đặc biệt là khu vực Khoa nhiễm - thần kinh trong những ngày này, mới thấy hết nỗi khổ của gia đình bệnh nhi và các y bác sĩ. Cả bệnh viện căng mình đối phó với lượng bệnh nhi đông gấp đôi, gấp ba.
Cao điểm 5 bé/giường bệnh
Các phòng bệnh chen đặc người, các bé được bố trí 2 bé/giường, lúc cao điểm có khi phải bố trí 5 bé/giường. Nhưng do nhiều bé quấy khóc không thể nằm giường được nên cha mẹ ra hành lang trải chiếu nằm, nơi nào còn trống đều được tận dụng hết. Từ hành lang, lối đi, quanh khu vực thang máy đều chen kín người, tiếng khóc la của trẻ con vang khắp, bóng áo trắng thoăn thoắt như con thoi xen giữa các dãy phòng. Các dãy hành lang, phòng thực tập của sinh viên y khoa được bệnh viện tận dụng kê thêm giường cho bệnh nhi nằm.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh (ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có con vừa nhập viện kể: "Ở nhà thấy bé sốt uống thuốc không khỏi nên tôi đưa đi khám bác sĩ gần nhà. Trên đường đi tự nhiên mắt con trợn trắng, tôi sợ quá nên chở luôn qua Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Không ngờ ở đây đông quá, giường nằm 2 bé, mà con tôi khó chịu, cứ quấy khóc hoài nên mới đem ra hành lang nằm cho thoải mái. Đông quá, tội nghiệp mấy đứa nhỏ và cũng thương mấy cô điều dưỡng nữa, làm không kịp nghỉ tay luôn".
Điều dưỡng Trần Thị Kim Cúc, điều dưỡng trưởng khoa nhiễm - thần kinh, chia sẻ những hôm đầu tuần đông khoa này lên đến 280-300 bệnh nhi, chủ yếu là bệnh tay chân miệng. Giữa tuần còn khoảng 230 bệnh, sau đó đông trở lại. Khoa đã được bệnh viện bố trí kê thêm giường ở hành lang, tận dụng phòng trống, lấy thêm khu bên khoa sốt xuất huyết nữa là được khoảng 140 giường.
Người trực làm liên tục từ sáng đến tối không kịp, có những ngày không kịp cả ăn trưa, từ sáng đến 2-3 giờ chiều mới ăn cơm, có điều dưỡng làm việc quá sức đã ngất xỉu.
Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, trưởng khoa nhiễm - thần kinh, cho hay: "Chúng tôi huy động hết tổng lực, thời điểm này không giải quyết cho ai nghỉ phép, nghỉ việc gia đình vì nhân lực cho biên chế giường bệnh chỉ có 60 giường, giờ tăng cao như vậy mà nghỉ thì không đủ người làm! Bệnh viện cũng bố trí tăng cường bác sĩ và điều dưỡng khoa khác lên đây, nhưng cũng chỉ đỡ phần nào thôi. Cường độ công việc tăng lên gấp 6 lần bình thường, hiện khoa có 5 bác sĩ phải chia nhau khám gần 300 bệnh nội trú mỗi ngày.
Lan nhanh ra nhiều tỉnh
Tình hình dịch tay chân miệng tại các tỉnh ĐBSCL gia tăng nhanh chóng trong khoảng 3-4 tuần gần đây. Tỉnh Đồng Tháp là nơi có tổng số ca mắc tay chân miệng tăng cao nhất trong khu vực, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 2.000 ca (hơn 80% là trẻ dưới 3 tuổi), số liệu này vẫn chưa đầy đủ do bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị ngoại trú còn rất nhiều.
Điều đáng lo ngại là theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, từ khoảng nửa cuối tháng 9 đến nay, số ca bệnh nhập viện tăng gần 50% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có một bệnh nhi 20 tháng tuổi đã tử vong vào cuối tháng 8.
Bác sĩ Nguyễn Mộng Hùng - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang - cho biết trong khoảng 3 tuần gần đây số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tăng mạnh. Đến thời điểm này có 1.088 ca bệnh (so với tháng trước tăng 74,2%). Tỉnh đang tích cực cho công tác phòng chống dịch, vì dự báo đỉnh dịch sẽ là giữa tháng 10 và đầu tháng 11.
Ghi nhận tại khoa nội nhi Bệnh viện Sản - nhi An Giang vào thời điểm này, số bệnh nhi bị tay chân miệng cũng tăng nhanh, khoa có kê 120 giường bệnh nhưng lượng bệnh hiện tại trên 160. Ban giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo tìm chỗ trống như hành lang kê thêm giường bệnh cho bệnh nhi tay chân miệng nằm điều trị, không để bệnh nhi thiếu chỗ nằm.
Các tỉnh vùng phù sa nước mặn của ĐBSCL cũng đang có số ca bệnh tay chân miệng tăng đột biến trong những tuần gần đây. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng ghi nhận trên 500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tại Cà Mau, ngành y tế dự phòng tỉnh cũng đang báo động về dịch tay chân miệng ở trẻ em, với gần 600 ca mắc.
Tại các địa phương này, số bệnh nhi nhập viện tại các bệnh viện cũng đang gia tăng nhanh trong những tuần gần đây, ngành y tế đặc biệt lo ngại những ổ dịch tại các trường mẫu giáo, tiểu học…
Nhiều ca nhiễm virút EV71 nguy hiểm
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng - Ảnh: T. LŨY
“Mùa dịch năm nay, chúng tôi ghi nhận đa số ca tay chân miệng mắc chủng virút EV71, nhiều trường hợp chuyển độ nhanh và đột ngột, có khi bỏ qua độ 2, đột ngột vô độ 3 sốc và suy hô hấp nhanh. Chúng tôi luôn nhắc các y bác sĩ tư vấn rất kỹ cho người nhà, trẻ mới bị độ 1 nổi bóng nước ở tay chân nhưng vẫn phải theo dõi kỹ diễn biến, nếu sốt đột ngột, tay chân chới với, đi loạng choạng... phải báo ngay cho nhân viên y tế. Có khi trong vòng vài giờ là chuyển từ độ nhẹ sang nặng rất nguy hiểm” - bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận