Cơ sở giết mổ heo Thy Thọ (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) chuẩn bị lô hàng cung cấp cho một hệ thống siêu thị - Ảnh: A LỘC
Đến cuối ngày 8-4, theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), có 5 ổ dịch địa phương tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình và Hòa Bình đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện công bố hết dịch.
Trong khi đó, sau một thời gian thận trọng hơn với thịt heo, tâm lý người tiêu dùng cũng được cải thiện, nên lượng heo tiêu thụ thời gian gần đây đã tăng trở lại, giá thịt heo cũng dần phục hồi.
Nhiều địa phương đã dập được dịch
Ngày 8-4, ông Bùi Duy Quang - chủ tịch UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) - cho biết địa phương này vừa ban hành quyết định về việc công bố hết ASF tại xã Ninh Khang, sau khi qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Trước đó, ngay khi phát hiện ổ dịch tại một hộ chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện Hoa Lư đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện cùng UBND xã Ninh Khang tiêu hủy toàn bộ đàn heo bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng dịch và khu vực xung quanh.
Ngoài ra, địa phương này cũng lập 6 chốt kiểm dịch động vật hoạt động 24/7, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời, đồng thời yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi không giết mổ, không bán chạy heo bệnh, heo chết.
Sau một tháng tích cực chống dịch, trên địa bàn huyện Hoa Lư nói chung và xã Ninh Khang không phát hiện thêm ổ dịch mới, huyện đã công bố hết dịch, mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán heo và các sản phẩm từ heo trên địa bàn được phép trở lại bình thường.
Trước đó ngày 5-4, UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã công bố hết ASF tại xã Hợp Thanh. Ngày 28-3, quận Long Biên (Hà Nội) cũng công bố hết dịch tại phường Ngọc Thụy.
Ông Đàm Xuân Thành - phó cục trưởng Cục Thú y - cho biết theo quy định của Luật thú y, sau 30 ngày ổ dịch tại các xã không có dịch phát sinh, địa phương (huyện hoặc tỉnh) sẽ công bố hết dịch.
"Việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể vận chuyển heo sống và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo diễn ra bình thường trong nội tỉnh, đồng thời có thể tái đàn theo quy định", ông Thành nói.
Với heo và các sản phẩm thịt heo từ các vùng dịch, theo ông Thành, các địa phương đều lập chốt, không cho vận chuyển heo, sản phẩm heo ra khỏi khu vực có dịch, chưa kể các tỉnh đều có chốt kiểm dịch nên nguy cơ lây lan từ con đường này rất thấp.
"Riêng các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo sạch nằm trong vùng dịch muốn vận chuyển heo tiêu thụ vẫn phải kiểm tra, nếu dương tính phải tiêu hủy. Quan điểm là vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo an toàn cho cơ sở chăn nuôi và người dân", ông Thành khẳng định.
Nhưng không chủ quan
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, yêu cầu nâng cao an toàn sinh học, kiên quyết giữ đàn trong giai đoạn này.
Khi các địa phương có đủ điều kiện chăn nuôi sẽ có nguồn cung giống để phục hồi sản xuất. Bộ cũng đã họp nhiều lần về nghiên cứu sản xuất văcxin chống ASF để chuẩn bị trình Chính phủ về phương án nghiên cứu sản xuất văcxin.
"Nếu phát triển chăn nuôi heo mà không có văcxin, chúng ta phải gánh chịu, phải sống chung với dịch", ông Tiến nói, đồng thời cho biết kinh nghiệm bùng phát ASF tại Việt Nam thời gian qua cho thấy đa số dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi an toàn sinh học và vệ sinh thú y đối với các hộ chăn nuôi này còn rất thấp.
Cũng theo ông Tiến, trong quá trình chỉ đạo chống dịch, cơ quan chức năng luôn chỉ đạo an toàn sinh học phải ở mức rất cao, trong đó yêu cầu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải phun thuốc, rắc vôi sát trùng, cả trong và ngoài chuồng, từ nhà ra đến đường đi lại.
Việc sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khu công nghiệp cũng là một nguyên nhân dẫn tới phát sinh ASF nên người dân cần lưu ý khi sử dụng thức ăn dư thừa để nuôi heo.
Trước khi một số địa phương công bố hết dịch, ASF đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 73.000 con heo bệnh và buộc phải tiêu hủy.
Do đó theo ông Tiến, dù dịch ASF có dấu hiệu chững lại nhưng các địa phương vẫn phải chủ động, quyết liệt. "Nếu chủ quan và lơ là trong phòng chống dịch, chắc chắn hậu quả sẽ xảy ra rất khó lường", ông Tiến khuyến cáo.
Giá heo hơi tăng mạnh
Ngày 8-4, ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết giá heo hơi trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, heo hơi hiện được thương lái mua với giá từ 45.000-47.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm 2 tuần trước.
Trước đó, do ảnh hưởng từ thông tin bệnh dịch ASF xuất hiện và lan rộng ở các tỉnh thành phía Bắc, giá heo hơi liên tục giảm, từ 53.000 đồng/kg xuống đến 36.000 đồng/kg. Kéo theo đó là giá con giống cũng giảm 20-30% so với thời điểm trước khi ASF xuất hiện.
Theo ông Đoán, giá tăng trở lại do lượng cung giảm, trong khi nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp đã tiêu thụ thịt heo trở lại sau khi được các cơ quan chức năng khẳng định dịch ASF được kiểm soát chặt, thịt heo an toàn.
Tuy nhiên, ông Đoán cho biết người chăn nuôi vẫn còn e ngại dịch ASF nên không có hiện tượng giữ đàn chờ giá lên như các đợt tăng giá trước đây, heo đến tuổi là người chăn nuôi đã kêu thương lái vào bắt.
A LỘC
Lượng heo bán ra tại chợ dần phục hồi
Giết mổ heo tại một cơ sở - Ảnh: NG.TRÍ
Lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (TP.HCM) những ngày gần đây có xu hướng phục hồi dần sau khi giảm sâu trước đó, giá thịt cũng bắt đầu tăng lên.
Theo đó, lượng heo về chợ Hóc Môn 5 ngày qua ở mức 4.000-4.200 con/đêm, tăng 500 con/đêm so với mức thấp tháng trước. Tương tự, lượng heo và phụ phẩm heo bán ra tại chợ Bình Điền cũng tăng trở lại với trung bình 217 tấn/đêm.
Giá thịt heo tại các chợ đầu mối cũng tăng trở lại. Giá thịt mảnh (đã mổ) bán ra tại 2 chợ này đã cao hơn 4.000-6.000 đồng/kg so với mức thấp nhất tháng trước, trung bình 61.000-66.000 đồng/kg loại 1, 52.000-57.000 đồng/kg loại 2 và heo mảnh loại nái 38.000-40.000 đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Tiển - phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, thông tin dịch bệnh thời gian qua diễn biến không quá phức tạp, nhu cầu tăng dần so với thời kỳ thấp điểm tháng trước nhưng nguồn cung heo có xu hướng giảm là nguyên nhân chính giúp giá heo bán ra tại chợ tăng dần. Tuy nhiên, so với thời điểm bình thường, lượng heo bán ra vẫn thấp hơn 20-25%.
NGUYỄN TRÍ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận