02/03/2019 20:20 GMT+7

Dịch tả heo châu Phi có ở tỉnh thành, bộ trưởng NN & PTNT xuống xã

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Đó là nội dung được bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi dẫn đầu đoàn công tác về kiểm tra thực địa tình hình dịch tả lợn châu Phi tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng chiều 2-3.

Dịch tả heo châu Phi có ở tỉnh thành, bộ trưởng NN & PTNT xuống xã - Ảnh 1.

Đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Liên Khê - Ảnh: TIẾN THẮNG

Theo ông Cường, hiện tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tính đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa và Hà Nam.

Tập trung công tác ngăn chặn, khống chế dịch

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định dịch tả lợn châu Phi là dịch mới xuất hiện tại khu vực châu Á cũng như Việt Nam. Dịch không gây ảnh hưởng cho người cũng như vật nuôi khác, nhưng lan truyền và gây chết trên đàn lợn rất nhanh, do vậy cơ quan chức năng và người dân không được chủ quan.

Ông Cường đề nghị ngành thú y phải phối hợp cùng các đơn vị chức năng tập trung tối đa nguồn lực cho việc ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan diện rộng.

Thông tin tới đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết tại thành phố này dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ ngày 22-2, tại thôn 12, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên.

Tính đến trưa ngày 2-3, bệnh dịch đã xảy ra tại 38 hộ thuộc hai huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng. Tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 424 con, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Thủy Nguyên.

Tất cả những đàn lợn còn lại trong vùng dịch hiện vẫn đang được giám sát chặt chẽ, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng được thực hiện theo quy định phòng chống dịch hiện hành.

Hiện trên địa bàn TP Hải Phòng có tổng đàn lợn ước đạt 412.058 con với sản lượng thịt lợn hơi đạt 9.489,33 tấn. 

UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo các địa phương khoanh vùng dịch, lập và duy trì hoạt động của các chốt kiểm tra 24/24h, kiên quyết xử lý với các trường hợp vi phạm. Hiện Hải Phòng đã chỉ đạo thành lập 5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các đầu mối giao thông trọng điểm.

Dịch tả heo châu Phi có ở tỉnh thành, bộ trưởng NN & PTNT xuống xã - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị tập trung tối đa công tác ngăn chặn, khống chế không để lây lan dịch tả lợn châu Phi - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Nguyễn Văn Tùng cũng nêu ra một số khó khăn tồn tại hiện nay của Hải Phòng khi có đến 712 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ, phân tán không có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình chiếm tỉ lệ lớn và đa phần không thực hiện đầy đủ biện pháp vệ sinh phòng dịch.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng đề nghị trung ương và Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn bởi chi phí này là tương đối lớn.

Cụ thể, như Công ty TNHH cung cấp giống lợn Dabaco Hải Phòng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên hiện nay dù đạt tiêu chuẩn nhưng do nằm trong vùng dịch nên bắt buộc phải có kiểm dịch mới được đem đi tiêu thụ. Tuy nhiên, kinh phí để xét nghiệm khoảng 5 triệu đồng/chuyến xe vận chuyển được 100-500 con lợn giống trong khi trung bình mỗi tháng công ty này xuất bán đến 4.500 con.

Phòng chống dịch bằng nguyên tắc "3 không"

Không cho người lạ, kể cả người thân ra, vào khu vực trang trại, gia trại. Không mua nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi không rõ nguồn gốc. Không sử dụng các loại thực phẩm phục vụ bữa ăn gia đình từ các loại thịt hoặc sản phẩm thịt chế biến mua từ nơi khác về mà không được cơ quan thú y đóng dấu kiểm dịch.

Đó là 3 nguyên tắc mà nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn và một số gia trại trên địa bàn thành phố áp dụng hiện nay.

Hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Dụng tại xã Lê Lợi, huyện An Dương có gia trại chăn nuôi ở ven đê, xa khu dân cư, mấy ngày nay đều được đóng kín. Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện An Dương đến kiểm tra tình hình chăn nuôi của các hộ cũng được chủ trang trại yêu cầu không vào gần khuôn viên trang trại, đồng thời đề nghị tìm vị trí khác để cung cấp, trao đổi thông tin.

Không chỉ hộ ông Dụng ở xã Lê Lợi, nhiều hộ chăn nuôi có quy mô vài trăm con trên địa bàn các xã khác như Hồng Phong, Nam Sơn… cũng không cho bất kỳ ai vào trang trại. Các hộ thường mua thức ăn chăn nuôi ở các cửa hàng, đại lý tin cậy, chọn các thương hiệu cám uy tín…

Theo cán bộ phụ trách chăn nuôi huyện Vĩnh Bảo, mấy ngày nay khi xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết ở các huyện lân cận, các hộ chăn nuôi trên ở các xã có vùng chăn nuôi tập trung như Việt Tiến, Vĩnh An… tuyệt đối không cho bất kỳ ai đến thăm trang trại, kể cả người thân.

Tại trang trại chăn nuôi của ông Bùi Minh Họa (xã Thái Sơn, huyện An Lão), các kỹ sư nông nghiệp thường xuyên theo dõi, giám sát các chế độ thức ăn, dinh dưỡng của đàn lợn. Ông Họa cho biết trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn, chủ yếu là lợn sinh sản giống Mỹ và Đài Loan, chi phí đầu tư của trang trại khá lớn nên công tác phòng chống dịch bệnh càng được cẩn trọng hơn.

Hằng ngày, các kỹ sư nông nghiệp giám sát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ cao có thể gây xâm nhiễm dịch bệnh vào trang trại. Để bảo đảm sinh hoạt cho các kỹ sư nông nghiệp và công nhân làm việc tại trang trại, hằng tuần, trang trại giết mổ lợn, gà nuôi được từ trang trại, sử dụng rau, cá sạch được sản xuất tại trang trại để làm nguồn thực phẩm cho lực lượng lao động, không mua.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp