Các bệnh nhân đang điều trị tại phòng bệnh nặng, khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - Ảnh: X.MAI
Dịch sốt xuất huyết vẫn đang bùng phát mạnh vào mùa mưa...
Nhiều bệnh nhân trên 18 tuổi
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, số ca nhập viện sốt xuất huyết trong tháng 10 vừa qua gấp 1,4 lần so với tháng trước. Cụ thể, tháng 9 là 1.134 ca, trong khi tháng 10 lên đến 1.581 ca.
Tình hình này cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Theo số liệu thống kê của bệnh viện này, từ ngày 15-10 đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 351 ca sốt xuất huyết, gấp 2,3 lần so với nửa đầu tháng 10. Trong đó, phần lớn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue, với khoảng 70% số ca nhập viện điều trị trên 18 tuổi.
Theo Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, quận Thủ Đức là 1 trong 8 quận trọng điểm về sốt xuất huyết trong địa bàn TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, quận Thủ Đức đã có 1.006 ca, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ổ dịch bệnh tập trung nhiều tại các phường có mật độ dân cư cao, gần khu công nghiệp, khu đại học, khu nhà trọ, các công trình dự án treo như phường Linh Trung, Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước...
Không chỉ trẻ em mới gặp nguy hiểm
Khi nói đến sốt xuất huyết, chúng ta thường nghĩ ngay bệnh thường xảy ra ở trẻ em, còn đối với người lớn sẽ không dễ mắc bệnh và bệnh không nguy hiểm ở người lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm không ngoại trừ người nào, bất kể thanh niên, người già hay trẻ em khi mắc phải.
11h trưa 7-11, tại khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn còn rất đông bệnh nhân ở mọi độ tuổi đến khám, tái khám sốt xuất huyết. Đa số bệnh nhân này được các bác sĩ cho điều trị tại nhà.
Còn ở phòng bệnh nặng, khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, bệnh nhân Đào Thị Vân (60 tuổi, ngụ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) đang điều trị sốt xuất huyết vào ngày thứ 7 thều thào chia sẻ: "Đợt sốt xuất huyết này không chừa ai cả. Thanh niên, người già, trẻ em gì cũng "ngã". Khuya hôm qua, ngày 6-11, tại phòng này có thêm 2 ca sốt xuất huyết nặng, nghe đâu đều là người trong gia đình. Sáng nay, ngày 7-11, các bác sĩ đã chuyển 2 bệnh nhân đó lên tầng trên".
Giường bên cạnh, sinh viên Phạm Viết Luật (24 tuổi, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) chia sẻ mình nhập viện trong tình trạng nhức đầu dữ dội, sốt cao, toàn thân uể oải, nổi ban đỏ... "Khi mới bị bệnh, tôi cảm thấy thân nhiệt cao, người rệu rã, uể oải, ăn uống không ngon. Cảm nhận cơ thể bất thường, tôi đến một bệnh viện khám bệnh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bị sốt siêu vi và cấp thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, bệnh chuyển biến ngày càng nặng nên bạn bè trong phòng trọ đưa tôi nhập viện cách đây 2 ngày" - Luật kể lại.
Một bác sĩ chuyên khoa nhiễm cho rằng nhiều người lớn ỷ sức đề kháng bản thân tốt nên thường rất chủ quan, lơ là khi có những dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết. Khi người lớn nhiễm bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách.
Coi chừng biểu hiện không rõ ràng
Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. Sốt xuất huyết người lớn nguy hiểm nhất là tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...
Dạng sốt xuất huyết biểu hiện bên trong, gây xuất huyết nội tạng thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não với biểu hiện ban đầu rất bình thường, chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh, người mệt mỏi...
"Sốt xuất huyết gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng. Thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt - có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong" - vị bác sĩ này nói.
Trước tình trạng sốt xuất huyết đang có diễn tiến phức tạp, các bác sĩ cảnh báo người dân nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân và gia đình mình như làm sạch nơi ở, ngủ bằng mùng, tránh để nước tù đọng…
Muỗi vẫn còn
Chị Văn Thúy Ngà (công nhân Công ty Nidec Sankyo Việt Nam, hiện tạm trú tại KP5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết khu trọ chị ở rất nhiều muỗi. Mặc dù mọi người trong phòng đã dùng các biện pháp diệt và phòng muỗi sinh sôi như treo mùng khi ngủ, dùng bình xịt côn trùng, đổ các vật dụng chứa nước... nhưng muỗi vẫn còn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận