22/01/2019 09:39 GMT+7

Dịch sởi tràn lan miền Đông Nam Bộ

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Tháng 12-2018, TP.HCM có đến 300-400 ca sởi nhập viện/tuần và hiện vẫn chưa giảm. Các chuyên gia lo lắng nếu phòng chống dịch bệnh không tốt, số người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê đón tết có thể làm dịch sởi dễ lây lan hơn.

Dịch sởi tràn lan miền Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Ông Trần Đắc Phu thăm hỏi một bệnh nhân mắc bệnh saởi nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: T.DƯƠNG

Sáng 21-1-2019, ông H.N.P. (48 tuổi, ở Tiền Giang) mắc bệnh nặng, có biến chứng viêm phổi, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết trước đó ông chưa từng chích ngừa sởi.

Cạnh đó, Đ.T.M.P. 23 tuổi, ngụ ở Đồng Nai, đang có thai 18 tuần tuổi, kể trước đó chị đi chăm con trai bị gãy tay tại một bệnh viện nhi, sau đó về thì chị bị mắc sởi.

95% người mắc đều chưa chích ngừa

Ngày 21-1, báo cáo với đoàn công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh sởi và tiêm chủng của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu làm trưởng đoàn, BS Nguyễn Thanh Trường, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết chưa năm nào bệnh viện này lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi đến vậy.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 1.205 ca sởi, trong đó có 645 ca điều trị nội trú. Số ca mắc bệnh sởi bắt đầu tăng từ tháng 10-2018 đến nay. Số trẻ em và người lớn mắc bệnh sởi tương đương nhau.

Trong số bệnh nhân sởi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có 66% số bệnh nhân ở TP.HCM. Trong số bệnh nhân điều trị nội trú có 27% bệnh nhân có biến chứng, hầu hết biến chứng là viêm phổi.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết số ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM bắt đầu tăng từ tháng 7 nhưng đến tháng 12-2018 tăng vọt với 300-400 ca sởi nhập viện mỗi tuần.

Hiện bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dõi số liệu mắc bệnh sởi qua các năm cho thấy năm 2009-2010, 2013-2014 tăng và năm 2018 số ca sởi tiếp tục tăng cao.

Bác sĩ Nga cũng cho biết có đến 95% các ca mắc bệnh sởi đều chưa được chích ngừa trước đó. Các chuyên gia cho rằng nếu không khống chế được số ca mắc sởi giảm xuống thì sẽ bùng phát vào tháng 6 tới.

Tiêm "vét" cho trẻ em

Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc của đoàn công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh sởi và tiêm chủng của Bộ Y tế với Sở Y tế TP.HCM, ông Trần Đắc Phu nhận định dịch sởi ở thời điểm hiện tại không khác gì "kịch bản" sởi của năm 2013.

Năm nay, dịch sởi còn đến sớm với . Số ca mắc sởi tập trung nhiều ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương là do có nhiều khu công nghiệp, số dân nhập cư nhiều, số người dân đi lại, giao lưu nhiều.

Các bác sĩ cho biết những năm trước vào thời điểm này các bệnh viện ở TP.HCM chỉ tiếp nhận một vài ca sởi, thậm chí không có ca sởi nào, nhưng mới những ngày đầu năm 2019 số ca mắc sởi nhập viện tại các bệnh viện đã tăng nhiều.

Ông Phu cho biết dịch sởi trên thế giới và Việt Nam đều đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân làm dịch sởi diễn biến như thế này là do người dân không chích ngừa sởi.

Bệnh sởi lây rất mạnh, nên những ai chưa mắc bệnh sởi mà chưa được chích ngừa thì khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi sẽ bị mắc bệnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP.HCM đang tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella. Dù được chích ngừa miễn phí nhưng vẫn có 15% các bậc phụ huynh không đồng ý chích ngừa cho con em họ.

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nói TP.HCM sẽ tiếp tục tiêm "vét" cho những trẻ chưa được chích ngừa sởi, đặc biệt là trẻ mới nhập cư.

Nguy hiểm tính mạng

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, văcxin sởi là văcxin lành tính, đảm bảo phòng bệnh cho 90% người tiêm đủ hai mũi, văcxin hiện sử dụng ở VN sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.

Bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết năm 2013 văcxin 5 trong 1 sử dụng hồi đó là Quinvaxem bị tạm ngưng sử dụng trong 5 tháng, nhiều gia đình không cho con đi tiêm chủng văcxin này và cả văcxin sởi, và năm 2014 đã xuất hiện dịch sởi trên diện rộng, làm trên 140 trẻ em tử vong.

Sởi không phải là bệnh nặng, nhưng người mắc sởi dễ suy giảm miễn dịch và dễ bị biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, từ đó nguy hiểm tới tính mạng.

LAN ANH

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp