19/01/2019 15:48 GMT+7

Dịch lở mồm long móng bùng phát tại Quảng Ninh

CÙ HIỀN
CÙ HIỀN

TTO - Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh đang tích cực lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn công tác tiêu hủy thêm một ổ dịch lở mồm long móng xuất hiện tại huyện Bình Liêu.

Dịch lở mồm long móng bùng phát tại Quảng Ninh - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại ổ dịch nhiễm bệnh tại huyện Bình Liêu - Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-1, ông Trần Xuân Đông - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh - cho biết ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn mới xuất hiện là tại gia đình ông Hoàng Thanh Chương, trú tại thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Theo ông Đông, ổ dịch mới được xác định có số lượng 49 con, gồm một con đực giống, 6 con lợn nái, 16 con lợn dưới 25kg và 26 con lợn dưới 35kg. Triệu chứng biểu hiện trên toàn bộ số lợn là đều sốt 41 độ C, móng viêm, tuột ra và chảy máu, một số con lưỡi bị lở loét.

Chi cục đã kiểm tra, lấy mẫu để xác định tuýp virus gây bệnh, đồng thời yêu cầu huyện Bình Liêu cùng chủ hộ chăn nuôi khẩn trương tiêu hủy đàn lợn theo quy trình để tránh nguy cơ tiếp tục lây lan diện rộng.

Ông Đông cho biết hộ gia đình ông Chương có thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin, vệ sinh chăn nuôi đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều khả năng dịch bùng phát là do gia đình vừa chăn nuôi vừa mua bán lợn ở các nơi khác về để giết mổ.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh, hiện nay bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn tỉnh đang có xu hướng tăng và phát sinh tại nhiều địa phương khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã xuất hiện tại 5 xã của 3 địa phương gồm thị xã Đông Triều, huyện Bình Liêu và TP Uông Bí với tổng số lợn bị mắc bệnh là 266 con. Ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại thị xã Đông Triều vào ngày 24-12-2018.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y, hiện đang có nhiều tỉnh thành xuất hiện dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc nên chi cục cũng đã khuyến cáo người dân tăng cường thực hiện việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, tiêm đủ các loại vắcxin, giữ ấm và vệ sinh chuồng trại thường xuyên để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

"Đã chăn nuôi thì phải có dịch bệnh. Với thời tiết giao mùa như hiện nay thì dịch bệnh cũng rất dễ phát sinh. Chúng tôi chủ động khuyến cáo người chăn nuôi nên áp dụng tất cả các biện pháp an toàn dịch bệnh, tránh rủi ro xảy ra khi mà Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang cận kề" - ông Đông nói.

CÙ HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp