* Chúng tôi được biết ông vừa được Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội (L’Espace) mời góp ý cho việc tuyển chọn các tác phẩm mà phía Pháp sẽ tài trợ để dịch sang tiếng Việt trong năm 2007?
- Vâng. Đây là lần đầu tiên tôi được mời làm công việc này. Phía Pháp hàng năm có chương trình tài trợ dịch sách là nhằm quảng bá văn hoá Pháp sang Việt Nam, nhưng việc dịch tác phẩm nào lại do các nhà xuất bản Việt Nam đề xuất. Năm nay chúng tôi tuyển chọn các tác phẩm để tài trợ dịch dựa trên 28 đề xuất của các NXB Việt Nam. Trong quá trình tuyển chọn, tôi đã có ý kiến không tài trợ một số tác phẩm.
* Đó là các tác phẩm nào và lý do tại sao, thưa ông?
- Chẳng hạn như một tác phẩm của triết gia Pháp Francois Jullien, vì tác phẩm của tác giả này đã được dịch khá nhiều sang tiếng Việt qua các bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc hay Trương Thị Anna. Trong khi ấy Pháp còn có nhiều triết gia khác có tầm cỡ như Francois Lullien mà bạn đọc Việt Nam có thể chưa biết tới. Nếu tiếp tục cho xuất bản Francois Jullien sẽ gây ra sự mất cân bằng. Hay cuốn Les Bienveillantes của Jonathan Littell, vì đây là tác phẩm vừa được trao giải Goncourt 2006, bản thân nó có khả năng bán chạy tại Việt Nam, nên để tiền tài trợ cho cuốn khác.
Một số cuốn sách nữa tôi cũng có ý kiến không tài trợ vì đã có những bản dịch từ trước năm 1975. Bản dịch mới và bản dịch cũ khác nhau ở chỗ nào? Thậm chí không loại trừ khả năng là “đạo” lại bản dịch cũ. Năm nay, số tiền tài trợ cho việc dịch sách này khoảng 30.000 euro. Chúng tôi chọn được 13 cuốn, đã gửi về Bộ Ngoại giao Pháp để xin quyết định cuối cùng.
* Ông đã viết nhiều bài phê bình về hoạt động dịch thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Đọc các tác phẩm Pháp dịch sang tiếng Việt thời gian gần đây, ông thấy chất lượng các bản dịch đó có khá hơn không?
- Nhìn chung số người dịch hay, chính xác vẫn chỉ chiếm thiểu số. Trong đó có một số dịch giả như Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Nguyễn Thị Hạnh… mặc dầu họ rất giỏi tiếng Pháp, nhưng đó là một thứ tiếng Pháp đã cũ. Nếu dịch tác phẩm Pháp trước thập niên 1960 - 1970 thì họ dịch rất tốt, còn từ đó tới nay ngôn ngữ Pháp đã thay đổi rất nhiều. Phần đông dịch giả còn lại thường là dịch theo kiểu “mot à mot” (sát từng chữ).
Nếu đúng ý thì không thành vấn đề, nhưng có nhiều câu họ dịch không đúng ý hoặc dịch sai ý. Những dịch giả Việt Nam nói chung chú trọng tới tính chính xác, nhưng một phần do không am hiểu văn học nên họ chỉ chuyển được nghĩa mà không chuyển được văn phong.
* Vậy theo ông, muốn có bản dịch tốt, các dịch giả cần trang bị những gì?
- Theo tôi, người dịch phải thông thạo ngoại ngữ mình phiên dịch chứ không chỉ biết nó là đủ, đồng thời cần hiểu tác giả và tư tưởng của tác giả. Trong quá trình dịch, phải tôn trọng văn phong của tác giả và đảm bảo độ chính xác. Như một lần tôi dịch tác phẩm của Camus. Camus có thời viết lủng củng, tôi cũng dịch lủng củng như thế. Phía dưới tôi có chú thích rằng đó chính là văn phong của tác giả.
Ông Hoàng Hưng khi dịch thơ Pháp cuối thế kỷ XX, có trao đổi với tôi về các bài thơ trước khi cho in. Tôi nghĩ đó chính là biểu hiện của sự tôn trọng tác giả. Có lần tôi đọc bản dịch, ở nguyên tác là một câu văn dài, khi dịch ra, người dịch cố ý phân ra thành nhiều câu. Đó là một sai sót chứ không phải là sáng tạo. Về việc chọn sách để dịch, tôi cho rằng không thể chỉ căn cứ vào giải thưởng được trao cho cuốn sách đó. Có nhiều tác phẩm không có giải thưởng mà vẫn hay. Ở đây cần phải có một sự am hiểu về mặt văn chương.
* Ngoài việc dịch các tác phẩm của Pháp sang tiếng Việt, ông có dịch các tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Pháp không?
- Tôi có dịch một số truyện ngắn của Việt Nam sang tiếng Pháp. Nhìn chung, đó là việc tương đối khó khăn vì những truyện ngắn của Việt Nam thường dài dòng, không tiếp cận vấn đề một cách trực tiếp. Trên thực tế, ở Việt Nam không có định nghĩa về thể loại truyện ngắn một cách rõ ràng. Ngoài ra dịch tác phẩm Việt Nam sang tiếng Pháp xong , rất khó tìm được NXB để in những tác phẩm dịch đó.
* Có nghĩa là văn học Việt Nam chưa thuyết phục được người đọc Pháp?
- Đúng thế. Độc giả Pháp tìm đọc sách văn học Việt Nam dịch sang tiếng Pháp hiện chỉ có ba dạng thôi. Một là những người nghiên cứu Việt Nam; hai là những nhà báo sắp đến tác nghiệp ở Việt Nam cần tìm hiểu về Việt Nam; và ba là con cháu của những gia đình Việt Nam định cư tại Pháp, tò mò về quê hương gốc gác của mình. Số độc giả ấy ngày càng ít. Vì vậy, các NXB Pháp ngại in sách Việt Nam.
Nữ giám đốc NXB Acte-Sud cho tôi biết, ở Pháp muốn có lãi, thì một đầu sách xuất bản cần được tiêu thụ từ 1.800 bản trở lên. Khả năng một tác giả Việt Nam đạt được số lượng đó là rất khó. Tuy nhiên, tại Pháp có một tác phẩm văn học Việt Nam được đọc nhiều, được giới phê bình trân trọng và viết nhiều là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, vì cuốn sách đó đã nêu được những vấn đề của nhân loại, có tính khái quát chung, vượt ra khỏi ranh giới lãnh thổ quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận