13/06/2024 14:49 GMT+7

Dịch giả nhí Lily và con đường tơ lụa tri thức từ cha mẹ

Ở tuổi 11, dịch giả Lily (Hồ An Nhiên, Hà Nội) đã là chủ nhân của 5 dịch phẩm. Nhiều người thán phục nhưng cũng không ít người ngạc nhiên, thậm chí không khỏi nghi ngờ.

Dịch giả Lily (giữa) và cha tại buổi ra mắt sách Con đường tơ lụa - Ảnh: Q.T.

Dịch giả Lily (giữa) và cha tại buổi ra mắt sách Con đường tơ lụa - Ảnh: Q.T.

Năm 2022, bạn đọc Việt Nam thán phục năng lực dịch sách của dịch giả 9 tuổi Lily (Hồ An Nhiên) với tác phẩm Không thể dừng bước. Cuối tháng 5-2024, Lily trình làng tác phẩm mới có tên Con đường tơ lụa. Đây là tác phẩm thứ năm do Lily chuyển ngữ.

Đọc sách Con đường tơ lụa có thể thấy rõ rằng ở nơi nào có người tiên phong mở đường thì nơi đó có những con đường trí tuệ, những con đường xuyên không gian và thời gian.

Sự kiên trì của cha mẹ

Lily bắt đầu dịch sách từ 8 tuổi và tiếp tục dịch sách ở tuổi lên 10 và 11. Một sự khởi đầu sớm và liên tục cho ra những sản phẩm dịch chất lượng của dịch giả nhỏ tuổi, hiển nhiên không phải tự nhiên mà thành.

Mẹ của Lily yêu thích đọc sách từ nhỏ, tuy không làm trong ngành xuất bản nhưng đã có đóng góp nhất định cho việc xuất bản và phổ biến sách. Cha của Lily là giảng viên ở các trường đại học khác nhau và là người thấu hiểu giá trị của sách. Ông nội Lily là giáo sư ngành y. Bà ngoại Lily là giáo viên yêu sách.

Ông bà và cha mẹ của Lily có khởi đầu trên con đường tơ lụa tri thức. Bởi vậy, họ dẫn tri thức về tâm trí Lily từ nền tảng yêu mến tri thức của mình.

Anh chị từng kiên nhẫn đọc sách cùng con từ không tuổi? Anh chị từng kiên nhẫn nghe những câu chuyện do con nghĩ ra khi xem sách tranh? Anh chị từng kiên nhẫn đọc trọn bộ Tây du ký cùng con và trả lời những câu hỏi khi con học lớp 2? Anh chị từng kiên nhẫn thảo luận các vấn đề về triết học dành cho thiếu nhi, tài chính dành cho trẻ em... mỗi khi con cần?...

Hàng loạt câu hỏi như vậy có thể đặt ra cho các bậc làm cha, làm mẹ. Và mỗi đáp án khác nhau sẽ cho ra những con người, cuộc đời khác nhau.

Với Lily, cha mẹ đã kiên trì, nhẫn nại để không chỉ câu trả lời là "có" cho các câu hỏi trên mà còn nhiều câu hỏi, cơ hội khác họ tạo cho con. Đó là việc cha mẹ đã tạo ra ngân hàng ngôn từ tiếng Việt và tiếng Anh nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp con hiểu các khái niệm trong khả năng của mình, để con mặc sức tưởng tượng và trình bày, cùng nhau tranh luận và học lẫn nhau... trong 11 năm qua.

Bởi thế, năm dịch phẩm là nỗ lực không ngừng nghỉ của cha mẹ và chính dịch giả nhỏ tuổi. Và chúng ta không cần phải chứng minh sự hiển nhiên rằng giáo dục gia đình là sự khởi đầu vĩ đại của mỗi con trẻ.

Để có thêm nhiều Lily

Ngoài việc thừa hưởng những cơ hội tiếp cận tri thức và chuyển hóa thành các sản phẩm dịch, Lily sớm tham gia các hoạt động phổ biến sách đến bạn đọc nông thôn gồm sử dụng nguồn tài chính từ dịch sách để xây dựng các thư viện lớp học nông thôn và tham gia mừng tuổi sách dịp Tết nhằm tạo nhận thức xã hội về tầm quan trọng của sách như chính Lily được hưởng lợi.

Vậy con trẻ được sinh ra trong các gia đình không có nền tảng tri thức chuyên môn và cha mẹ đói sách từ nhỏ thì cần được hỗ trợ như thế nào?

Hàng chục triệu đứa trẻ lớn lên ở nông thôn trong những thập niên từ 1970 đến nay đều thiếu cơ hội tiếp cận sách và cơ hội giáo dục từ gia đình. Ở tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, học sinh không được đọc sách và nghe sách thì khi lớn lên, những công dân ấy không hiểu được giá trị của sách tác động đến đời sống tinh thần, lũy tích tri thức, kỹ năng và giá trị sống, sự tự tin trong giao tiếp, trình bày vấn đề...

Tệ hơn nữa, phần nhiều trong số họ không quan tâm đến sách và giúp con cái họ đọc sách. Sự nghèo đói tri thức liên thế hệ tiếp diễn thì cá nhân và xã hội không có sự chuyển hóa thành trí tuệ thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Bởi vậy, về cấp độ cá nhân, không phải ai cũng du học Anh quốc như cha mẹ Lily, không phải học sinh nào cũng mê dịch sách như Lily, nhưng hàng triệu cha mẹ ở đô thị và nông thôn đều có năng lực đọc sách cùng con từ không tuổi như cha mẹ Lily và hàng triệu trẻ em đều muốn cha mẹ đọc sách cùng con.

Cha mẹ cần biết rằng mỗi tủ sách lớp học chỉ mất vài triệu đồng khởi động nhưng giá trị dài hạn dành cho các con thì không thể đo đếm được bằng tiền mà là những bộ não hiểu biết, những đứa con hiếu thảo và công dân trách nhiệm.

Song song, nền giáo dục Việt Nam phải thay đổi theo giáo dục các nước phát triển. Khi đó, giáo dục làm cha làm mẹ trở thành một cấu phần của giáo dục. Cha mẹ dù chưa có thói quen đọc sách cùng con cũng sẽ dần thay đổi theo sự vận động của nhà trường và xã hội.

Nguồn lực từ cha mẹ, thầy cô giáo, cựu học sinh với hàng ngàn tỉ trong năm học sẽ được huy động và hàng chục triệu bản sách đến tay trẻ em ở trường, ở nhà. Cuộc cách mạng giáo dục ở Việt Nam là tất cả trẻ em của chúng ta được nghe và đọc sách như trẻ em Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Hy vọng rằng hai mươi năm tới, xã hội sẽ có nhiều Lily trong các lĩnh vực khác nhau, góp phần làm phong phú nền tảng tri thức của nước nhà và nhiều sản phẩm trí tuệ sẽ ra đời như chính Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel... đã và đang tạo ra.

Lily bắt đầu dịch thuật khi 8 tuổi với bộ 3 sách tranh Những vệ thần của tuổi thơ. Bộ sách 3 cuốn do Book Hunter và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2021. Ngay sau đó, Lily đã nhận được lời mời của Omega Plus Book tham gia dịch 2 cuốn sách lịch sử phiên bản đại chúng là Không thể dừng bước của Yuval Noah Harari và Những con đường tơ lụa của Peter Frankopan.

Độc giả nhí hào hứng với hội sách ở trườngĐộc giả nhí hào hứng với hội sách ở trường

TTO - Những hội sách được tổ chức ngay khuôn viên trường học, với những quyển sách do chính các em đóng góp đang trở thành một hoạt động ngoại khóa thu hút sự quan tâm của học sinh, tưới tẩm thêm tình cảm của các em dành cho thế giới sách, truyện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp