03/09/2019 10:41 GMT+7

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tối nay (3-9), tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, Dương Tường có một cuộc gặp gỡ với người yêu văn chương nhân ra mắt cuốn sách mới nhất do ông chuyển ngữ: Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline.

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 1.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường trong căn phòng nhỏ đầy tranh và sách của ông ở Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tôi đã sống như một người tử tế. Tôi đã không ăn gian của Trời một ngày nào trong cái cuộc sống mà Trời đã cho tôi.

Dịch giả Dương Tường

Viên gạch nối duyên dáng

Căn phòng nhỏ yên tĩnh đầy sách và tranh bạn bè vẽ tặng, Dương Tường ngồi trên chiếc ghế kê trước màn hình máy tính cỡ đại mà một nhóm bạn trẻ đã gom góp mua tặng ông để ông có thể làm việc dễ dàng hơn với đôi mắt hầu như đã lòa suốt 3 năm nay.

Giữa những bức tranh chân dung rất ấn tượng mà những tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trịnh Công Sơn, Hoàng Lập Ngôn, Bửu Chỉ, Lưu Công Nhân, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trần Tuấn, Trần Lương, Hà Trí Hiếu... đã vẽ người thơ Dương Tường, ông cứ nhỏ nhẹ chuyện trò với khách; chốc chốc lại gọi người vợ cũng đã gần 80 tuổi bằng tiếng "em" ngọt ngào, để nhờ bà nhớ hộ cái này, xác minh lại thông tin kia.

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 3.

Chân dung Dương Tường qua tranh của Bùi Xuân Phái

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 4.

Chân dung Dương Tường qua tranh của Bùi Xuân Phái

Được anh em nghệ sĩ nhiều thế hệ yêu quý, Dương Tường không chỉ như viên gạch nối giữa các thế hệ văn nghệ sĩ; mà còn là viên gạch nối duyên dáng giữa các ngành nghệ thuật, từ văn chương tới kịch, hội họa, âm nhạc...

Người ta biết tới Dương Tường như một người cách tân thơ, nhưng sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng ông là người đóng góp khá lớn vào đổi mới mỹ thuật.

Không ở trong nhóm, nhưng Dương Tường lại chính là người sáng lập ra nhóm Gang Of Five, là "bố già" của nhóm 5 "chàng ngự lâm" muốn cách tân hội họa sau thời kỳ đất nước Đổi mới, gồm có Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Phạm Quang Vinh.

Với sân khấu, Dương Tường cũng có cái duyên của người xe duyên, chứ không chỉ là một nhà phê bình sân khấu như nhiều người biết.

Một ngày đầu những năm 1990, nữ giáo sư người Mỹ Lorre Browning chuyên giảng dạy và nghiên cứu về Shakespeare đã tìm đến gặp Dương Tường vì muốn tìm một người nghiên cứu về Shakespeare ở Việt Nam.

Dương Tường giới thiệu bà với đạo diễn sân khấu tài năng Nguyễn Đình Nghi - một người bạn thân của ông.

Từ mối giao tình này, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã được mang sang biểu diễn tại các trường đại học của Mỹ vào thời điểm mà hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ.

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 5.

Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật (Officier des Arts et des Lettres) cho nhà thơ, dịch giả Dương Tường năm 2009 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại

87 tuổi, vừa tiễn biệt một người bạn thân thiết về đất mẹ, nhà thơ, dịch giả Dương Tường chia sẻ ông vừa hoàn thành một bản dịch (không phải là bản dịch Chết chịu) mà xong nó ông cho là mình có thể hoàn toàn thanh thản mà “đi theo các bạn được rồi”.

Bản dịch ấy được coi như bản dịch cuối (chưa ra mắt) là kết quả của 2 năm soi kính lúp đánh từng con chữ cỡ lớn “như con gà mái” trong căn phòng gác hai nơi con ngõ thanh bình của “khu phố Tây” ông sống và lặng nhìn Hà Nội.

Tôi còn nợ thơ

Trong giới văn nghệ, Dương Tường ghi tên mình như một nghệ sĩ lớn với một hồn thơ đắm đuối, nhạy cảm, nhiều sáng tạo trong nghệ thuật thi ca. Nhưng trong dịch thuật, dù chỉ là cái "nghề kiếm cơm", ông vẫn đưa tên mình lên hàng những dịch giả uy tín.

Dương Tường là con của một thầu khoán, nhưng mới học xong vài lớp thì lăn vào cuộc chiến chinh cùng đất nước.

Năm 1949 ông đi bộ đội cho tới khi hòa bình lặp lại thì giải ngũ vào năm 1955. Kể từ đó, ông bắt đầu ngày ngày lui tới hai thư viện lớn nhất ở Hà Nội (Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học xã hội).

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 7.

Chân dung Dương Tường qua tranh của đạo diễn Doãn Hoàng Giang

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 8.

Chân dung Dương Tường qua tranh của Hoàng Hồng Cẩm

Những tri thức Đông - Tây và vốn ngoại ngữ Anh, Pháp của ông đã được tích lũy từ hành trình bất tận: thư viện - phố - nhà, rồi lại nhà - phố - thư viện.

Lúc đang làm việc ở TTXVN, sau vài năm miệt mài ở thư viện, ông đã dịch những cuốn sách đầu tiên: tập truyện ngắn của Nga Cây tường vi và kịch Chim hải âu của Chekhov. Đó cũng là cái duyên cho cái tên ông đặt cho con trai đầu lòng của mình: Hải Âu.

Về sau, Dương Tường bắt tay vào dịch những tác phẩm lớn của thế giới như Anna Karenina (Lev Tolstoy), Lolita (Vladimir Nabokov), Cái trống thiếc (Gunter Grass)... và đặc biệt là các tác phẩm của những tác gia mà văn chương của họ thật sự thách thức độc giả như Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa của Marcel Proust.

Từ năm 1961 đến nay, ông đã dịch trên 50 tác phẩm, xuất bản 5 tập thơ (trong đó 2 tập in chung) và cả tập tạp văn Chỉ tại con chích chòe.

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 9.

Chân dung Dương Tường qua tranh của Nguyễn Minh Thành

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào - Ảnh 10.

Chân dung Dương Tường qua tranh của Nguyễn Tư Nghiêm

Chia sẻ bí quyết tự học để trở thành một dịch giả của nhiều tác phẩm lớn, Dương Tường nói "ngón nghề" của ông chỉ là ông không bao giờ làm những việc dễ mà luôn chọn làm, dịch những cuốn sách khó hơn khả năng của mình một chút.

Điều đó buộc ông luôn phải "kiễng chân lên một chút". Và nhờ vào những cái kiễng chân ấy "để lớn lên".

Hỏi Dương Tường về nghiệp thơ của ông, người "đứng về phe nước mắt" bỗng chùng giọng. Ông bảo thơ mới là cái nghiệp chính của ông, nhưng bởi cơm áo nên ông phải chuyên chú cho dịch thuật. Thế là, cả đời ông mãi vấn vương với món nợ nàng thơ không thể trả.

Một điều khiến ông thấy "thích" nhất ở mình chính là "Tôi đã sống như một người tử tế. Tôi đã không ăn gian của Trời một ngày nào trong cái cuộc sống mà Trời đã cho tôi".

"Kệ những người không thiện ý"

Về những bạc bẽo của nghề dịch và viết, về những lần người ta mang những bản dịch của ông ra mổ xẻ và "giẫm đạp", Dương Tường bảo ông "thật sự không hề để ý", bạn bè nói ông mới biết, và khi biết thì ông cũng chỉ nhắc mình: kệ những người không thiện ý.

Bản thân ông, ông hiểu mình làm cái gì cũng làm tới mức không thể tốt hơn mới thôi, còn thiếu sót trong dịch thuật thì luôn luôn có rồi.

Dịch giả Đào Tuấn Ảnh từng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện văn chương tại Hà Nội: "Phải là bậc thầy về ngôn ngữ tiếng Việt mới có thể đạt được sự tự do, khoái hoạt trong dịch thuật như Dương Tường.

Trong dịch thuật, điều quan trọng nhất là bản dịch có thể làm toát lên được hồn cốt của tác phẩm và Dương Tường đã làm được điều ấy...".

Dương Tường thơ - Tập thơ một đời của một dịch giả Dương Tường thơ - Tập thơ một đời của một dịch giả

TTO - Ở tuổi 85, Dương Tường - vốn được biết đến nhiều hơn trong hình ảnh một dịch giả có uy tín với trên 50 tác phẩm dịch - vừa trình làng quyển Dương Tường thơ.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp