Tiến sĩ William Fischer, nhà điều phối của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hỗ trợ cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm Ebola ở Mangina, CHDC Congo - Ảnh: REUTERS
"Tổng số trường hợp bị lây nhiễm là 326, trong đó 291 người được xác nhận là bị Ebola và 35 người rất nhiều khả năng bị Ebola. Tổng cộng đã có 201 trường hợp qua đời vì bị Ebola và 98 người đã được chữa khỏi. Đó là số liệu vừa được công bố trên báo cáo của Bộ Y tế Congo.
Theo Hãng tin AFP, vào ngày 9-11 đã ghi nhận đến 319 trường hợp bị nhiễm Ebola và 198 trường hợp đã thiệt mạng vì bệnh ở các tỉnh Bắc-Kivu và Ituri.
Những con số trên đã vượt qua các số liệu của trận dịch đầu tiên bắt đầu được ghi nhận ở CHDC Congo vào năm 1976 tại ổ dịch ở Yambuku (318 trường hợp bị nhiễm Ebola và 224 trường hợp đã thiệt mạng), thuộc tỉnh Équateur.
Trận dịch thứ 10 lần này được công bố từ ngày 1-8 vừa qua tại Mangina, thuộc tỉnh Bắc-Kivu.
Ổ dịch sau đó nhanh chóng chuyển đến Beni, vốn là "sào huyệt" của những tay súng nổi dậy người Uganda thuộc Lực lượng Dân chủ liên minh (ADF) và nhiều nhóm vũ trang đang hoạt động chống chính quyền ở miền đông CHDC Congo.
Chưa có loại dịch bệnh nào trên thế giới phức tạp như dịch mà chúng tôi đang trải qua ở vùng Beni".
Tiến sĩ Oly Ilunga - bộ trưởng y tế CHDC Congo
Bệnh nhân chết vì Ebola được đưa đi xử lý ở CHDC Congo - Ảnh: AFP
Trước đó, ngày 7-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo khu vực biên giới của Uganda tiếp giáp với Congo "có nguy cơ cao" bị nhiễm virus Ebola, do gần với tâm của ổ dịch cũng như các hoạt động kết nối về thương mại, văn hóa và xã hội giữa hai bên.
WHO và Bộ Y tế Uganda đã bắt đầu các hoạt động tiêm ngừa từ ngày 6-11 cho nhân viên y tế tuyến đầu. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn ổ dịch Ebola từ nước láng giềng Congo phát tán qua biên giới.
Các hoạt động tiêm ngừa tập trung vào khu vực biên giới của Uganda tiếp giáp với Congo, những nơi có nguy cơ cao về khả năng lây lan dịch bệnh, với khoảng 2.000 liều vắcxin dành cho nhân viên y tế.
Theo một báo cáo được công bố ngày 22-10, WHO đã cảnh báo về khả năng virus Ebola lây lan từ Congo sang các nước Uganda, Rwanda, Nam Sudan và Burundi, đồng thời kêu gọi các nước này sẵn sàng các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Hiện không có trường hợp mắc Ebola nào được ghi nhận ở Uganda, nhưng các cơ quan chức năng nước này đang thực hiện kế hoạch nhằm tránh lặp lại hậu quả nghiêm trọng của các đợt bùng phát trước đó.
Tiến sĩ Yonas Tegegn Woldemariam - trưởng đại diện WHO tại Uganda - đánh giá chiến dịch tiêm vắcxin là một bước tiến lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ mắc bệnh Ebola cho nhân viên y tế.
Uganda cũng triển khai các biện pháp khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này, bao gồm hoạt động giám sát của các cơ sở y tế và cộng đồng; thu thập và xét nghiệm mẫu máu; giám sát xuyên biên giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận