Các chuyên gia Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia ở Canada chuẩn bị loại vắc xin Ebola thử nghiệm Ảnh: Reuters |
Theo báo USA Today, các hãng dược đang chạy đua để sản xuất thuốc đặc trị và vắc xin chống virút Ebola. Có thể kể đến những cái tên lớn như GlaxoSmithKlein (GSK), NewLink Genetics (NLNK), Johnson & Johnson (JNJ) và Bavarian Nordic.
Hai công ty Mỹ quy mô nhỏ là Chimerix (CMRX) và Mapp Biopharmaceuticals cũng đang phát triển các liệu pháp chữa trị Ebola. Các bệnh nhân tại Bệnh viện ĐH Emory ở Mỹ đã được điều trị bằng thuốc Zmapp của Mapp Biopharmaceuticals và hồi phục hiệu quả.
Một số công ty cũng đang thử nghiệm thuốc chống Ebola là Tekmira Pharmaceuticals (TKMR), Sarepta Therapeutics (SRPT), BioCryst Pharmaceuticals (BCRX) và Kalon Biotherapeutics.
“Các hãng dược đặt cược rằng chính phủ Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ mua ồ ạt thuốc và vắc xin chống Ebola để tích trữ phòng dịch” - USA Today dẫn lời giáo sư Lawrence Gostin của ĐH Luật Georgetown.
Đó không phải là một lời dự báo. Theo CNN, báo cáo của hãng Credit Suisse cho biết chính phủ Mỹ sẽ ký các hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD để mua thuốc chống Ebola từ các hãng dược. Một số cơ quan chính phủ Mỹ sẽ được giao nhiệm vụ dự trữ thuốc chống Ebola.
Việc chính phủ các nước dự trữ thuốc và vắc xin chống dịch là chuyện thường thấy. Ví dụ chính phủ Mỹ ký hợp đồng năm năm trị giá 1,25 tỷ USD với hãng Emergent BioSolutions (EBS) để cung cấp gần 29 triệu liều vắc xin chống vi khuẩn bệnh than.
Trong quá khứ, các hãng dược luôn trúng quả đậm khi có đại dịch xảy ra. Khi dịch cúm gia cầm nổ ra năm 2009, chính quyền các nước phương Tây đầu tư hàng tỷ USD để mua thuốc và vắc xin rồi bỏ phí. Phần lớn các loại thuốc này chỉ có thời hạn sử dụng trong một năm.
Khi đó chỉ riêng hãng Roche đút túi 1,74 tỷ USD từ việc bán thuốc Tamiflu. GSK và Novartis cũng nhận được hàng tỷ USD từ chính phủ Mỹ để phát triển vắc xin chống cúm. Hiện tượng tương tự xảy ra khi dịch cúm heo bùng lên từ Mexico.
Dịch Ebola từ đầu năm 2014 cũng giúp giá cổ phiếu các hãng dược tăng vọt như tên lửa. Ví dụ cổ phiếu của hãng Tekmira tăng 300% từ tháng 1 đến 4-2014. Cổ phiếu các hãng dược khác cũng tăng từ vài chục đến vài trăm phần trăm.
Sau khi dịch Ebola bùng nổ ở Tây Phi và lan tới phương Tây, trên mạng có nhiều lời đồn đại rằng virút Ebola là sản phẩm của các hãng dược hoặc chính phủ một số nước để kích cầu tiêu thụ thuốc và vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận